dd/mm/yyyy

Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thiệt hại nặng nề, lũ khẩn cấp trên các sông

Bão số 12 với sức tàn phá ghê gớm sau hki đổ bộ vào Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã gây ra hậu quả nặng nề. Hiện chính quyền và người dân địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn cho người dân sau bão.

Bão làm sập nhà tại Khánh Hòa, người dân sống cảnh "màn trời, chiếu đất"

Tỉnh Khánh Hòa bão làm 16 người thiệt mạng

Theo BCH PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa, tính đến 6 giờ ngày 5.11, bão số 12 gây ra thiệt hại sơ bộ ban đầu khiến 16 người thiệt mạng.

Cụ thể, TX Ninh Hòa có 8 người, Vạn Ninh 4 người, Nha Trang 2 người, Diên Khánh 1 người, TP Cam Ranh 1 người. Số người mất tích đang rà soát sau.

Thành phố Nha Trang tan hoang sau bão số 12

Về nhà ở có 691 nhà sập hoàn toàn, trong đó Nha Trang 415 nhà, Diên Khánh 218 nhà, Vạn Ninh 20 nhà, Ninh Hòa 15 nhà, Cam Ranh 7 nhà và Khánh Sơn 16 nhà.

Có 29.382 nhà bị tốc mái. Về nông nghiệp có 3.748ha lúa bị ngập; mía đổ ngã 1.300ha; mỳ 1.200ha; hoa màu 119ha.

Về thủy sản có 1.456 lồng bè bị chìm, tập trung Vạn Ninh, Nha Trang; 112 tàu bị chìm, hư hại, trong đó 47 chiếc ở Nha Trang, 106 chiếc (Cam Ranh) và 2 chiếc (Cam Lâm).

Tỉnh Bình Định 17 tàu bị chìm, 2 tàu bị lũ cuốn trôi

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, tính đến 17 giờ chiều 4.11, trên địa bàn tỉnh này có 1 người chết và 4 người bị thương.

Thống kê sơ bộ, trên địa bàn Bình Định đã có 379ha lúa vụ mùa (vụ 3) chưa kịp thu hoạch bị ngã đổ, 21,6ha lúa giống gieo sạ chuẩn bị cho vụ ĐX 2017-2018 bị trôi, 100 con gia cầm bị chết, 10 lồng bè NTTS bị cuốn trôi; về nhà ở đã có 81 nhà bị sập hoàn toàn, 95 căn nhà bị tốc mái; sạt lở 20m3 đường quốc lộ 1D, 2 cầu bị hư hỏng, một số khu vực bị nước ngập chia cắt.

Nhà 1 người dân ở xã Canh Thuận (huyện Vân Canh) bị sập.

Về thủy sản Bình Định cũng bị thiệt hại nặng nề, đến chiều 4/11 đã có 17 chiếc tàu bị chìm, 2 tàu bị lũ cuốn trôi. Số lượng tàu hàng bị chìm tại khu vực cảng Quy Nhơn cũng tăng từ 6 chiếc vào trưa nay lên 8 chiếc, theo báo cáo của Cảng vụ Quy nhơn, vào lúc 16 giờ ngày 4.11 có 2 thuyền viên bị chết và cứu được 70 thuyền viên khác.


Nhiều vùng bị ngập sâu người dân phải đi lại bằng ghe

Tỉnh Phú Yên hàng nghìn ha cao su và hoa màu bị tàn phá

Thống kê chưa đầy đủ, tính đến 9 giờ 30 phút ngày 4.11, đã có 1 người bị mất tích, 4 người bị thương, 946 ngôi nhà của và trụ sở các cơ quan, đơn vị bị sập và tốc mái, cơ sở hạ tầng hư hại nặng, nhiều tuyến đường trong các khu đô thị bị ngập nước.

Thiệt hại về nông nghiệp nặng nhất là cao su, hơn 1.000 ha cao su đang kỳ thu hoạch của người dân bị tan hoang. 225ha hoa màu và 52ha lúa bị mất trắng, trên 17.000ha mía bị ngã đổ. 30 tàu thuyền của ngư dân dù đã được neo đậu tránh trú vẫn bị chìm

Thành phố Tuy Hòa bị ngập nặng

UBND tỉnh Phú Yên cũng cho biết, các tuyến đường giao thông đang bị chia cắt nhiều nơi, không đi lại được

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang từ Khánh Hòa ra Phú Yên để chia sẻ với mất mát, thiệt hại của người dân trong cơn bão 12.

Đến 8 giờ sáng nay, người dân TP Tuy Hòa mới bắt đầu dám ra đường dù gió vẫn còn rất mạnh. Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết chưa thấy cơn bão nào vừa mạnh, vừa kéo dài như cơn bão số 12 này.

Tỉnh Đăk Lăk hàng nghìn ngôi nhà bị sập, tốc mái

Theo số liệu báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đăk Lăk, bão số 12 đã làm 01 người chết, 03 người bị thương (huyện M’ Drắk).

