dd/mm/yyyy

“Đại gia” rau ăn quả ở Bình Hạ Đông

Đến Bình Hạ Đông (Thái Mỹ, Củ Chi, TP.HCM), hỏi Phạm Chí Tâm thì ai cũng biết, nhất là lớp trẻ. Bởi Tâm không chỉ giàu có nhất ấp, mà còn là tấm gương cho lớp trẻ phấn đấu làm giàu bằng chính nghị lực của mình.

Hôm chúng tôi đến, Tâm đang loay hoay cùng mấy thợ xây hoàn tất ngôi biệt thự; phía bên hông nhà là hai chiếc xe hơi “cáu cạnh”. Tâm cười bảo “tài sản đó là nhờ 3ha rau ăn quả VietGAP và lao động quần quật mấy năm nay”.

Khát vọng làm giàu trên đất

Sinh ra ở Biên Hòa (Đồng Nai), nhưng cả tuổi thơ của Tâm gắn với mảnh đất Bình Hạ Đông. Dẫn chúng tôi ra xem mấy ha đất canh tác rau ăn quả theo chuẩn VietGAP, Tâm thổ lộ: “Ngày đầu mới đặt chân về đây đã thấy bà con làm lúa rồi, nhưng cứ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà có khá giả đâu”.

Ở vùng đất này, bao đời nay, nông dân chủ yếu trồng lúa, nuôi bò… cơ cực, lam lũ quanh năm nhưng kinh tế trồi sụt thất thường. Với hàng ngàn m2 diện tích đất làm nông thì đây là nơi hiếm hoi trồng rau ăn quả. Chàng thanh niên gầy gò “nhỏ thó” bắt đầu nghĩ đến một hướng làm nông mới, trồng cây rau ăn quả để mong thay đổi cuộc sống.

Nghĩ là làm, Tâm triển khai cánh đồng rau ăn quả trên chính 3 công đất của gia đình. Thấy tín hiệu làm ăn tốt, sản phẩm làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, anh bắt đầu thuê đất mở rộng diện tích canh tác. Tâm thuê đất với số tiền 25 triệu/ha/năm và lao vào “cày như trâu”, nuôi khát vọng làm giàu. Giờ thì Tâm có 3ha đất canh tác rau ăn quả sạch với sự đầu tư hệ thống tự động tưới nhỏ giọt và phân bón, tiết kiệm nước và nhân công…

“Suốt một thời gian làm rau tôi mới phát hiện cần diện tích lớn, chứ vài ba công đất thì lợi nhuận chẳng nhiều, chẳng bao giờ vươn lên khá giả nổi”, Tâm khẳng định.

Theo Chí Tâm, mỗi năm anh canh tác được 3 vụ rau ăn quả VietGAP, gồm: mướp hương, khổ qua, đậu đũa, dưa leo… Trung bình mỗi ha anh thu 25 tấn/vụ. Số rau quả này anh bán trực tiếp cho chợ đầu mối của thành phố, lợi nhuận hằng năm gần tỷ đồng. Thấy Tâm “ăn nên, làm ra”, hiện một số nông dân lân cận bắt đầu chuyển từ trồng lúa sang trồng rau ăn quả.

Thắng lớn nhờ phát huy sở trường

Nghe tôi hỏi, làm ăn được với rau ăn quả, vậy có mở rộng thêm diện tích canh tác hay không? Tâm cười và nói: “Kiếm tiền nhiều thì ai chả muốn, nhưng liệu sức mà làm, chứ bày ra không quản nổi thì rủi ro lắm”.

So với lúa thì lợi nhuận từ rau ăn quả gấp vài lần, nhưng so với trồng hoa lan như một số bà con nông dân Củ Chi đang làm thì rau ăn quả vẫn còn kém một bậc. Vậy sao không chuyển sang trồng lan?

“Giờ tôi bán rau ăn quả VietGAP của mình qua hệ thống chợ đầu mối với giá cả như rau thường, nhưng được cái là bán với số lượng nhiều, có bao nhiêu cũng bán hết. Nhưng tôi chỉ thấy thắc mắc là kêu gọi bà con làm rau quả VietGAP mà sao chưa có được đầu ra”, Tâm giãi bày. 

“Trồng hoa lan đang cho thấy lợi nhuận kinh tế khá cao, nhưng tôi không nghĩ mình sẽ đi theo hướng này, đấy là sở đoản của tôi. Hơn 10 năm nay tôi lấy sở trường của cây rau ăn quả để sản xuất và thắng lớn. Tôi không mạo hiểm nhảy sang trồng lan”, Tâm nói.

Điều mà Tâm đang lo lắng lúc này là làm rau ăn quả VietGAP nhưng không tiêu thụ được từ hệ thống này. Tất cả sản phẩm làm ra đều chỉ bán như rau thường, chưa có một HTX nào thu mua rau ăn quả VietGAP của anh.

Hơn 10 năm nay, chàng thanh niên này cứ mỗi sáng lại cùng cả chục lao động tại địa phương, ra đồng thu hoạch nông sản; chất số rau ăn quả này lên xe tải rồi mang ra chợ đầu mối bán.

Trần Đáng