dd/mm/yyyy

Học gì từ kinh nghiệm của những nông dân xuất sắc?

Khác nhau về xuất phát điểm và cách làm nhưng họ đều chung một đích đến là làm giàu và trở thành những nông dân xuất sắc tiêu biểu. Vậy đâu là kinh nghiệm mà chúng ta có thể học tập từ những “đại gia” nông dân này? Hãy cùng lắng nghe câu chuyện của họ.

“Người điên” nuôi gà

Bước xuống từ chiếc xe ôtô trị giá bạc tỷ, ông Hoàng Công Điền (thôn Đồng Mỹ, xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Phụ - Thái Bình) lao ngay vào khu chăn nuôi để kiểm tra tình hình sức khỏe của những con gà. Cái chất nông dân của ông vẫn không thay đổi sau hơn 10 năm làm ông chủ trang trại.

Năm 1991, quyết định lập nghiệp đầu tiên của ông Điền là rời quê hương, xa bố mẹ già đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Lý do ông ra đi phần vì kinh tế gia đình khó khăn, ruộng ít, thiếu việc làm, phần vì hoài bão chinh phục thử thách, nuôi hy vọng làm giàu luôn hối thúc trong ông.

Ông Điền lắp hệ thống nước uống tự động nhằm bảo đảm vệ sinh cho gà.
Ông Điền lắp hệ thống nước uống tự động nhằm bảo đảm vệ sinh cho gà.

Sau 15 năm gắn bó với mảnh đất mới, cuộc sống gia đình ông không còn cơ cực nhờ chuyên tâm cấy 1,5 mẫu lúa, trồng 2ha vải thiều trên đồi và vật lộn với nghề khai thác hải sản trên biển, xuôi ngược buôn bán lợn giống, gà thịt. Tuy nhiên, do chưa thỏa khát vọng làm giàu, lại xác định “lá rụng về cội”, ông quyết định trở về quê hương với vẻn vẹn 50 triệu đồng và 2 tấn thóc trong tay.

Một lần nữa, người thân và bà con trong xã bảo ông “điên” vì bỏ nơi không phải lo cái ăn, cái mặc để về vùng quê nghèo. Nhưng “điên” hơn là khi ông mua 280m2 đất làm nhà nhưng lại quyết định đưa vợ con đi thuê nhà ở, dành phần đất đó… làm chuồng nuôi gà.

Thật may mắn, lứa gà đầu tiên xuất chuồng với 2.000 con đã mang về khoản tiền 90 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng. Những lứa tiếp theo tiếp tục thành công, chỉ sau hơn 1 năm, ông có trong tay 200 triệu đồng. Từ đây, ông chọn con gà làm bến đỗ cuối cùng để làm giàu.

Nói về ý tưởng nuôi gà trên cát, ông Điền chia sẻ: Từ thực tiễn hơn một năm nuôi gà, ông thấy đàn gà nuôi ở lán có cây xanh thường yếu và hay bị bệnh, trong khi gà nuôi ở lán không có cây xanh, nền sân chỉ có cát lại mạnh khỏe, nhanh lớn, ít bị bệnh.

Đến nay, ông Điền đã hoàn thiện 5 lán chăn nuôi với 60 ô chuồng, tổng diện tích 2.600 m2 , mỗi năm nuôi 3 lứa được 80.000 con gà. Để tránh gà bị dịch bệnh và phát triển tốt, màu sắc đẹp, ông Điền sử dụng trấu trộn với chế phẩm sinh học (men vi sinh EM) làm chất độn chuồng; lớp cát trên sân chơi cho gà cũng được xử lý bằng vôi bột kết hợp men vi sinh EM; tiêm vaccine đầy đủ và thường xuyên lấy mẫu kiểm tra phát hiện sớm bệnh trên đàn gà.

