dd/mm/yyyy

Lúng túng giữ thương hiệu vật nuôi quý hiếm

Các chuyên gia khuyến cáo, dù là con đặc sản, quý hiếm nhưng để nâng cao giá trị vẫn cần phải áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học và đăng ký thương hiệu. Đặc biệt, việc gìn giữ thương hiệu cho con đặc sản ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn.

Nuôi ba ba một thời giúp cho nhiều nông dân làm giàu

Con đặc sản “một thời vang bóng”

Vật nuôi đặc sản có thể hiểu là những vật nuôi có tính riêng biệt, nổi trội, tạo nên nét đặc trưng cho địa phương đó. Hiện nay, ở nước ta có rất nhiều vật nuôi đặc sản và thường được gắn với các vùng, miền, địa danh cụ thể. Hầu như, địa phương nào cũng có một số vật nuôi đặc sản như lợn rừng, dê núi Ninh Bình, bò H’Mông, cá Anh Vũ (Việt Trì, Phú Thọ) lợn Mán, ba ba, đà điểu, cá sấu, vịt trời, vịt cỏ (Vân Đình), chim Sâm Cầm (Hồ Tây) chim trĩ… Chỉ riêng gà cũng có tới hàng trăm loại, gắn với các địa danh như gà Đông Tảo, gà chín cựa (còn gọi là gà nhiều móng ở Phú Thọ), gà Hồ (Bắc Ninh), gà Tò, gà Móng, gà Mía…

Theo các chuyên gia của Viện Chăn nuôi, chính những nét đặc trưng riêng biệt của mỗi vật nuôi này đã tạo lên thương hiệu cho các loại đặc sản, gắn liền với từng vùng miền, địa phương.

Chẳng hạn như gà Đông Tảo (hay còn gọi là Gà Đông Cảo) là một vật nuôi đặc sản của Hưng Yên với đặc tính là ngoại hình lớn, trọng lượng tối đa có thể lên tới 6-7kg đối với gà trống. Điều khác biệt nhất của gà Đông Tảo là ngoài thịt thơm ngon, loại gà này còn có đôi chân sù sì rất to, được nhiều người “săn lùng” vào dịp Tết Nguyên đán để làm quà biếu. Tuy nhiên, do đặc tính sinh sản chậm, nuôi con vụng về nên giống gà Đông Tảo thuần chủng hiện còn rất ít, trong khi nhiều địa phương khác ngoài Hưng Yên cũng đang nuôi giống gà này nhưng chủ yếu là cho lai với các giống gà khác, ảnh hưởng tới vùng nuôi gà Đông Tảo “chính cống” của Hưng Yên.

Thịt bò H’Mông đã được doanh nghiệp giới thiệu bán ở Hà Nội, nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Một đặc sản khác là bò H’Mông hay còn gọi là bò u Cao Bằng vì những con đực nhìn giống như bò tót, có thể nặng tới 700kg, phẩm chất thịt mềm hơn so với nhiều loại thịt bò như bò lai sind, bò brát-man. Thịt bò H’Mông Cao Bằng là đặc sản vùng cao, với đặc điểm mềm, thơm, ngọt thịt, được nuôi ở môi trường trong sạch, trên độ cao 1.000m so với mực nước biển. Loại bò này chỉ sử dụng thức ăn là những cỏ cây tự nhiên, uống nguồn nước từ khe suối rừng, không ăn thức ăn tăng trọng nên thịt bò sạch nguyên chất… Tuy nhiên, dù nổi tiếng nhưng thời gian gần đây, bò H’Mông cũng gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ do phải cạnh tranh khốc liệt với thị bò Úc, nên nhiều người đã phải mang bò bán tại thị trường Trung Quốc. Việc nuôi loại bò này vất vả, lợi nhuận lại không cao nên đàn bò H’Mông cũng đang có chiều hướng giảm.

Một loại vật được coi là đặc sản nữa thuộc về tự nhiên, chưa thấy ai nuôi được, đó là loài chim Sâm cầm. Sâm cầm được ví là sản vật tiến vua của vùng Hồ Tây (Hà Nội) từ đời vua Tự Đức thứ 17 đến đời vua Tự Đức thứ 24. Do có sự tích là sản vật quý dâng vua nên Sâm cầm bị săn bắt tràn lan, đến nay gần như đã không còn tìm thấy loài vật này trong tự nhiên. Tuy nhiên, ở một số nhà hàng tại Hà Nội người ta vẫn có món đặc sản Sâm cầm với giá “cắt cổ” mà nhiều người cho rằng đó là Sâm cầm nhập khẩu từ nước ngoài về, bởi Việt Nam đã từ lâu không còn thấy xuất hiện loại chim quý này nữa.

