dd/mm/yyyy

Gia Lai: Chàng trai nuôi dê Boer chỉ vì đam mê, không ngờ có thu nhập cao

Bắt đầu vì niềm đam mê, không ngờ mô hình nuôi dê Boer lai của anh Nguyễn Đức Thuận (25 tuổi, thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho gia đình. Mô hình còn tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình khác tại địa phương.

Nuôi dê chỉ vì đam mê

Trang trại nuôi dê của anh Nguyễn Đức Thuận là trang trại lớn nhất của địa phương, với hơn 300 con dê thương phẩm, hầu hết là giống dê Boer lai lấy thịt, khác hẳn với giống dê cỏ được nuôi nhiều trước đó. 

Anh Thuận cho biết: "Chỉ vì quá thích nên mình quyết định xây dựng trang trại nuôi dê này, với mục đích vừa tạo ra kinh tế gia đình, vừa thực hiện sở thích của mình".

Nuôi dê vì đam mê, không ngờ mau khấm khá - Ảnh 1.

Anh Thuận với trang trại nuôi dê Boer lai của gia đình.  Ảnh: Thùy Dung

"Hiện các loại cây công nghiệp chủ lực của địa phương cao su, cà phê, hồ tiêu… đều mất giá. Do vậy mô hình nuôi dê lai Boer của anh Thuận được địa phương đánh giá là một trong những hướng đi có triển vọng phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định".

Ông Nguyễn Tiến Dũng -

Chủ tịch UBND xã Ia Sao.

Trước đó, qua tìm hiểu anh Thuận biết được giống dê Boer lai rất được thị trường ưa chuộng, lại dễ chăm sóc, nguồn thức ăn dễ đáp ứng nên lặn lội vào các tỉnh miền Tây mua 70 con về nuôi. 

Nhưng do khí hậu khác biệt và anh chưa có kinh nghiệm chăm sóc, đàn dê của anh bị bệnh, chết gần một nửa. 

Anh Thuận tiếp tục tìm hiểu qua các diễn đàn nuôi dê, rồi trực tiếp đến các cơ sở chăn nuôi lớn để học tập nên đàn dê của anh ngày càng phát triển tốt, quy mô trang trại được mở rộng.

Hiện mỗi ngày anh Thuận xuất ra thị trường hơn 175kg dê thương phẩm, với giá dao động từ 100.000 - 120.000 đồng đồng/kg. Thịt dê lai có hương vị thơm ngon, lại mềm, ngọt nên thương lái rất ưa chuộng, tìm mua để cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng.

Ngoài việc cung cấp dê thương phẩm, trang trại Dê Ban của anh Thuận còn cung cấp dê giống, hướng dẫn kỹ thuật cho những người muốn nuôi loại dê này. Trung bình mỗi tháng, trừ các khoản phí đầu tư, gia đình anh lãi gần 25 triệu đồng từ việc bán dê thương phẩm và dê giống, chưa kể thu nhập thêm từ bán phân dê.

Chăm dê như... chăm con mọn

Sau gần 3 năm nuôi dê, từ một người chưa biết gì về loại vật nuôi này, anh Thuận đã thông thạo, nắm được nhiều bí quyết như chuyên gia. 

Anh cho biết: "Dê rất dễ mắc bệnh về đường hô hấp và bệnh ký sinh trùng, đặc biệt là vào mùa đông, mùa hè - thu có mưa. Do vậy cần đảm bảo chuồng trại luôn thông thoáng và đủ nhiệt độ. Sức đề kháng của dê mẹ và dê con lúc này yếu, cần chăm sóc kỹ lưỡng, chú ý bổ sung vitamin và sắt. Trước khi cho nhập đàn, cần tách hai mẹ con dê sang một trại khác để chăm sóc và theo dõi trong khoảng 2 tuần. Tổng thời gian dê con ở với dê mẹ không được quá 2 tháng…".

Cũng theo anh Thuận, dê không ưa độ ẩm cao hay nhiệt độ thấp, nên chuồng trại luôn phải giữ thông thoáng, sạch sẽ, ổn định về nhiệt độ. Tốt nhất là nuôi trên chuồng sàn, bề mặt sàn cách mặt đất khoảng 70cm để giữ độ thông thoáng, dễ vệ sinh và thu gom phân dê hơn. 

Ngoài ra cần chú ý các yếu tố vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh cho dê. Tại trang trại của anh Thuận, mỗi con dê đều được đánh số thẻ đeo tai để tiện theo dõi, chăm sóc.

Về thức ăn cho Boer lai, theo kinh nghiệm của anh Thuận, bao gồm 70% nguồn thức ăn thô xanh (rau, cỏ) và 30% thức ăn tinh (cám, ngô, sắn...). Nhằm đảm bảo nguồn thức ăn cho trại dê, anh Thuận tận dụng diện tích đất của gia đình trồng hơn 4 sào cỏ voi và cỏ sả. Giống cỏ này có hàm lượng dinh dưỡng cao, hợp khẩu vị với dê, nhất là khi trộn thêm các phụ phẩm như ngô, cám...

Anh Thuận cho biết thêm: "Thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi tới hơn 1.000 con. Việc mở rộng nhằm đáp ứng đủ số lượng dê thương phẩm xuất ra thị trường, đồng thời cũng tạo công ăn việc làm cho một số hộ dân đến nhận chăm sóc trại dê cho gia đình tôi ngày một nhiều". 

  



Thùy Dương