dd/mm/yyyy

Lễ hội Roóng poọc ở Sa Pa cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hòa

Ngày 5/3 (tức ngày 25 tháng Giêng âm lịch), tại xã Tả Van, thị xã Sa Pa đã tổ chức Lễ hội Roóng poọc (xuống đồng), để bước vào một mùa vụ mới mong một năm mưa thuận gió hòa, người người có sức khỏe, ấm no hạnh phúc.
Lễ hội Roóng poọc ở Sa Pa cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hòa- Ảnh 1.

Lễ cúng thần linh cầu cho người yên, vật thịnh. xin vị thần bản phù hộ cho dân bản một mùa bội thu. Ảnh: Truyền hình Sa Pa.

Lễ hội Roóng poọc - nét văn hóa lâu đời

Nhằm bảo tồn những giá trị văn hoá, tín ngưỡng, phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Giáy nói riêng và của bà con nhân dân xã Tả Van nói chung. Thị xã Sa Pa đã tổ chức Lễ hội" Roóng poọc (xuống đồng), để bước vào một mùa vụ mới mong một năm mưa thuận gió hòa, người người có sức khỏe ấm no hạnh phúc.

Lễ hội Róng poọc (xuống đồng) gồm 2 phần lễ và hội. Mở đầu lễ hội là lễ cúng thần linh cầu cho người yên, vật thịnh. xin vị thần bản phù hộ cho dân bản một mùa bội thu, gia súc đầy chuồng, làm được của ăn của để. 

Lễ hội Roóng poọc ở Sa Pa cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hòa- Ảnh 2.

Du khách, người dân tham quan, trải nghiệm Lễ hội "Roóng poọc" ở Sa Pa. Ảnh: Truyền hình Sa Pa.

Cũng tại phần lễ, các đại biểu đã cùng nhau bước vào sân khấu để dựng cây nêu cho ngày hội. Cây nêu là một biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày tết Nguyên đán, là phần quan trọng nhất không thể thiếu trong ngày hội. 

Cây nêu càng cao thể hiện quy mô tổ chức lễ hội càng lớn, và đó cũng là sự tỏ lòng thành của bà con nhân dân đối với các thần linh trời đất càng nhiều. Khi nào cây nêu được dựng lên thì lễ hội mới bắt đầu. Thông thường người đảm nhận trách nhiệm làm vòng mặt trời, mặt trăng là chủ thôn (kiêm chủ lễ) hoặc là những cụ cao niên, hiểu biết phong tục tập quán của dân tộc.

Sau khi dựng cây nêu, mọi người cùng nhau đánh trống khai hội. Những hồi trống rộn rã từng bừng đã mở ra một ngày hội mới, một năm mới nhiều may mắn, một năm nhiều bội thu. 

Lễ hội Roóng poọc ở Sa Pa cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hòa- Ảnh 3.

Một tiết mục văn nghệ tại Lễ hội "Roóng poọc" ở xã Tả Van, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Truyền hình Sa Pa.

Cũng tại chương trình, các đại biểu được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc như: Múa quạt (Cánh én mùa xuân), Điệu múa: Mùa lúa vàng, Múa kèn (Truyền thống của người dân tộc Giáy). Ngoài ra, mọi người còn cùng tham dự những đường cày đầu tiên, những đường cày bắt đầu một mùa vụ mới với nhiều may mắn, bội thu.

Sau phần Lễ diễn ra những trò chơi dân gian sôi động, tưng bừng hấp dẫn khách trong và ngoài nước như: Ném pao, Leo cột mỡ, đẩy gậy, kéo co, đi cầu khỉ, bịt mắt bắt vịt; chạy cướp cờ; đi cà kheo... 

Hòa trong bầu không khi vui tươi, phấn khởi, du khách còn được tham quan các gian hàng trưng bày các sản phẩm, ẩm thực của đồng bào địa phương, cùng thưởng thức và tham gia các trò chơi dân gian cùng bà con...

Lễ hội Roóng poọc ở Sa Pa cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hòa- Ảnh 4.

Lễ hội roóng poọc là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Giáy ở Sa Pa. Mục đích để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hòa. Lễ Hội roóng poọc hay còn gọi là lễ hội xuống đồng. Ảnh: Truyền hình Sa Pa.

Lễ hội Roóng poọc là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Giáy nói riêng và của bà con nhân dân xã Tả Van nói chung, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Giáy ở Tả Van. Đây là nét đẹp văn hoá bản sắc mà dân tộc thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm văn hoá.

PV Tây Bắc