Thiên nhiên đã “ban tặng” cho mỗi vùng miền của Việt Nam có những loại vật nuôi đặc sản khác nhau, rất đặc trưng. Nhưng điều khiến nhiều người lo lắng là có nhiều loại đặc sản nêu trên đang có nguy cơ mai một. Khó khăn nhất của các vật nuôi đặc sản là đầu ra cho sản phẩm, nên nhiều loại vật nuôi đặc sản xảy ra hiện tượng bị thừa cung hoặc không tìm được nơi tiêu thụ. Như: cá sấu, không tiêu thụ được và đã có nhiều đại gia một thời bị phá sản; ba ba, rất nhiều nơi nuôi nhưng không có người mua do giá cả còn quá cao; con dế nổi lên một thời, nhưng sau đó không tìm được đầu ra; gần đây nhất là vịt trời cũng bắt đầu có hiện tượng thừa cung do quá nhiều địa phương cùng nuôi con vật “trên trời” đã được thuần hóa này... Ngoài ra, nhiều loại “đặc sản” có thể mất hẳn và chỉ còn “một thời vang bóng” nên rất cần có những giải pháp bảo tồn các loài vật nuôi đặc sản.

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu

Theo Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN), muốn giữ được thương hiệu cho các vật nuôi đặc sản, các vùng miền cần phải tiến hành nhiều biện pháp khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cần đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các loại đặc sản này.

Việc đăng ký SHTT cho các đặc sản sẽ đạt được nhiều mục đích: Bảo vệ danh tiếng của đặc sản, tránh sự lạm dụng hoặc giả mạo các loại đặc sản; khuyến khích sản xuất nông nghiệp đa dạng và ổn định từ các vật nuôi đặc sản; giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đặc sản được dễ dàng hơn…

Con đặc sản có tiềm năng nhưng phải xây dựng được thương hiệu

“Nhiều sản phẩm đặc sản đã được đầu tư bài bản, từ việc chọn giống, canh tác, thu hoạch đến việc đăng ký, khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại… nhưng vẫn khó tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài”.
PGS, TS.Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản.

Thực tế cho thấy, hiện có nhiều vật nuôi đặc sản vẫn chưa được triển khai đăng ký SHTT nên dẫn tới không có công cụ pháp lý để bảo vệ các đặc sản đó, làm cho một số vật nuôi đặc sản dần dần bị mai một, không giữ được hoặc bị lạm dụng danh tiếng hoặc phát triển một cách tràn lan, hoặc giả mạo…

Một trong những địa phương làm tốt công tác bảo hộ cho các sản vật đặc sản trong thời gian qua là tỉnh Quảng Ninh. Với chương trình “Mỗi xã phường một sản vật”, hiện Quảng Ninh đã xây dựng và hỗ trợ bảo hộ sở hữu tập thể, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho rất nhiều sản vật và vật nuôi của các vùng miền, giúp cho các đặc sản này ngày càng có giá trị cao trên thị trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, có đặc sản đăng ký SHTT rồi, nhưng để giữ được thương hiệu của các đặc sản cũng không hề đơn giản. Nguyên nhân chính là sự hiểu biết pháp luật của nhiều người dân còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm quản lý tập thể với các đối tượng vật nuôi đặc sản. Một số địa phương còn xuất hiện tình trạng làm giả mạo, làm nhái thương hiệu, hoặc lai tạo các vật nuôi đặc sản, thậm chí là “đua nhau” nuôi con đặc sản, dẫn tới cung vượt cầu. Trong khi chính quyền địa phương vẫn còn lúng túng, chưa biết về cách thức làm thế nào để đảm bảo danh tiếng, giữ gìn danh tiếng sản phẩm.

Theo PGS, TS.Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT), để xây dựng thương hiệu cho các nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vươn tầm ra thị trường quốc tế, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu.

Phi Long