dd/mm/yyyy

Giá lợn giảm sốc, giải cứu lợn có cứu được người chăn nuôi

Giá lợn giảm sốc, bi kịch của người nuôi lợn đã chạm đến sự đồng cảm của toàn xã hội. Phong trào giải cứu lợn sẽ góp phần giải quyết đàn lợn đang dư thừa tại trang trại, nhưng liệu có vãn hồi được cơ nghiệp cho người chăn nuôi khi mọi vốn liếng dường như đã đổ xuống sông, xuống biển.

Thịt lợn được đưa tới các điểm giải cứu ở Đồng Nai. Ảnh IT

Giá lợn đã nhích lên

Là thủ phủ chăn nuôi lợn lớn nhất cả nước, nên tỉnh Đồng Nai cũng là địa phương đi đầu cả nước về giải cứu thịt lợn.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi mà thương lái mua tại trại hiện chỉ từ 18.000-24.000 đồng/kg. Hiệp hội và các sở ngành của tỉnh mua heo hơi với giá 30.000 đồng/kg rồi xẻ thịt, bán cho người tiêu dùng với giá thấp hơn thị trường từ 30-40%.

Với mức giá này, lực lượng “giải cứu” vừa giúp nông dân có lãi vừa giúp người tiêu dùng có thực phẩm sạch giá rẻ.

Ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm, điểm bán cạnh trụ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai (TP Biên Hòa) đông nghẹt người mua. Theo nhân viên đứng quầy, thịt được chuyển từ điểm giết mổ đến điểm bán liên tục nhưng lượng người mua lớn nên hàng hết rất nhanh.

“Mỗi ngày, chúng tôi bán 3-3,5 tấn thịt. Các sản phẩm như nội tạng, xương… cũng không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng”, nam nhân viên đứng quầy nói.

Người dân xếp hàng mua thịt lợn giải cứu ở Đồng Nai. Ảnh IT

Sáng 3/5, xe đông lạnh chuyển gần 300 kg thịt đến điểm bán và người dân đã mua hết số này chỉ sau 30 phút. Nhiều người đến sau phải chờ chuyến hàng muộn hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Thanh (ngụ khu phố 4, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) nói bà rất yên tâm với chất lượng thịt được bày bán bởi lực lượng “giải cứu”. “Tôi đến điểm bán vào 8h nhưng toàn bộ thịt ở quầy đã hết. Các sản phẩm như da và mỡ cũng không còn. Phải chờ đến gần 10h tôi mới mua được 2 kg chân giò”, bà Thanh nói.

Theo Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đơn vị này đang thực hiện 2 điểm bán ở TP Biên Hòa và sẽ tổ chức 4 điểm khác ở các huyện Trảng Bom, huyện Vĩnh Cửu… trong ngày 4/5.

Giải cứu nông sản ai cứu nông dân

Câu chuyện giải cứu lợn, gợi nhớ đến những đợt giải cứu nông sản "cứ đến hẹn lại lên" ở nước ta như dưa hấu, hành tím, gừng, ớt... Sau mỗi cuộc giải cứu đều thấy chung một điểm là việc phát triển nuôi trồng các loại nông sản này đều “quá nóng” tạo nên sự mất cân đối cung cầu, gây hệ lụy không nhỏ với ngành nông nghiệp nước nhà.

Sự phá vỡ quy luật cung - cầu đã đẩy giá lợn trong nước giảm sốc. Ảnh minh họa

Câu chuyện "thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào" dường như ám ảnh nông dân từ nhiều năm nay. "Được mùa rớt giá" như là nguyên lý tự nhiên mà bao năm người nông dân phải chịu đựng đã thành quen. Điều này cho thấy sự "bất lực" về tầm nhìn và quy hoạch, sự vỡ trận của ngành nông nghiệp khi lâu nay vấn để mạnh ai nấy làm.

Đằng sau mỗi đợt giải cứu chỉ giúp người nông dân có được niềm tin vào sự đồng cảm, sẻ chia của toàn xã hội. Người nông dân có bớt lo âu khi thành quả trên đồng ruộng phải dựa trên lòng thương của những đợt giải cứu.

Thay vì niềm tự hào vì giá nông sản đã nhích lên, trong mỗi đợt giải cứu bộ, ngành chức năng nên nhận diện và giải quyết những yếu kém nội tại để nông sản không phải bị định đoạt hết đợt giải cứu này tới đợt giải cứu khác.

Nông sản Việt Nam trong tình trạng phải trông đợi vào lòng thương hại của người tiêu dùng trong nước hiện nay lỗi do ai? Một phần do các cơ quan quản lý đã quá chậm trễ trong việc cảnh báo về qui mô đàn lợn, biến động thị trường và việc quy hoạch các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Một phần nữa là do thói quen nhân đàn theo ý muốn của các hộ nên dẫn tới tình trạng tăng qui mô đàn lợn một cách chóng mặt ngoài tầm kiểm soát...

Thay vì hô hào giải cứu lợn, hãy giúp người chăn nuôi tham gia vào chuỗi liên kết. Ảnh minh họa

Để thoát khỏi tình cảnh hiện nay, theo các chuyên gia, người dân cần phải tham gia “chuỗi giá trị”, ký kết thoả thuận rõ ràng với bên bao tiêu sản phẩm, khi đó, họ mới nắm rõ việc nuôi bao nhiêu con, quy trình nuôi thế nào và giá bao nhiêu... Có như vậy mới thoát khỏi cảnh lao đao, mất ăn mất ngủ vì giá cả tuột dốc như hiện nay.

Thế nhưng, việc tạo chuỗi và tham gia vào chuỗi giá trị lại không đơn giản, bởi thói quen làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai người ấy làm đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều người. Họ ngại thay đổi, làm việc theo qui trình, có sự ghi chép, truy xuất nguồn gốc rõ ràng…

Trong lúc mọi người đang chung tay giải cứu lợn thì đã xuất hiện nỗi lo, chỉ 2-3 tháng nữa, giá lợn hơi sẽ lại tăng mạnh do khan hiếm nguồn cung. Bởi sau đợt giảm giá mạnh khiến giá lợn hơi ở Việt Nam rẻ nhất thế giới thì nhiều người bỏ chuồng trại dẫn đến nguồn cung thiếu hụt, giá tăng.

Giá lợn giảm sốc, người nuôi bỏ chuồng, nhưng rồi khi giá lợn hơi tăng lên, cả làng lại lao vào nuôi lợn và xã hội lãi tiếp nối những đợt giải cứu như một cái vòng luẩn quẩn.

Bình Châu