dd/mm/yyyy

“Hội đã giúp tôi nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế”

Đó là lời tâm sự của Thào A Nu, dân tộc Mông, bản Háng Đồng A, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Mới 25 tuổi nhưng A Nu đã sở hữu trên 2ha trồng thảo quả, chanh leo và lúa nước.

Tìm đến nhà Thào A Nu không khó. Bởi suốt từ trung tâm xã Tà Xùa, hỏi tới cái tên Thào A Nu, bản Háng Đồng A, ai cũng biết. “Cứ theo tỉnh lộ 112 này đi vào trung tâm xã Háng Đồng, đến bản Háng Đồng A, chỗ nào trồng nhiều cây chanh leo nhất thì đó là nhà A Nu, nhà nó nằm bên tay phải”, già bản Thào A Nhìa bảo với chúng tôi như vậy khi tả đường về nhà Thào A Nu.

A Nu đang tích cực mở rộng diện tích chanh leo.
A Nu đang tích cực mở rộng diện tích chanh leo.

Đến bản Háng Đồng A, theo chỉ dẫn chúng tôi gõ cửa một ngôi nhà gỗ. Mở cửa mời chúng tôi vào nhà là một người phụ nữ cao tuổi, hỏi thăm được biết đó là mẹ A Nu. Quan sát thấy trong nhà A Nu đầy đủ những vật dụng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Sau vài lời hỏi thăm, giới thiệu, mẹ A Nu dẫn chúng tôi ra đứng trước hiên nhà rồi khoát tay chỉ lên một quả đồi cách đó chừng 100m, bảo: 2 vợ chồng nó đang thu hoạch chanh leo trên đó để kịp chiều bán cho hợp tác xã.

Mất 10 phút đi bộ, chúng tôi đã có mặt tại khu vực rộng hơn 5.000m2 trồng chanh leo của Thào A Nu. Khi đến, thấy A Nu đang cùng vợ làm cỏ và thu hoạch chanh leo. Cắt đôi những quả chanh leo to, vỏ màu tím mọng, căng tròn, A Nu mời chúng tôi thưởng thức và bảo: Các anh cứ ăn thử xem, chanh leo trồng trên này không chua gắt như vùng khác đâu, ngon và thơm lắm. Mặc dù là trồng thí điểm nhưng chanh leo phát triển rất tốt và cho sai quả. Ngoài việc được xã hỗ trợ cây giống, các hộ trồng chanh leo còn được Hội nông dân xã phối hợp với các đơn vị chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Về đầu ra cho quả chanh leo đã có hợp tác xã thu mua, nên bà con rất yên tâm.

Sản phẩm chanh leo nhà A Nu đều được bao tiêu.
Sản phẩm chanh leo nhà A Nu đều được bao tiêu.

Đưa chúng tôi đi thăm khu trồng chanh leo, A Nu bảo: Ngày xưa vùng đất này trồng nhiều cây thuốc phiện lắm. Cũng bởi vậy nên cây thuốc phiện đã làm khổ bao thế hệ đồng bào vùng cao. Thậm chí, cả phụ nữ cũng nghiện thuốc phiện. Do đó, cuộc sống người dân khổ lắm, trẻ em không được đi học và được chăm sóc sức khỏe tốt như bây giờ. Nhiều năm nay rồi, người nông dân vùng cao chúng tôi không còn tái trồng cây thuốc phiện nữa, thay vào đó được huyện và xã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trên những diện tích đất từng trồng thuốc phiện hay những cây trồng hiệu quả kinh tế thấp.

Cũng như nhiều hộ tại các bản trong xã, ngoài việc được Hội nông dân xã phối hợp hỗ trợ kỹ thuật trồng chanh leo, A Nu còn được chuyển giao kỹ thuật trồng cây thảo quả và khai hoang ruộng nước. Và toàn bộ những diện tích đất đó cũng từng được phủ bởi cây thuốc phiện hay là đồi trọc. Hiện tại, ngoài có thu nhập ổn định từ diện tích trồng chanh leo, A Nu còn có thêm thu nhập từ việc trồng trên 5.000m2 cây thảo quả và 1 ha lúa ruộng thuộc chương trình khai hoang ruộng nước.

Chanh leo do A Nu trồng có mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon.
Chanh leo do A Nu trồng có mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon.

Tại buổi làm việc với đồng chí Vương Hồng Hải, Bí thư Đảng ủy xã Háng Đồng, được biết: Thực hiện chủ trương giúp đồng bào vùng cao chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tránh việc đồng bào vùng cao tái trồng cây thuốc phiện, trong nhiều năm qua tỉnh, huyện đã hỗ trợ nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giống cây trồng và vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác. Hiện tại, xã đã khai hoang gần 200 ha ruộng nước, trồng trên 100 ha thảo quả và thí điểm trồng hơn 3 ha chanh leo. Về chăn nuôi, đã phát triển tổng đàn gia súc lên gần 4.000 con. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng điều quan trọng nhất là đồng bào vùng cao đã thay đổi được tư duy khi cho rằng cây thuốc phiện là cây trồng chủ lực, bà con đã biết phát triển sản xuất không thua kém vùng thấp. Đây chính là tiền đề quan trọng để xã thực hiện thắng lợi nghị quyết đã đề ra trên các lĩnh vực.

Trước khi chia tay, Thào A Nu còn nhờ chúng tôi sau khi về thành phố tìm giúp địa chỉ để mua một chiếc xe tải nhỏ đã qua sử dụng trị giá khoảng 200 triệu đồng để dùng vào việc vận chuyển hàng nông sản cho các đầu mối dưới Hà Nội. Bởi theo như trao đổi thì thời gian tới, với sự tiếp sức của xã, đặc biệt là Hội nông dân xã, A Nu sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh leo, thảo quả và một số cây trồng phù hợp với khí hậu vùng cao, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền nơi đây xây dựng xã nhà ngày một giàu mạnh.

Quốc Tuấn