dd/mm/yyyy

Hòa Bình: Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa

Sáng ngày 16/10, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã long trọng tổ Lễ khánh thành công trình tôn tạo di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và đón nhận Bằng công nhận Di tích Lịch sử -Văn hóa cấp tỉnh cho di tích Cơ sở A2, Báo Nhân Dân tại xã Lâm Sơn.

Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự Lễ Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và đón nhận Bằng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh Cơ sở A2, Báo Nhân Dân.

Dự Lễ về phía đại biểu Trung ương còn có các đồng chí: Mai Văn Chính, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Hòa Bình: Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa - Ảnh 1.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Hòa Bình cắt băng Khánh thành công trình Di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hoà. Ảnh: Hồng Trung.

Về phía tỉnh Hoà Bình có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, Huyện uỷ, UBND huyện Lương Sơn và đông đảo cán bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc huyện Lương Sơn, đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; nguyên lãnh đạo nông trường Cửu Long và đại diện con em miền nam tập kết ra Bắc.

Phát biểu tại buổi Lễ Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa, đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình, Bí thư Huyện ủy Lương Sơn đã điểm lại lịch sử 65 năm đầy tự hào của Tập đoàn sản xuất Chí Hòa.

Hòa Bình: Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa - Ảnh 2.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Hòa Bình thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hoà. Ảnh: Hồng Trung.

Theo đó, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi và Hiệp định Giơnevơ được ký kết, với tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Ðảng đã chỉ đạo đưa con em cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam tập kết ra bắc để tiếp tục học tập, làm việc nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng.

Năm 1956, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, 45 cán bộ miền Nam tập kết ra bắc cùng với một số đồng chí tù chính trị thuộc khám Chí Hòa do Pháp trao trả đã đến huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Những cán bộ và tù chính trị từ miền Nam ra, đã thành lập Tập đoàn 1 và Tập đoàn sản xuất Chí Hòa làm nhiệm vụ khai khẩn đất hoang, phát triển kinh tế tại huyện Lương Sơn. Sau đó, Tập đoàn 1 sáp nhập với Tập đoàn sản xuất Chí Hòa gọi là Tập đoàn sản xuất miền Nam, sau đổi tên là Tập đoàn sản xuất Cửu Long - tiền thân của Nông trường Quốc doanh Cửu Long.

Hòa Bình: Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa - Ảnh 3.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung Ương; lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh trao Huy hiệu Bác Hồ cho 65 thanh thiếu nhi, học sinh tiêu biểu của huyện Lương Sơn. Ảnh: Hồng Trung.

Với những thành tích xuất sắc trong quá trình sản xuất, năm 1958, Tập đoàn sản xuất Chí Hòa được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba với thành tích “sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi ở Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đã lập nhiều thành tích sản xuất góp phần vào việc khôi phục kinh tế xây dựng miền Bắc".

Ngày 19/10/1958, trong chuyến đi thăm đồng bào các dân tộc và cán bộ tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Sư đoàn Bộ đội miền Nam tập kết đóng ở huyện Lương Sơn và Tập đoàn sản xuất Chí Hòa.

Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng biết ơn đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu; để gìn giữ, bảo tồn di tích và lưu giữ chứng tích lịch sử cho các thế hệ và cũng là tâm nguyện của cán bộ, chiến sĩ cách mạng miền Nam tập kết ra Bắc, ngày 9/10/2009 Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký Quyết định số 1959 xếp hạng địa điểm Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa, tại xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Hòa Bình: Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa - Ảnh 4.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao học bổng và quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn trên địa huyện Lương Sơn. Ảnh: Hồng Trung.

“Đây là công trình mang ý nghĩa chính trị, lịch sử văn hóa, xã hội to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đại đoàn kết và ý chí vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân”, Bí thư Huyện ủy Lương Sơn nhấn mạnh.

Tại buổi Lễ trọng thể, huyện Lương Sơn vinh dự tiếp tục được đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh - Cơ sở A2, Báo Nhân Dân. Đây là địa danh gắn liền với địa chỉ đỏ thời báo chí tuyên truyền cho cách mạng.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt (1965-1972), được sự đồng ý của Trung ương Đảng, Ban Biên tập Báo Nhân Dân đã chỉ đạo xây dựng tòa soạn và xưởng in dự phòng (cơ sở A2) tại xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Cơ sở A2, Báo Nhân Dân gồm 2 nơi: Khu Nhà in tại hang Nhà Báo và khu tòa soạn cạnh hang Hổ. Cơ sở A2, Báo Nhân Dân do đội thanh niên xung phong số 105 thi công.

Hòa Bình: Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa - Ảnh 5.

