dd/mm/yyyy

Ngành chức năng Hà Nam tăng kiểm tra an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Những tháng cuối năm, tỉnh Hà Nam đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm từ cơ sở tiêu thụ ra thị trường.

Xử phạt nhiều cơ sở vi phạm

Ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho biết, thực hiện công tác lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm (ATTP), từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản đã lấy 432 mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản xét nghiệm chỉ tiêu ATTP.

Kết quả có 424/432 mẫu đạt về ATTP, 8 mẫu không đạt về chỉ tiêu do có hàn the trong giò chả.

"Đối với những cơ sở có mẫu không đạt, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn các xã có cơ sở có dấu hiệu vi phạm thực hiện nhắc nhở, tuyên truyền người dân sản xuất kinh doanh sản phẩm an toàn", ông Hưng thông tin.

Hà Nam đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam kiểm tra một cơ sở giết mổ lợn thịt trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Hưng cho biết thêm, trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, tháng hành động vì an ATTP; tết trung thu năm 2023.

Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP đã kiểm tra 27 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Kết quả, có 25/27 (chiếm 92,59%) cơ sở đạt ATTP, 2 cơ sở vi phạm về ATTP.

Xử lý vi phạm hành chính 2 cơ sở với tổng số tiền nộp phạt vào Kho bạc nhà nước là 12 triệu đồng. Ngoài ra, tiêu hủy 150kg động vật (lợn) chết.

Bên cạnh đó, kiểm tra đột xuất 4 cơ sở có dấu hiệu vi phạm về ATTP, xử lý vi phạm hành chính 4 cơ sở. Tổng số tiền phạt nộp vào nhà nước là 66 triệu đồng.

Song song với việc tăng cường kiểm tra, xử phạt các sơ sở vi phạm ATTP, năm 2023 Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nam đã kiểm tra, thẩm định, xếp loại được 60 cơ sở. Trong đó, có 4 cơ sở xếp loại A và 56 cơ sở xếp loại B.

Ngoài nhiệm vụ thanh kiểm tra, xử phạt các sơ sở, đơn vị này cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn trong các dịp lễ, tết. Tổ chức tập huấn cho người dân ở 1 số xã trên địa bàn tỉnh về kiến thức thực hành sản xuất rau, củ, quả bền vững…

Siết chặt an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Sở NNPTNT Hà Nam cho hay, thời gian qua số chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn ngày càng tăng về số lượng và đa dạng các loại sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Nhận thức của chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản và toàn xã hội về ATTP càng ngày càng nâng cao. Chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản được đảm bảo. Năm 2023 không có sự cố về ATTP nông sản trên địa bàn.

Hà Nam đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm - Ảnh 2.

Một cơ sở sản xuất rượu ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam thường xuyên vệ sinh nắp đậy, chum vò đựng rượu nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Mai Chiến.

Ngoài ra, chất lượng nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh từng bước được quản lý, kiểm soát góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; giữ vững ổn định sản xuất, thúc đẩy thị trường nông sản, thủy sản.

Số lượng các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn ngày càng tăng, đẩy lùi việc mua bán sản phẩm nông lâm thủy sản trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 44 chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn cung cấp tại địa phương và một số tỉnh lân cận…

Hoạt động kiểm tra đột xuất có tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm nông lâm thủy sản.

Tuy nhiên, theo Sở NNPTNT Hà Nam, hoạt động giết mổ trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, hộ gia đình với khoảng 700 hộ; trong đó 528 hộ giết mổ gia súc, 172 hộ giết mổ gia cầm.

Nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ với số lượng ít (1-2 con) và hoạt động giết mổ thường diễn ra từ 2-4h sáng; địa bàn rộng các hộ ở xa nhau, gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát giết mổ của cơ quan chức năng chuyên ngành.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam mới có 1 cơ sở giết mổ lợn tập trung tại Khu công nghiệp Đồng Văn 4 của Công ty TNHH MNS MEAT Hà Nam với công suất thiết kế khoảng 3.500 con/ngày được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh quản lý thực hiện theo đúng quy định

Tết Dương lịch và tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang cận kề, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp như rau, thịt,… sẽ tăng cao. Do đó, vấn đề ATTP càng phải được siết chặt, quản lý chặt chẽ khi đưa ra thị trường.

Ông Trương Quốc Hưng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho hay, để đảm bảo ATTP trong, trước và sau các dịp lễ, tết, thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP.

Tổ chức lấy mẫu giám sát ATTP nông lâm thủy sản là sản phẩm chủ lực của tỉnh, có rủi ro cao, tiêu thụ nhiều nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, kiểm tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp vi phạm về ATTP...

THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CỤC CHẾ BIẾN, CHẤT LƯỢNG VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN (BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN)

Mai Chiến