dd/mm/yyyy

Điểm sáng phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Sơn La

Xác định phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là nhiệm vụ quan trọng. BHXH huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La luôn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia.

Hiệu quả từ công tác tuyên truyền

Thời gia qua, để nâng cao nhận thức người dân hiểu lợi ích, ý nghĩa của BHXH tự nguyện, BHXH huyện Thuận Châu đã tập trung hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến từng xã, bản, từng đối tượng người dân, hộ gia đình. Đặc biệt là phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các xã, thị trấn, bản, tiểu khu tổ chức các buổi tuyên truyền, trực tiếp đối thoại, giới thiệu, tư vấn cho người dân hiểu lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện. Qua đó, đã giúp người dân hiểu nhiều hơn, sâu hơn về các chế độ chính sách của BHXH tự nguyện mang lại. Minh chứng những nỗ lực đó là số người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện ngày một tăng. Trong đó, nhiều người coi việc tham gia BHXH tự nguyện như là một hình thức tiết kiệm.

Ông Lường Văn Toản có thời gian tham gia BHXH tự nguyện đã được 11 năm. 

Phấn khởi trước thành quả đạt được, bà Trần Thị Dung, Giám đốc BHXH huyện Thuận Châu, thông tin: Ngay từ đầu năm, BHXH huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng BHXH tự nguyện. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo, phân bổ chỉ tiêu đến các xã, từ đó xã triển khai nhiệm vụ xuống các bản, tiểu khu. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện tăng mới 750 người, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện của huyện lên 1.190 người, đạt 108,18% chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2019. BHXH Thuận Châu được coi là một trong những đơn vị dẫn đầu về công tác phát triển đối tượng BHXH tự nguyện của tỉnh Sơn La.

Kết quả trên là sự nỗ lực cố gắng không ngừng của đội ngũ cán bộ, nhân viên BHXH huyện, luôn bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng người dân, vận động đúng người, đúng đối tượng tham gia. Đặc biệt là đổi mới, sáng tạo nội dung tuyên truyền một cách dễ nhớ, dễ hiểu, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, hiệu quả. “Trước khi diễn ra buổi tuyên truyền các nội dung, tài liệu tuyên truyền thường được gửi trước cho người đứng đầu các xã, bản thông tin cho người dân tham khảo trước. Khi người dân đã hiểu sơ lược, thông qua các buổi tuyên truyền trực tiếp, được tư vấn, trao đổi thêm giúp cho người dân hiểu rõ hơn nên nhân được sự ủng hộ rất cao. Vì thế mà nhiều người dân tham gia ngay tại chỗ”, bà Dung chia sẻ thêm.

 Huyện Thuận Châu với là địa bàn nhiều dân tộc sinh sống, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.

Thuận Châu với đặc thù là địa bàn nhiều dân tộc sinh sống, khác nhau về ngôn ngữ, lối sống, phong tục tập quán nên khi giới thiệu, tư vấn, BHXH huyện thường sử dụng các tuyên truyền viên là người dân tộc, dùng tiếng dân tộc tại chính địa phương đó tư vấn, giải thích cho người dân hiểu. Đặc biệt là phát huy vài trò của các trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia vận động, tạo được lòng tin của người dân.

Bà Dung tâm sự: Một số địa phương người dân thường còn giữ thói quen làm đến đâu tiêu đến đó, chưa có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Nên trước khi vận động người dân tham gia BHXH, việc đầu tiên là hướng dẫn người dân học cách tiết kiệm chi tiêu khoa học, biết cách dành dụm, tích góp, có vốn tham gia. Song song với đó là hướng dẫn người dân lựa chọn mức đóng, thời gian đóng phù hợp với điều kiện thu nhập của mình. Quan trọng nhất là thời gian đóng, bởi hầu hết thu nhập của người dân đều phụ thuộc vào ngày mùa, không giống như lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, BHXH Thuận Châu đã tổ chức được 22 buổi tuyên truyền, với 1.700 người tham gia. Nhiều buổi tuyên truyền diễn ra rất thành công, có người tham gia ngay tại chỗ, có những buổi có hàng chục, thậm chí trên cả trăm người tham gia. Tiêu biểu như hội nghị tuyên truyền tại xã Mường Khiêng, trong số 123 người tham dự thì có tới 103 người tham gia; tại xã Bản Lầm 116 người tham dự thì có 81 người tham gia; xã Bó Mười 67 người tham dự, có 56 người tham gia hay như tại bản Nà Ta (Chiềng Pha) 55 người tham dự có 44 người tham gia tại chỗ… Có thể nói để người dân hiểu và tham gia BHXH tự nguyện thì công tác tuyên truyền giữ một vai trò vô cùng quan trọng.