Đồng chí Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân trao tặng 20 bộ máy tính cho các trường học trên địa bàn huyện Lương Sơn. Ảnh: Hồng Trung.

Trung tâm hang Nhà Báo đặt 2 máy in loại LB201 và LB202, phía trong để máy phát điện vật tư in, bên ngoài cửa hang có lò đúc chữ, kho chứa giấy, buồng phóng và biên tập ảnh, nhà sắp chữ khu hậu cần… Hang có 3 cửa, nằm gần nhau nhưng bên trong không thông nhau. Mỗi cửa có chiều ngang khoảng từ 2 đến 3m, chiều sâu 20m-30m, trong hang có nhiều phiến đá xếp bằng rất thuận tiện để đồ đạc, máy móc.

Khu tòa soạn cạnh hang Hổ (cách hang Nhà Báo khoảng 1km) có nhiều dãy nhà tre lợp mái tranh làm nơi ở và làm việc cho phóng viên. Tổ thông tin do Nhà báo Ngô Thi làm tổ trưởng cùng các thành viên Kim Khúc, Xuân Tiến, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin với Trung ương và đồng chí Tổng Biên tập Hoàng Tùng, trong trường hợp Tòa soạn tại 71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom không thể hoạt động.

Đồng chí Tổng Biên tập Hoàng Tùng và Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lê và nhiều đồng chí trong Ban Biên tập thường xuyên lên kiểm tra tiến độ xây dựng, thăm cán bộ tổ thông tin, công nhân nhà in. Hai đồng chí bảo vệ cơ sở A2 gồm Nguyễn Văn Đậu và Nguyễn Quang Trinh đều là người địa phương.

Hòa Bình: Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa - Ảnh 6.

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình trao Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với di tích Cơ sở A2, Báo Nhân Dân. Ảnh: Hồng Trung.

Tuy chưa chính thức in Báo Nhân Dân nhưng cơ sở A2, Báo Nhân Dân đã in 1 số báo tuần của một số đoàn thể như: Báo Khoa học, Báo Phụ Nữ, Báo Thiếu niên Tiền phong... Đến đầu năm 1973, Báo Nhân Dân đã chuyển máy móc, cơ sở về Hà Nội.

Hiện, hang Nhà Báo hiện nằm trong quần thể của sân golf Phượng Hoàng, thuộc xã Lâm Sơn. Mặc dù trải qua gần 60 năm, trên vòm hang Nhà Báo vẫn còn nguyên dòng chữ khắc trên đá: “Chống Mỹ cứu nước, năm 1965-1970” do đồng chí Ngô Hanh- công nhân của Nhà in Báo Nhân Dân Hà Nội khắc. Con đường khoảng hơn 10m đổ bằng xi-măng trắng từ lán dẫn vào cửa hang vẫn còn nguyên vẹn.

Với mong muốn hang Nhà báo trở thành một địa chỉ đỏ cho các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Đảng; đồng thời là minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó giữa Nhân dân các dân tộc của tỉnh Hòa Bình cùng với Nhân dân cả nước trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, Báo Nhân dân đã đề xuất tỉnh Hòa Bình lập hồ sơ di tích.

Hòa Bình: Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa - Ảnh 7.

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày Di tích Bác Hồ. Ảnh: Hồng Trung.

Ghi nhận những giá trị lịch sử của di tích, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với di tích Cơ sở A2, Báo Nhân Dân. Đây là di tích cấp tỉnh thứ 8 trên địa bàn huyện Lương Sơn.

Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương đã trao Huy hiệu Bác Hồ cho 65 Thanh thiếu nhi, học sinh tiêu biểu của huyện Lương Sơn. 

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trao tặng các suất học bổng và quà trị giá 100 triệu đồng các cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn của huyện Lương Sơn.

Hòa Bình: Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa - Ảnh 8.

Các đại biểu tham quan và chụp ảnh lưu niệm Di tích lịch sử Cơ sở A2, Báo Nhân Dân tại xã Lâm Sơn. Ảnh: Hồng Trung.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân đã trao tặng các món quà của Báo Nhân Dân là 20 bộ máy tính cho các trường học trên địa bàn huyện Lương Sơn. 

Huyện Lương Sơn đã công bố các quyết định khen thưởng và trao thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt giải trong cuộc thi trắc nghiệm trên Internet với chủ đề “Đảng bộ và Nhân dân huyện Lương Sơn học tập và làm theo lời Bác”.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Hoà Bình đã cắt băng khánh thành công trình Di tích Bác Hồ về thăm tập đoàn sản xuất Chí Hoà, trồng cây lưu niệm, thăm quan không gian trưng bày Di tích Bác Hồ và thăm Di tích lịch sử Cơ sở A2, Báo Nhân Dân.

PV Tây Bắc