dd/mm/yyyy

Giải pháp trồng cây cho trái nghịch vụ

Hiện nay, ở nhiều địa phương, trồng cây cho trái nghịch vụ được coi là giải pháp giúp cho nhiều nông dân làm giàu vì tránh được cảnh “được mùa dội chợ, mất mùa giá cao”.

 

Nhà nông bằng sự sáng tạo và đam mê đã tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng. (ảnh: Anh Lam)
Nhà nông bằng sự sáng tạo và đam mê đã tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng. (ảnh: Anh Lam)

Nhiều năm nay tình trạng rau, củ, quả, lợn, gà… làm ra bị lâm vào cảnh “được mùa rớt giá” không còn là chuyện hiếm. Một nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do sản lượng lớn, tập trung cùng một thời điểm thu hoạch khiến cung vượt quá nhu cầu dẫn tới giá rẻ mạt, thêm vào đó là cảnh người nuôi trồng làm ra sản phẩm bị thương lái ép giá, làm giá... Tình trạng “được mùa rớt giá” tái diễn nhiều năm, đẩy nhà nông vào tình thế luôn đối mặt với khó khăn, bào mòn giấc mơ làm giàu từ chính ruộng, vườn của mình.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất của người nông dân hiện nay là tìm được đầu ra ổn định cho nông sản. Bởi trong khả năng của mình nhà nông có thể “biến” những vùng đất cằn thành trang trại trù phú; bỏ công sức không quản ngày đêm để tăng năng suất, chất lượng nông sản… Nhưng nhiều khi những thành quả lao động ấy lại bị “được mùa rớt giá”.

Tuy vậy, vẫn có nhiều nông dân trên cả nước đã tự tìm tòi, sáng tạo để có hướng đi riêng. Giải pháp: “né cây, né vụ” đã giúp cho nhiều nông dân làm giàu vì tránh được cảnh “được mùa dội chợ, mất mùa giá cao”.

Giải pháp bắt cây ra trái nghịch vụ là một sáng tạo của nhà nông được đúc kết từ thực tiễn, từ niềm đam mê và cả những thất bại. Nhờ thế, người tiêu dùng được sử dụng hoa trái quanh năm, không phải phụ thuộc “mùa nào thức ấy” theo cách truyền thống. Nhờ thế, hoa trái Việt Nam cũng tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Nhưng, không phải nhà nông nào cũng gặt hái thành quả với giải pháp trồng cây nghịch vụ. Bởi, trồng cây nghịch vụ đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm và chi phí rất lớn để cho cây ra hoa trái theo ý muốn trước những biến đổi khí hậu khó dự đoán. Vì thế không phải lúc nào cũng thành công, giá thành cũng bù đắp được chi phí. Bởi đa số nông dân còn phụ thuộc vào khâu phân phối thị trường.

Một vấn đề tồn tại lâu nay là dù làm nghịch vụ hay chính vụ thì nhiều nông dân làm theo phong trào, tự phát, không kí kết hợp đồng với doanh nghiệp, đầu ra bấp bênh. Bên cạnh đó, từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu đều chưa đồng bộ, chất lượng nông sản ít tính cạnh tranh trong khu vực và thế giới, gây ra những thách thức không nhỏ.

Liệu những trái cây nghịch vụ có đáp ứng được nhu cầu thị trường cả về chất lượng, sản lượng? Cơ quan nào sẽ đảm nhận vai trò làm “bệ đỡ” cho nông dân trong khâu tiêu thụ để có định hướng về số lượng, chất lượng nông sản nghịch vụ, tiêu chí xuất khẩu? Đây chính là “chìa khóa để cởi nút thắt” cho nhà nông sản xuất hiệu quả, khơi dậy sự sáng tạo trong sản xuất, tạo vị thế vững chắc cho nhà nông làm giàu từ nông nghiệp.

Trọng Đạt