dd/mm/yyyy

Mất thiêng “giấy thông hành” VietGAP

Con lợn, con gà, mớ rau, chùm quả… người nông dân làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình mình mà phải tạo nên giá trị kinh tế khi tham gia thị trường. Khi đó, nhà nông phải tuân thủ những quy định về chất lượng, mẫu mã, thời điểm… để nâng cao giá trị nông sản. Với thị trường xuất khẩu, các quy định đó càng chặt chẽ, ngặt nghèo hơn cho nông sản Việt vốn chịu kìm hãm bởi quy mô sản xuất manh mún và mạnh ai nấy làm.

Để áp dụng quy trình VietGAP phải đầu tư khá tốn kém khiến hộ đơn lẻ khó án dụng. (Trong ảnh: Trồng chuối theo Quy trình VietGAP của ông Võ Quang Thuận (ngụ xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ảnh Hữu Danh)

Trước thực tế đó, Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về an toàn thực phẩm trong toàn xã hội. VietGAP được kỳ vọng là “giấy thông hành” giúp nông sản Việt khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, đã 8 năm, kể từ khi quy trình sản xuất nông nghiệp theo quy chuẩn quốc tế được áp dụng tại Việt Nam, hiệu quả mang lại vẫn chỉ dừng ở con số rất ít ỏi. Diện tích nông sản thực hiện theo quy trình này chỉ chiếm chưa tới 1% diện tích cây trồng trên cả nước.

Đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là nông dân lại thể hiện rõ sự thờ ơ, thất vọng. Một số nông dân chỉ làm khi được hưởng hỗ trợ từ ngân sách, hoặc chỉ làm đối phó “né” quy trình, cốt sao có được giấy chứng nhận VietGAP. Khi mô hình hết thời hạn được hưởng hỗ trợ, nông dân cũng bỏ luôn VietGAP mà không hẹn ngày gặp lại…

Không khó để nhìn ra những nguyên nhân khiến nông dân quay lưng với VietGAP: Bộ tiêu chuẩn VietGAP yêu cầu nông dân phải thực hiện 65 điểm kiểm soát bắt buộc. Mỗi ngày nông dân phải ghi chép từng điểm theo quy trình nên rất khó khăn, họ chỉ làm khi có được sự tài trợ của dự án. Bên cạnh đó, chi phí bỏ ra để triển khai VietGAP cũng không hề nhỏ: muốn có chứng chỉ người nông dân phải đóng 15 triệu đồng/ha/ 1 loại cây trồng; thêm một loại cây trồng sẽ phải đóng thêm kinh phí…

Trong khi, vấn đề mấu chốt là giá trị nông sản VietGAP không cao hơn là bao so với nông sản thường. Mặt khác, do khâu quản lý, lưu thông sản phẩm nông nghiệp ra thị trường còn nhiều yếu kém, không quản lý được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, dẫn đến tình trạng cào bằng về chất lượng; sản xuất theo quy trình VietGAP cũng như không VietGAP, chưa có hệ thống hỗ trợ quảng bá, phân phối sản phẩmVietGAP…

8 năm VietGAP cùng với nông dân xuống đồng, là khoảng thời gian đủ dài để nhận diện những bất cập, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những điều chỉnh hợp lý, để những cơ chế, chính sách thực sự tạo động lực đưa VietGAP vào đời sống.

Với kỳ vọng đó, Trang Trại Việt thực hiện tiêu điểm: Mất thiêng "giấy thông hành" VietGAP nhằm cung cấp cho độc giả góc nhìn đa chiều, gợi mở những giải pháp nhằm tạo dựng niềm tin của nhà nông, nhà phân phối và người tiêu dùng đối với VietGAP.

Trọng Đạt