dd/mm/yyyy

Ngón nghề “có một không hai” ở làng "đi thụt lùi"

Hơn 300 năm qua, làng Bến Hến xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) lặng lẽ nép mình bên dòng sông La hiền hòa. Loài nhuyễn thể của dòng sông này được sử dụng để chế biến thành những món ăn “đặc sản” mang đặc trưng riêng của người dân Đức Thọ nói riêng, Hà Tĩnh nói chung.

Nhu cầu tiêu thụ hến lớn đã giúp người dân khai sinh ra ngón nghề cào hến “có một không hai”, giúp hàng trăm hộ dân trong làng có cái ăn, cái mặc, nuôi con cái học hành thành tài.

Làng "đi thụt lùi"

Một buổi chiều, chúng tôi vượt cây cầu Thọ Tường đến thăm làng Bến Hến, xã Trường Sơn - nơi nổi tiếng có hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề cào hến truyền thống.


Hoàng hôn trên Bến Hến

“Hàng năm, làng lấy ngày 20 tháng 3 (âm lịch) làm ngày tế Thành Hoàng làng. Vào ngày này, cứ theo lệ người dân chế biến các món ăn từ hến để cúng Thành Hoàng. Đây được coi là ngày giỗ nghề của người dân làng Bến Hến”, cụ Tài cho biết.

Làng Bến Hến hiện có 150 hộ dân sống bằng nghề cào hến - cái nghề “đi thụt lùi”, lưng phơi nắng, mặt dúi xuống nước cả ngày, tối về quần quật với việc nhặt, rửa hến. Sở dĩ gọi là nghề “đi thụt lùi” bởi ngày trước làm hến không hiện đại như bây giờ, để bắt được hến người dân phải dùng một chiếc cào có máng hình chữ nhật, cán dài 1-1,5m để cào; người cào vừa đi thụt lùi vừa lắc đều để đãi hến. Còn bây giờ, chỉ cần ngồi trên thuyền máy, cắm cào xuống cát rồi nổ máy chạy dọc trên sông vài vòng là có vài chục kg hến.

Nghề hến hoạt động quanh năm, nhưng cao điểm nhất là 3 tháng mùa hè, mỗi ngày có đến hàng chục lò luộc hến bốc hơi nghi ngút, lan tỏa cái mùi ngai ngái đặc trưng của hến.

Cụ Tài nói: “Nghề cào hến vất lắm. Mùa hè phải phơi lưng giữa cái nắng cháy da. Còn mùa đông, nằm chưa ấm chỗ đã phải dậy đi cào, nước buốt lạnh nhưng cũng đành cắn răng chịu đựng vì nghề nó nuôi mình mà”.

Thu tiền triệu mỗi ngày

Sau một lúc hì hục với mẻ hến vừa cào được, anh Trần Ngọc Quang lôi lên một túi bùn có lẫn rác và hến khá nặng. Để đẩy các tạp chất ra ngoài, anh Quang tiếp tục đảo túi bùn dưới nước mấy vòng. Anh tâm sự, trước đây mỗi ngày anh chỉ cần đi dọc sông La là cào được mấy tạ hến nhưng bây giờ sản lượng hến ngày càng cạn kiệt nên bà con phải vượt hàng cây số theo sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố hoặc ngược cầu Bến Thủy (TP Vinh) mới có hến mang về.


Hến ở làng Bến Hến có vị ngon khác biệt nổi tiếng trong và ngoài tỉnh

Sau đó, đổ hến vào nồi đậy kín bắc lên bếp chừng 10 phút sau khuấy đều. Những con hến mập bung ra khỏi vỏ, dùng vợt vớt ra và đưa đi đãi để lấy ruột. Công đoạn này đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của người phụ nữ, bởi thành quả của cả một chuyến cào hến trên sông phụ thuộc vào việc lấy hết ruột ra khỏi vỏ.

Theo anh Quang, hến được giá nhất vào mùa hè, loại hến to trung bình bán được 150.000đ/kg, hến nhỏ khoảng 40.000đ/kg. Sau một ngày lênh đênh dọc con sông, mỗi thuyền thu được khoảng 7 tạ hến sống, về nấu thu được 50-70kg ruột. Trừ chi phí, mỗi ngày gia đình anh cũng thu được gần một triệu đồng. Ngoài bán ruột hến, vỏ hến và nước hến cũng được tận dụng để tăng thêm thu nhập. Theo đó, nước hến dùng để nấu canh còn vỏ được gom lại nung thành vôi bón ruộng hoặc có thể xay nhỏ làm thức ăn cho gà, vịt.


Thời gian gần đây người dân chủ yếu dùng thuyền máy để khai thác hến. Hến được cào ồ ạt bằng lưới chuyên dụng nên không chỉ hến lớn, hến nhỏ mà cả hến mới sinh sản cũng bị thu gom. Ngoài ra, việc khai thác cát vô tội vạ cũng đang khiến nguồn lợi hến ngày càng khan hiếm, cạn kiệt.

Nga Đan