Nuôi gà, trồng rừng thành đại gia

Khởi nghiệp bằng 2 bàn tay trắng, nhưng chỉ sau gần 10 năm, anh Lục Văn Nhàn (41 tuổi) ở thôn Bãi Thảo, xã Bắc An, Thị xã Chí Linh (Hải Dương) đã trở thành tỷ phú nông dân với trang trại gà đồi, rừng keo và hệ thống phân phối thức ăn chăn nuôi mang lại thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất đồi nên anh Nhàn đã sớm quen với công việc đồng áng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Năm 18 tuổi, anh đã lập gia đình và bắt đầu tự lo cho cuộc sống. Sau một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu, anh nhận thấy mô hình nuôi gà thả đồi phù hợp với đồng đất quê hương nên vợ chồng anh Nhàn quyết định đầu tư chăn nuôi giống gà chọi lai Lương Phượng với quy mô 20.000-25.000 con/năm. Nhờ chăm chỉ tích lũy kiến thức chăn nuôi, trại gà nhà anh Nhàn phát triển ổn định, ít dịch bệnh. Mỗi năm, gia đình anh thường xuất 2 lứa, trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi, anh Nhàn còn tận dụng diện tích gần 12 ha đất đồi, đất rừng để trồng cây lấy gỗ. Đến nay, rừng gỗ keo và bạch đàn đã cho gia đình anh thu hoạch 3 vụ với số tiền lãi gần 500 triệu đồng/vụ. Không những phát triển kinh tế gia đình, hằng năm, trang trại của anh tạo việc làm ổn định cho 15-20 lao động với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ giỏi chăn nuôi, trồng trọt, anh Nhàn còn rất nhạy bén với thị trường. Nhận thấy người dân địa phương có nhu cầu lớn về thức ăn chăn nuôi, anh đã chủ động liên kết với một số doanh nghiệp sản xuất cám cung ứng cho các hộ dân theo phương thức trả chậm. Đến nay, sản lượng cám cung ứng hằng năm của gia đình anh luôn đạt từ 20.000-26.000 tấn/năm. Riêng việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi giúp gia đình anh thu lãi từ 500-700 triệu đồng/năm.

Sống chết với tôm

Dám nghĩ dám làm, ông Lê Quang Toàn (SN 1957, thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã đầu tư mô hình nuôi tôm trải bạt trên vùng đất khó, thu lợi hàng tỉ đồng/năm.

Ông Lê Quang Toàn (bên phải) thu hoạch tôm. Ảnh: CT.
Ông Lê Quang Toàn (bên phải) thu hoạch tôm. Ảnh: CT.

Lớn lên ở Cam Ranh (Khánh Hòa) nhưng vì cuộc sống khó khăn, ông Toàn dắt díu gia đình đến vùng cát Vạn Ninh để sinh sống. Những ngày đầu ở vùng đất mới, vợ chồng ông lặn lội làm đủ nghề nhưng vẫn không khá nổi. Sau nhiều ngày nung nấu, ông quyết định dốc vốn tiết kiệm và vay mượn thêm để đầu tư nuôi tôm sú. Thế nhưng vì liên tục ảnh hưởng thời tiết, giá tôm sú rớt xuống thấp, thường xuyên bị dịch bệnh, năng suất không đạt, nhiều vụ ông trắng tay.

Tưởng chừng muốn gục ngã, nhưng rồi ông gượng lại và quyết chuyển hướng sang đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức trải bạt. Bỏ nhiều công sức học hỏi, lăn lộn với hồ tôm thẻ, ông đã thành công ngoạn mục. Mô hình này đã mang lại lợi nhuận “khủng”, trung bình mỗi năm thu nhập từ 4 - 9 tỉ đồng, thậm chí có những năm đạt 10 tỉ đồng.

Ông Toàn kể, để có vốn sản xuất, năm 2011, ông đã bán chiếc ôtô của gia đình để đầu tư thí điểm nuôi 2 ô tôm thẻ chân trắng trên nền bạt. Do chăm sóc chu đáo, cộng với giá bán cao nên vụ đầu tiên đem lại lợi nhuận 3 tỷ đồng. Có lưng vốn, ông mua thêm ao đìa và ngay năm tiếp theo đã mang lại thu nhập hơn 15 tỷ đồng từ tôm thẻ. Thừa thắng xông lên, ông lại nhân rộng diện tích ao đìa thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Và tâm huyết của ông đã được đền đáp xứng đáng, với mức thu nhập mỗi năm nhiều tỉ đồng.

Chia sẻ về nghề nuôi tôm thẻ, ông Toàn cho hay, phải thường xuyên theo dõi ao đìa, độ tăng trưởng của tôm nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, biết nắm bắt nhu cầu của thị trường... Trong nghề nuôi tôm, quan trọng là phải xử lý ao đáy tốt, nhất là khâu xử lý nước, xuống giống tôm phải đúng thời vụ và đặc biệt đảm bảo an toàn về môi trường. Điều quan trọng là phải mạnh dạn đầu tư làm ăn, “thua keo này, bày keo khác” thì mới khẳng định được mình.

Phan-Tâm