dd/mm/yyyy

Lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Những năm qua, bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La luôn tích cực tuyên truyền vận động, mở rộng đối tượng và ngày càng thu hút nhiều người tham gia.

Nhiều lợi ích của BHXH tự nguyện

BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm có nhiều ưu việt, do người lao động tự nguyện tham gia và được lựa chọn mức đóng cũng như phương thức đóng tiền phù hợp với thu nhập của bản thân. Tham gia bảo hiểm đủ thời gian sẽ được hưởng lương theo quy định, được cấp thẻ BHYT và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc khi nghỉ hưu. Giúp người lao động có thu nhập, giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già hoặc hết tuổi lao động.

 

 Bà Nguyễn Thị Tự đang được cán bộ BHXH huyện Mộc Châu hướng dẫn tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Nguyễn Thị Tự (sinh năm 1960), trú tại bản Tán Thuật (xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu) chia sẻ: Trước đây, tôi công tác tại Hội phụ nữ của xã Chiềng Hắc, khi về hưu tôi mới chỉ có 10 năm đóng BHXH, chưa đủ thời gian để được hưởng lương. Khi tìm hiểu về chính sách bảo hiểm tôi mới biết là BHXH tự nguyện có thể lựa chọn nhiều mức đóng khác nhau. Thế là tôi quyết định chọn mức đóng một lần cho nhiều năm. Đến nay, tôi đã được hưởng lương hưu và các chế độ như quy định, lương hơn 2 triệu đồng/tháng. Có khoản tiền riêng nên tôi không phải phụ thuộc vào con cái, những lúc không may bị ốm đau cũng đã có BHYT hỗ trợ khi đến bệnh viện khám chữa bệnh.

“Thấy việc tham gia BHXH tự nguyện đủ thời gian sẽ được hưởng lương hưu và các chế độ chính sách như những cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động có hợp đồng khi về hưu. Nên chồng tôi cũng quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Đến nay, chồng tôi đã tham gia được hơn 2 năm. Tuy kinh tế gia đình làm nông nghiệp, thu nhập chính từ việc trồng cây, chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng mỗi tháng chỉ cần tiết kiệm bỏ ra một khoản tiền nhỏ khoảng 500 nghìn đồng để đóng, tôi thấy số tiền này nhiều người cũng có thể tham gia được được”, bà Tự cho hay.

 Nhờ tham gia BHXH tự nguyện, đến nay bà Nguyễn Thị tự đã được hưởng lương hưu cà các chính sách bảo hiểm.

Mộc Châu là một huyện miền núi của tỉnh Sơn La, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, trình độ nhận thức của người dân các dân tộc trên địa bàn còn nhiều hạn chế, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn. Để giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu được vai trò của bảo hiểm, thời gian qua, BHXH huyện Mộc Châu đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đề ra nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đặc biệt là đơn vị đã tăng cường phối hợp với UBND các xã, thị trấn, đoàn thể các bản, tiểu khu… đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động. Phân công cán bộ trực tiếp xuống địa bàn từng xã, đến từng hộ gia đình để giải thích, hướng dẫn, vận động người dân. Thông qua các buổi tuyên truyền đã thu hút được nhiều người dân quan tâm và tham gia.

Vai trò của công tác tuyên truyền

  Trao đổi với bà Đặng Thị Hồng Giang, Phó giám đốc BHXH huyện Mộc Châu, bà Giang cho biết: Với người lao động tự do, việc tham gia BHXH tự nguyện có ý nghĩa quan trọng, bởi nó giúp người dân có thể tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già, nhất là những người không có hợp đồng lao động, không có việc làm ổn định. Vì vậy để nâng cao nhận thức người dân hiểu về BHXH tự nguyện, chúng tôi thường xuyên đến các tổ bản, tiểu khu trên địa bàn được phân công để tuyên truyền vận động, giải thích cho người dân. Đặc biệt là những chính sách mới, tính ưu việt của loại hình bảo hiểm này như: Khi hết tuổi lao động sẽ được lương hưu và hưởng các chế độ theo quy định; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc... 

 Việc tham gia BHXH có ý nghĩa rất lớn, giúp người lao động tích lũy, được hưởng lương và giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già hoặc hết tuổi lao động.

Từ đầu năm đến nay, BHXH huyện đã tổ chức được 12 buổi tuyên truyền trực tiếp tại các tổ bản, tiểu khu với nhân dân tại địa bàn các xã, thị trấn, với hàng trăm lượt người tham gia. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Mộc Châu đã bắt đầu tăng dần lên, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, toàn huyện đã có 571 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy số lượng tham gia còn hạn chế nhưng nhận thức của người dân về bảo hiểm đang ngày một sâu hơn, nhiều hơn.

Có được kết quả trên, ngay từ đầu năm, thực hiện kế hoạch chỉ tiêu được giao của ngành BHXH tỉnh Sơn La, BHXH huyện đã tham mưu cho UBND huyện Mộc Châu giao chỉ tiêu cho UBND từng xã, thị trấn trên địa bàn. Qua đó, BHXH huyện tăng cường phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới tận các tổ bản, tiểu khu, thậm chí tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Thông qua các buổi tuyên truyền, có nhiều trường hợp bà con đã tham gia ngay tại các tại chỗ khi buổi tuyên truyền kết thúc. Khi được giải thích, hướng dẫn nhiều người đã hiểu được ý nghĩa, lợi ích, chính sách ưu đãi của loại hình bảo hiểm này.

“Tuy nhiên trong quá trình phát triển BHXH tự nguyện con gặp một số vấn đề khó khăn như: Nhận thức của bà con về BHXH tự nguyện còn hạn chế; kinh tế nhiều gia đình còn khó khăn không đủ điều kiện tham gia. Phần lớn bà con đều sản xuất nông nghiệp, phụ thuộc vào ngày mùa, thu nhập không ổn định. Hơn nữa, thời gian tham gia BHXH tự nguyện phải có thời gian dài trên 20 năm mới được hưởng chế độ nên nhiều người dân dù rất muốn nhưng không đủ điều kiện kinh tế để tham gia”, bà Giang chia sẻ. 

Thiết nghĩ chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng có vai trò rất quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Việc tham gia BHXH có ý nghĩa rất lớn, giúp người lao động tích lũy, được hưởng lương và giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già hoặc hết tuổi lao động.

Theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định BHXH tự nguyện, theo đó có 6 mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện: Đóng hằng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần và đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu thời gian tối đa không quá 10 năm. Số tiền đóng tùy thuộc vào sự lựa chọn của các đối tượng tham gia.

Quốc Định