dd/mm/yyyy

Giá cả thị trường hôm nay (26.5): Thất vọng vì cà phê giảm mạnh, giá tiêu diễn biến xấu

Đà phục hồi giá trong phiên giao dịch trước không còn khi cà phê đã gây thất vọng với đợt giảm giá mạnh trong phiên giao dịch hôm nay (25.5). Thị trường hồ tiêu cũng không mấy sáng sủa khi giao dịch cầm chừng xu hướng giảm đang chi phối.

Người dân chăm sóc hồ tiêu. Ảnh minh họa

Giá tiêu diễn biến xấu

Những đợt giảm giá mạnh của hồ tiêu tuần trước vẫn để lại dư chấn mạnh khi từ đầu tuần đến nay giá tiêu giao dịch cầm chừng. Tâm lý nghe ngóng chi phối toàn thị trường.

Tuy nhiên đà giảm giá vẫn đeo bám thị trường hồ tiêu, khi ở một số địa phương giá tiêu bất ngờ giảm 1.000 đồng/kg.

Tại Đăk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, giá tiêu vẫn ổn định ở mức 81.000 đến 82.000 đồng/kg, bằng với mức giá trong phiên giao dịch hôm qua.
Tại Đăk Lăk, Gia Lai giá tiêu gây bất ngờ khi đồng loạt giảm 1.000 đồng/kg. Đợt giảm này kéo giá tiêu về sát ngưỡng 80.000 đồng/kg.

Giá hồ tiêu đi ngang nhưng tiềm ẩn nguy cơ giảm giá. Nguồn: tintaynguyen

Tại Ấn Độ, mặc dù đã xuất hiện lực mua mới nhưng giá tiêu vẫn giảm. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu, trước đó từng bán mạnh tiêu ra thị trường với giá thấp, bắt đầu mua trở lại vì giá giảm quá mạnh.

Trên thị trường kỳ hạn, có 52 tấn tiêu được giao dịch, trong đó có 20 tấn tiêu là tiêu nhập khẩu được bán với giá 495 rupee/kg. Ngoài ra, có 12 tấn tiêu chất lượng cao được giao dịch ở mức giá 505 rupee/kg và 20 tấn tiêu Wayanad được giao dịch ở mức giá 500 rupee/kg.

Giá tiêu giao ngay tại Ấn Độ tiếp tục giảm thêm 200 rupee/tạ xuống 49.600 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 51.600 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc). Giá tiêu xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ cũng tiếp tục giảm về 8.200 USD/tấn và 8.450 USD/tấn.

Giá cà phê giảm mạnh

Không nằm ngoài dự báo của các nhà phân tích, những tác động của thị trường cà phê thế giới và dự báo nguồn cung tăng đã kéo giá cà phê trong nước giảm mạnh. Sau khi tăng nhẹ trong phiên giao dịch hôm qua, cà phê đã nhanh chóng gây thất vọng khi quay đầu giảm từ 600 đến 700 đồng/kg. So với phiên giao dịch đầu tuần cà phê đã giảm 1.500 – 1.600 đồng/kg.

Tại Lâm Đồng giá cà phê giao dịch ở mức 41.400 đến 41.500 đồng/kg, giảm 700 đồng/kg. Tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum sau khi đồng loạt giảm 600 đến 700 đồng, giá cà phê đã tụt xuống dưới mốc 42.000 đồng/kg.

Giá cà phê R1 tại TP. Hồ Chí Minh được giao dịch với mức 43.800 đồng/kg, giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước.

Giá cà phê đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm nay (25.5). Nguồn: tintaynguyen

Trên thị trường thế giới, giá cà phê arabica kỳ hạn vẫn giảm dù đà giảm có xu hướng chậm lại, với mức giảm chỉ 0,2% trên sàn ICE New York.

“Thị trường robusta vẫn đang loay hoay tìm ngưỡng giá hỗ trợ. Giới đầu tư dường như đã mua đủ nhưng vài ngày qua, giá giảm do ảnh hưởng từ làn sóng bán tháo trên thị trường arabica”, một chuyên gia giao dịch cho biết.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu 1,79 triệu tấn cà phê, giá trị thu về là 3,36 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 34% về lượng và gần 26% về giá trị so với năm 2015. Giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2016 đạt 1.872 đô la Mỹ/tấn, giảm 6% so với năm 2015.

Tại Việt Nam, thông tin từ Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2017/2018 khoảng trên dưới 1,4 triệu tấn, tức là thấp hơn hoặc tương đương niên vụ trước.

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Vicofa cho biết, hằng năm cứ đến tháng 10 hoặc tháng 11 là Việt Nam bắt đầu vào vụ thu hoạch mới và nếu thời tiết thuận lợi thì các tỉnh Tây Nguyên, nơi chiếm trên 90% diện tích trồng cà phê cả nước, sẽ thu hoạch khoảng 1,3 triệu tấn.

Năm nay, các vườn cà phê không thiếu nước tưới nhờ thời tiết khá thuận lợi, không khắc nghiệt như năm trước do bị hạn hán. Tuy nhiên, một số diện tích cà phê già cỗi và trồng xen nên sản lượng cà phê dự đoán không tăng so với niên vụ trước.

Về xuất khẩu, theo Vicofa cho biết, tính đến ngày 30-4, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 960.000 tấn và nếu không có gì thay đổi, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 1,4-1,5 triệu tấn trong niên vụ cà phê 2016/2017.

Diễn biến bất ổn của thị trường cà phê. Ảnh minh họa

B.C