dd/mm/yyyy

Giá nông sản hôm nay 23/9: Tiêu duy trì đà tăng nhẹ, giá cà phê không còn giảm sốc

Giá nông sản hôm nay ghi nhận sự ổn định trên thị trường hồ tiêu nội địa khi giá tiếp tục tăng nhẹ. Giá cà phê sau phiên giảm sốc, hôm nay đà giảm đã chậm lại, giá ít biến động.

Giá nông sản hôm nay ít biến động trên thị trường hồ tiêu. Ảnh minh họa

Giá hồ tiêu chưa thể lạc quan

Giá hồ tiêu hôm nay dù chỉ tăng nhẹ ở một vài điểm giao dịch, tuy nhiên diễn biến đi ngang trong 5 phiên gần đây đã giữ cho giá tiêu không bị tụt xuống mốc 80 như nhiều người lo ngại.

Khảo sát tại Tây Nguyên, giá hồ tiêu chủ yếu vẫn duy trì mức giá cũ. Hai tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai giá tiêu không đổi ở mức 85.000 và 84.000 đồng/kg.

Chỉ duy nhất tại Đăk Nông ghi nhận phiên tăng 1.000 đồng/kg, đẩy giá tiêu lên mức 86.000 đồng/kg. Đây cũng là địa phương có mức giá cao nhất trong các tỉnh được khảo sát tại khu vực Tây Nguyên.

Giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai nhìn chung không có biến động. Đây cũng là hai địa phương có giá tiêu cao nhất và thấp nhất trong các điểm được khảo sát.

Giá hồ tiêu hôm nay tiếp tục ổn định. Nguồn: tintaynguyen

Giá cà phê đà giảm chưa ngưng

Giá cà phê hôm nay đà giảm đã chậm lại so với đợt giảm sốc hôm qua. Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm thêm 100 đến 200 đồng/kg.

Theo đó, giá cà phê tại Lâm Đồng hiện giao dịch ở mức 42.400 đến 42.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Giá cà phê tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum cũng giảm nhẹ 100 đồng/kg, hiện mức giá trong khoảng 43.200 đến 43.400 đồng/kg.

Tại TP. Hồ Chí Minh giá cà phê R1 giao dịch ở mức 44.900 đồng/kg, không đổi so với phiên trước.

Giá cà phê hôm nay tiếp tục giảm nhẹ. Nguồn: tintaynguyen

Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm do tác động từ hai sàn kỳ hạn trong phiên chốt tuần này.

Theo đó, đóng cửa phiên cuối tuần ngày 22.9, London chốt mứa 2005 USD trong khi đó New York ở mức 134.45 cts/lb-0.55.

Diễn biến giá cà phê trên 2 sàn kỳ hạn phiên chốt tuần này. Nguồn: TTCP

Mặc dù chính vụ cà phê từ tháng 10 nhưng các hộ trồng cà phê tại Việt Nam đã bắt đầu thu hoạch sớm. Dự trữ cà phê mới theo đó cũng tăng dần trong tháng 9. Tuy nhiên giá cà phê liên tục giảm và khó bán nên cũng rất khó khăn.

Một số nông dân cho rằng, do điều kiện thời tiết thuận lợi giúp cà phê chín nhanh hơn. Hơn nữa, vì lượng cà phê tồn kho từ niên vụ 2016 – 2017 còn rất thấp nên người dân phải thu hoạch sớm để đảm bảo nguồn cung cho các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết.

Dù nguồn cung tăng dần, nhưng thông tin từ giới thương lái cho biết, tuần này, chênh lệch giá giữa cà phê robusta loại 2 (5% đen, tấm) của Việt Nam với cà phê giao tháng 1 tại London nới rộng ra 55 USD/tấn, từ mức 40 USD/tấn. Tuy nhiên, gần như không có hợp đồng nào được ký kết.

Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch cà phê. Ảnh minh họa

Một thông tin đáng lưu ý là dự báo về sản lượng cà phê của Brazil sẽ sụt giảm do mọt số vùng cà phê bị dịch bệnh.

Thời điểm này, Brazil sắp thu hoạch xong vụ cà phê năm 2017 nhưng dự báo sản lượng sẽ không được như kỳ vọng ban đầu vì dịch bọ cánh cứng hoành hành và thời tiết ẩm ướt làm giảm sản lượng arabica.

Theo đó, cơ quan quản lý nguồn cung cà phê quốc gia Brazil (Conab) vừa hạ dự báo sản lượng cà phê năm 2017 của nước này xuống còn 44,77 triệu bao, thấp hơn 790.000 bao so với dự báo trước đó.

Trong đó, sản lượng cà phê arabica dự báo chỉ đạt 34,07 triệu bao, giảm 1,36 triệu bao so với ước tính ban đầu của Conab. Con số này giảm 22% so với sản lượng của năm 2016.

Ngược lại, Conab nâng dự báo sản lượng cà phê robusta thêm 568.000 bao lên 10,71 triệu bao. Tuy nhiên, đây vẫn là mức sản lượng thấp thứ hai ghi nhận được trong 10 năm qua

Bình Nguyên