dd/mm/yyyy

Dốc sức bảo vệ trang trại lớn trước dịch tả lợn châu Phi

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và bàn giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi vừa được tổ chức sau khi dịch đã quét qua nhiều địa phương, khiến 1,2 triệu con lợn phải tiêu hủy, nhiều trang trại điêu đứng.

Dịch quét qua, chuồng trống lợn chết

Là một trong những địa phương đầu tiên phát hiện dịch tả lợn châu Phi, đến nay, gần như 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình đều đã có ổ dịch tả lợn châu Phi. Trừ 4 xã, phường không có người chăn nuôi lợn, còn lại đã có 281/286 xã, phường của tỉnh đều xuất hiện ổ dịch với tổng số lợn phải tiêu hủy lên tới 300.000 con, chiếm 36% tổng đàn lợn của cả tỉnh với tổng trọng lượng 15.000 tấn.

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi ở huyện Vũ Thư (Thái Bình)
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi ở huyện Vũ Thư (Thái Bình)

“Con số thiệt hại là vô cùng lớn, nhưng thực sự dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, chúng tôi cũng đã căng mình chống dịch nhưng do điều kiện chăn nuôi của phần lớn nông dân là nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư nên việc kiểm soát cực ký khó khăn” - ông Phạm Văn Xuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình thừa nhận một thực tế.

Cũng theo ông Xuyên, chính sách hỗ trợ đội ngũ kiểm dịch, tiêu hủy lợn hiện nay đang có nhiều bất cập, kinh phí hỗ trợ đi tiêu hủy, kiểm soát ở chốt kiểm dịch cả ngày lẫn đêm chỉ là 100.000 đồng/người/ngày, ngày lễ tết 300.000 đồng/người/ngày. Chính vì vậy, không khuyến khích được lực lượng tham gia.

“Hà Nội có 1,9 triệu con lợn, đứng thứ hai cả nước chỉ sau Đồng Nai. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã cướp đi 100 vạn con, tương đương 6.940 tấn, thiệt hại lên đến 200 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

“Điều chúng tôi lo ngại nhất hiện nay là số phận của 600 trang trại lớn trên địa bàn, có những trang trại dù đã làm rất nghiêm túc các biện pháp phòng chống, cách lý hoàn toàn nhưng không hiểu sao vẫn có 5 trang trại lớn dính dịch” - ông Xuyên nói.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo Thái Bình và các địa phương, doanh nghiệp và người dân phải dốc sức bảo vệ các trang trại lớn trước bão dịch.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng cho rằng, quy định mức kinh phí hỗ trợ chống dịch chỉ 100.000 đồng/người/ngày không động viên, khuyến khích được đội ngũ cán bộ địa phương tham gia, trong bối cảnh lực lượng thú y đã mỏng ngày càng mỏng do chủ trương sát nhập các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc huyện.

“Hà Nội có 1,9 triệu con lợn, đứng thứ hai cả nước chỉ sau Đồng Nai. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã cướp đi 10 vạn con, tương đương 6.940 tấn, thiệt hại lên đến 200 tỷ đồng. Nếu không có những biện pháp cấp bách, quyết liệt ngay lúc này thì có thể thiệt hại còn lớn hơn nữa. Theo tôi, Bộ Tài chính, Bộ NNPNT cần rà soát, điều chỉnh lại chính sách hỗ trợ chống dịch, Hà Nội không xin tiền, chúng tôi cần chính sách phù hợp để triển khai đảm bảo hiệu quả chống dịch cao nhất” - ông Sửu nói.

Ngoài ra, ông Sửu cũng kiến nghị nên xem xét việc hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi vì theo quy định hiện nay đối tượng này không thuộc diện được hỗ trợ khi có lợn bị tiêu tủy do dịch.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, dù dịch mới quét qua cuối tháng 4.2019 nhưng đến nay đã lan ra 3 huyện (Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu) với 867 con lợn buộc phải tiêu hủy. Ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, thừa nhận, ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi bị phát hiện Trung Quốc, sau đó là các tỉnh phía Bắc, tỉnh đã chủ động lên các phương án phòng chống từ xa, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong chống dịch của người dân nhưng vẫn không thể tránh khỏi.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị, Đồng Nai cần dốc sức cao độ để khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lây lan trên diện rộng như một số địa phương khác, lúc đó “hậu quả sẽ khó lường”.

Xử lý nghiêm vi phạm

Đánh giá về tình hình phòng chống dịch ở một số địa phương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thừa nhận, còn quá nhiều tồn tại, bất cập. Trong thời gian vừa qua, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, nhiều địa phương làm rất tốt nhưng cũng có những địa phương làm không tốt.

“Thứ nhất, khi phát hiện dịch, xử lý không kịp thời, hoặc có phát hiện dịch nhưng không công bố ngay với tư duy để tiêu thụ cho vãn đi, giảm áp lực, nguồn lây lan chính từ đó mà ra. Tôi kiểm tra tại Thanh Hoá, thấy địa phương áp dụng quy trình tiêu hủy lợn bệnh rất đúng, vì vậy, dù địa bàn rộng, số lượng lợn lớn nhưng tỉnh chỉ có hơn 4.000 con bị tiêu huỷ. Trong khi đó, một số địa phương lợn chết do mắc bệnh xử lý không kịp thời, để lợn chết bốc mùi thối trong chuồng. Ở Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên... còn để lợn chết trôi sông. Với đặc điểm dịch tễ học của dịch tả lợn châu Phi thì điều này rất nguy hiểm” - ông Tiến nói.

Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, trong thời gian tới cần phải xử lý điển hình một số vụ để làm gương và đi vào chiều sâu với biện pháp quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng như công an, quân đội cần tham gia vào công tác phòng chống dịch. Bộ Công an tham gia điều tra xử lý một số vụ để làm gương và có tính răn đe.

Trước thông tin một số địa phương chậm công bố dịch, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, trong cả quá trình chống dịch từ khi phát hiện đầu tháng 2.2019, Bộ hết sức công khai. Nếu theo kế hoạch thì nhiều địa phương chưa công bố nhưng với tinh thần công khai minh bạch, Bộ yêu cầu từng điểm, từng xã một công bố hết.

“Tại Hội nghị phòng chống dịch lần trước, Thủ tướng nói “chống dịch như chống giặc”, Chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để dịch lây lan nhanh. Chính vì vậy, sau khi chỉ đạo Cục Thú y giám sát kiểm tra, tổng hợp lại những tồn tại, riêng với trường hợp 395 xác lợn vớt được trên sông, Bộ NN&PTNT đã ký ngay một văn bản gửi UBND các tỉnh phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, UBND các cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Tôi cũng đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên rà soát xem lợn chết trôi sông thuộc địa bàn xã nào để xử lý dứt điểm” - ông Tiến nói.

Bài, ảnh: Anh Thơ