dd/mm/yyyy

Giá lợn hôm nay (13/9): Vì sao giá lợn tăng nhưng nông dân không được lợi?

Liên tiếp những ngày gần đây giá lợn tăng nhẹ từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, tuy nhiên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất bức xúc vì thương lái vẫn ghìm giá rất khó bán hoặc chỉ bán với giá thấp.

Giá lợn tăng nhưng nông dân khó bán hoặc chấp nhận giá thấp. Ảnh minh họa

Lợn tăng ai hưởng lợi?

Khảo sát giá lợn hơi hôm nay, tại nhiều tỉnh giá đã tăng lên khoảng 32.000 đồng/kg.

Theo đó, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc dao động trong khoảng 29.000 – 32.000 đồng/kg. So với hôm qua, giá lợn đã tăng 500 đồng/kg tại một số tỉnh như Tuyên Quang, Hà Nam; tại Hải Dương tăng 1.000 đồng/kg.

Tuy nhiên cũng có những tỉnh giá lợn hơi lại giảm như tại Thái Nguyên giảm 500 đồng/kg, tại Quảng Ninh giảm 1.000 đồng/kg.

Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 28.500 – 32.000 đồng/kg, trung bình tăng 500 đồng/kg trên cả khu vực.

Mức tăng cũng khác nhau, chẳng hạn tại Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đắk Lắk tăng 500 – 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên giá lợn tại Lâm Đồng lại giảm 1.500 đồng/kg.

Còn tại miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 28.000 – 31.000 đồng/kg. Giá lợn diễn biến khá thất thường trong khi vùng Đông Nam Bộ tăng, nhưng miền Tây Nam Bộ lại giảm.

Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Long và Long An, giá lợn hơi tăng 500 - 1.000 đồng/kg. Nhưng tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang lại giảm từ 500 đến 1.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi chưa ổn định do lượng thu mua do thương lái điều tiết. Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng giá lợn thời gian qua tăng nhích dần do Trung Quốc vẫn đang thu mua. Một thương lái thường xuyên thu mua lợn ở Hà Nam cho biết, Trung Quốc vẫn đang thu mua lợn trên 120 kg/con với giá khoảng từ 30.000 - 32.500 đồng/kg. Tuy nhiên, số lượng xe heo đi biên chỉ vài xe hoặc nhiều nhất gần chục xe/ngày.

Một điểm cũng đáng lưu ý là mấy ngày qua thương lái Trung Quốc thu mua cả lợn nhỏ từ 15 đến 40 kg/con.

Du giá lợn đã khởi sắc nhưng với người chăn nuôi nhỏ lẻ lại không mấy hào hứng. Ông Phạm Văn Tỉnh, một chủ trang trại lợn ở huyện Bình Lục (Hà Nam) cho biết: "Ngày nào cũng thấy báo, đài đưa tin giá lợn tăng nhưng chúng tôi có thấy lái buôn tìm mua đâu, thậm chí khi chúng tôi gọi điện chào hàng họ còn trả giá thấp dưới 30.000 đồng/kg".

Trước thực trạng trên, ông Tỉnh cho rằng, rất có thể giá lợn đang bị một số doanh nghiệp, công ty và cả các lái buôn lớn trong nước móc nối với nhau để làm giá khiến cho giá lợn "nhảy múa" liên tục làm cho người nuôi nhỏ, lẻ bị thiệt hại.

Một số chủ trang trại khác cũng cho rằng, dù lái buôn Trung Quốc đã mua trở lại nhưng phần lớn họ thu mua tại các trại lớn, còn các trại nhỏ vẫn phải phụ thuộc vào lái buôn mổ bán lẻ.

Lợn ăn cháo, người nuôi ăn gì?

Ông Nguyễn Hữu Tài, một lái buôn lợn khu vực Bắc cho rằng: "Nếu nói lái buôn thu mua lợn đưa đi Trung Quốc không để mắt tới các trang trại chăn nuôi nhỏ cũng phải, bởi để có được hàng đưa đi chúng tôi phải gom hàng chuẩn với số lượng nhất định mới có thể đáp ứng được nhu cầu từ phía đối tác, về việc này các trại nhỏ, lẻ khó, thậm chí là không thể đáp ứng được".

Người chăn nuôi luôn phấp phỏng lo âu vì tình hình giá lợn hiện nay. Ảnh minh họa

Thực tế tại các trang trại nhỏ người nuôi đang phấp phỏng không yên. Bà Nguyễn Thị Tâm, một chủ trang trại ở TP.Tam Điệp (Ninh Bình) cho hay: "Hiện, Trung Quốc, thậm chí là Lào, Campuchia thu mua lợn trở lại nhưng đối tượng đang được hưởng lợi nhiều nhất chính là các doanh nghiệp, công ty và các trang trại chăn nuôi lớn, còn các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang gặp rủi ro và chịu thua lỗ nặng nhất".

Bà Tâm cho biết, hiện trại lợn của bà đang nuôi hơn 50 con lợn siêu nhưng việc bán gặp khá khó khăn vì thường xuyên bị lái ép giá. "Theo thông tin từ các trang trại lợn lớn trên địa bàn, giá lợn hôm nay đã tăng lên trên 31.000 đồng/kg nhưng lợn siêu chuẩn tại trang trại của gia đình tôi cũng chỉ được lái trả giá 30.000 khiến gia đình tôi rất bức xúc" - bà Tâm chia sẻ.

Đánh giá về bức tranh toàn cảnh ngành chăn nuôi trong một cuộc hội thảo tại TP. HCM, ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc hợp tác xã (HTX) chăn nuôi an toàn Tiên Phong (Củ Chi) nhận định: “Từ đầu 2017 đến nay, ngành chăn nuôi chúng tôi gặp một thảm họa chưa từng thấy suốt 20 năm qua. Nó như một cơn sóng thần vùi dập ngành chăn nuôi của chúng tôi.

Theo ông từ nhiều năm rồi, ngành không quan tâm đến thị trường đầu ra, không quan tâm đến người đối tác của mình là ai. Ngành chăn nuôi sẽ sụp đổ trong một thời gian ngắn nếu không có biện pháp thời.

Ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX chăn nuôi an toàn Tiên Phong. Ảnh: danviet

Ông Thắng chỉ đích danh chỉ những người có tiền mới có cơ hội phát triển. Chính là các tập đoàn, các trang trại đang phát triển rất đông vui, nhà máy thức ăn gia xúc của họ mọc liên tục.

“Còn nông dân của mình đang dọn dẹp dần chuồng trại. Rất nhiều trang trại từ tầm cỡ quy mô giờ phải nấu cháo cho lợn ăn để gắng gượng duy trì, còn lại thì phải dọn dẹp chuồng trại hết rồi”, ông Thắng nói.

Ông Thắng dự báo: "Trong 3 tháng nữa nếu thị trường chăn nuôi lợn không vực dậy thì xác sẽ nổi lềnh bềnh trong ngành chăn nuôi lợn này. Ngành chăn nuôi lợn này sẽ sụp đổ trong một thời gian ngắn nếu không có giải pháp kịp thời."

Hữu Bình