Toàn tỉnh có 113 nhà bị sập (chủ yếu là nhà chưa kiên cố); có 1307 nhà dân, 05 trụ sở cơ quan và 11 trường học bị tốc mái; có 302 hộ dân phải di dời. Nhiều trụ điện bị đổ, gãy; nhiều tuyến đường giao thông sạt lở, cầu, cống bị trôi, hư hỏng gây chia cắt giao thông làm nhiều khu dân cư bị cô lập (có 2.323 hộ dân bị cô lập).

Mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng tại huyện M’Đrắk

Riêng về sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh có 7.759 ha cây trồng các loại bị gãy, đổ và ngập lụt (60 ha lúa, 3.845 ha ngô; 300 ha đầu các loại; 3.554 ha mía, sắn, cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả lâu năm), tập trung chủ yếu ở các huyện phía Đông, phía Đông Nam tỉnh.

Lâm Đồng thiệt hại nặng về hoa màu

Tính đến chiều ngày 4.11, ông Phan Công Ngôn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Lâm Đồng cho biết, ít nhất 40 căn nhà đã bị tốc mái cùng 50ha hoa màu của người dân thôn Đưng K’si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương bị hư hỏng do bão số 12 gây ra.

Mưa lũ gây thiệt hại hoa màu của người dân tại Lâm Đồng

Tại TP Đà Lạt, cây xanh trên nhiều tuyến đường đã bị gió giật gãy đổ. Do mưa lớn nên hồ thủy điện K’Nông 2 và K’Nông 3 đang xả lũ với lưu lượng 200 m3/s đã gây trôi 1 cầu từ Đạ Tông đi xã Đạ Long, huyện Đam Rông. Cũng tại huyện Đam Rông, có ít nhất 7 nhà đã bị tốc mái, hư hỏng.

Quảng Nam lũ lụt cô lập nhiều khu vực

Ảnh hưởng của bão số 12, tính đến 18 giờ ngày 4.11, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đã có nhiều ngôi nhà bị tốc mái, kèm theo 2 thủy điện xả lũ khiến nhiều khu vực thấp trũng ngập sâu trong nước.

Mưa to gió lớn, nhiều vùng thấp trũng của các xã thuộc huyện Đại Lộc, Nông Sơn, Duy Xuyên, TP Tam Kỳ bị ngập sâu trong nước, nhiều khu vực bị chia cắt.

Nhiều vùng tại Quảng Nam bị ngập nặng

Tại thôn Đông Bình và thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên), mưa lớn kèm thủy điện xả lũ, gây ngập sâu gần 1 mét ở các tuyến đường tại đây, khiến việc đi lại và nhiều vùng bị chia cắt. Riêng cầu Hà Tân bị sụt lún, mực nước đổ về sông Thu Bồn chảy xiết và dâng cao, nguy cơ sập cầu hiện hữu. Nhưng bất chấp nguy hiểm nhiều người dân vẫn qua lại.

Đặc biệt, tại xã Tam Hải (huyện Núi Thành), ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, vào thời gian trên một cơn lốc xoáy lớn đã làm 2 ngôi nhà bị sụp hoàn toàn và 84 ngôi nhà tốc mái tại các thôn Bình Trung, Tân Lập, Long Thạnh Tây…, của xã. Mưa gió cũng khiến 6 người bị thương, có 4 người bị thương nặng đang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam.

Tại xã Đại Cường (huyện Đại Lộc), mưa trên diện rộng kèm theo nước sông Vu Gia do xả lũ tăng cao, khiến nhiều tuyến đường trong địa phương bị ngập sâu trong nước. Ngoài ra, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường trong thành phố Tam Kỳ bị ngập, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

Tin lũ khẩn cấp trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định
 
Theo Trung tâm dự báo KTTVTU, trong 03 giờ qua, từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to lượng mưa phổ biến từ 30-100, một số nơi mưa lớn hơn như tại trạm hồ chứa nước Truồi (Thừa Thiên Huế): 114mm, trạm hồ chứa nước Thuỷ Yên (Thừa Thiên Huế): 60mm;hồ chứa nước Khe Ngang (Thừa Thiên Huế) 67mm; Tam Trà (Quảng Nam) 94mm, Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 77mm; Thanh An (Quảng Ngãi) 66mm; Trà Tân (Quảng Ngãi) 81mm; hồ Cấn Hậu (Bình Định) 61mm.

Cảnh báo: Trong 6-12 giờ tới, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục có mưa rất to;

Trong 6-12 giờ tới, nguy cơ cao xả ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng thấp các tỉnh trên. Đặc biệt ở các huyện:

- Tỉnh Quảng Bình bao gồm các huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Qu ảng Ninh, Lệ Thủy

- Tỉnh Quảng Trị bao gồm các huyện: Hướng Hóa, Đăkrông

- Tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm các huyện: Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Nam Đông, A Lưới

- Tỉnh Quảng Nam gồm các huyện: Hiên, Nam Giang, Quế Sơn, Phước Sơn, Trà My

- Tỉnh Quảng Ngãi gồm các huyện: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long

- Tỉnh Bình Định bao gồm các huyện: Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước
Bình Châu