Tích lũy cho tương lai

BHXH tự nguyện là chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống cho nhân dân, vì mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội rộng khắp. Và ai cũng có thể tham gia và được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của BHXH. Tham gia BHXH tự nguyện người dân được tự lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân và gia đình, được hưởng lương hưu khi về già hoặc hết tuổi lao động. Đặc biệt là những lao động tự do, không có thu nhập ổn định, chỉ cần mỗi tháng bỏ ra một khoản tiết kiệm đóng bảo hiểm, đủ thời gian được hưởng lương hưu và chế độ bảo hiểm theo quy định.

 BHXH huyện Thuận Châu tích cực vận động người dân tham gia.

Ông Lường Văn Toản, bản Lạnh (xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu), công việc thường ngày của ông là canh tác nương rẫy và chăn nuôi, nhưng đến nay ông đã tham gia BHXH tự nguyện được 11 năm. Ông chia sẻ: Tôi tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2008. Trước đó, tôi cũng chưa biết đến BHXH tự nguyện là gì? Một thời gian làm việc tại UBND xã Tông Lạnh, được nghe cán bộ BHXH xuống giới thiệu, tư vấn, thấy BHXH có nhiều lợi ích thiết thực khi về già nên tôi quyết định tham gia. Tuy là làm việc ở xã nhưng mỗi tháng chỉ được hỗ trợ số tiền ít ỏi từ Nhà nước, thu nhập chính của gia đình chủ yếu dựa cả trồng cây ngô, cây lúa và chăn chăn nuôi lợn, nuôi bò. Thu nhập không cao nhưng mỗi tháng bỏ ra chút tiền đóng bảo hiểm không làm ảnh hưởng gì đến kinh tế gia đình. Và tôi thấy ai cũng có thể tham gia được.

Còn chị Nguyễn Thị Dung, ở bản Máy Đường (xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu), cho hay: Trước đây tôi chưa từng nghe và biết gì về BHXH, cách đây 5 tháng, được nhân viên BHXH huyện giới thiệu, tư vấn tại xã, tôi thấy BHXH tự nguyện có nhiều lợi ích, nhất là đối với lao động tự do giống mình. Đem câu chuyện về kể với gia đình, nghe xong chồng tôi và người em gái rất ủng hộ, sau đó cả 3 người trong gia đình cùng tham gia BHXH tự nguyện.

 Nhận thấy nhiều lợi ích từ BHXH tự nguyện nên cả 3 thành viên trong gia đình chị Nguyễn Thị Dung đều tham gia.

Chị Dung niềm nở: Vợ chồng tôi đều là lao động tự do, tôi làm nghề cắt may tại nhà, ai có nhu cầu thuê gì làm đó. Còn chồng tôi làm nông nghiệp, trồng hoa, năm được năm không, chứ không đồng lương ổn định như cán bộ, công chức Nhà nước. Tôi nghĩ giờ mình còn sức khỏe, còn lao động kiếm ra được đồng tiền, nhưng nếu về già chân tay không làm việc được nữa, dựa hết vào con cái cũng không hay. Thế là vợ chồng tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện, mỗi tháng đóng vài trăm nghìn bảo hiểm cũng không có gì là khó, số tiền bỏ ra không phải là quá lớn và ai cũng có thể tham gia được, hãy coi đó như là một khoản tiền tiết kiệm cho chính mình.

BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm có nhiều tính ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi do khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người dân khi hết tuổi lao động. Người tham gia được hưởng lương hưu theo quy định, được trợ cấp một lần và tử tuất, được cấp thể BHYT nghỉ hưa và hưởng quyền khám chữa lợi khám, chữa bệnh như người tham gia BHXH bắt buộc.

 BHXH tự nguyện rất cần thiết cho những lao động tự do, không có thu nhập ổn định.

Theo đó, xác định phát triển BHXH tự nguyện là nhiệm vụ quan trọng của BHXH huyện, thời gian tới, BHXH huyện Thuận Châu tiếp tục tăng cường tập trung hướng về cơ sở, bám sát địa bàn; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia.

Quốc Định