dd/mm/yyyy

Có tem "thông hành", nông dân miền biển Cố đô tự tin làm ra nhiều con giống "ông ăn bà khen" nhất Việt Nam

Để kiểm soát, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm, mới đây, Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình đã tiến hành cấp và dán tem truy xuất nguồn gốc QR CODE cho sản phẩm hàu giống ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Qua đây, giúp bà con ở đây tự tin làm ra nhiều sản phẩm hàu giống có chất lượng cao hơn bán ra thị trường.
Có tem "thông hành", nông dân miền biển Cố đô tự tin làm ra nhiều con giống "ông ăn bà khen" nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Mô hình nuôi hàu giống treo dây của ông Phạm Văn Thu ở Kim Trung, huyện Kim Sơn đang mở ra cơ hội làm giàu cho người dân địa phương.

 Nông dân yên tâm sản xuất hàu giống

Sau nhiều năm lặn lội với nghề nuôi hàu sinh sản, đến nay ông Phạm Văn Thu (59 tuổi) ở xã Kim Trung, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã có trong tay một cơ ngơi ươm hàu giống rộng hơn 1 ha. Nhờ vậy mà gia đình ông Thu có nguồn thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng. 

Trao đổi với chúng tôi về việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nông Thu tỏ ra rất phấn khởi vì từ giờ hàu giống của bà con sản xuất ra ở Kim Sơn sẽ được tiêu thụ chính danh, bảo đảm chất lượng nguồn gốc, tránh việc trà trộn, gian lận sản phẩm ảnh thưởng đến việc sản xuất của người dân miền biển Kim Sơn.

"Sau khi có tem truy xuất nguồn gốc sẽ giúp chúng tôi tự tin làm giàu với sản phẩm đặc sản của quê hương", ông Thu khẳng định.

Bên cạnh việc hỗ trợ đợt đầu cho 9 cơ sở sản xuất hàu giống có quy mô lớn, đáp ứng đủ các điều kiện (về trang thiết bị, tiêu chuẩn an toàn sinh học, máy móc, nhà xưởng) hàng nghìn tem truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh, trên hệ thống dữ liệu. 

Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình cũng phân công đơn vị chuyên ngành làm tốt công tác kiểm dịch trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các mối nguy. 

Đồng thời xây dựng các mô hình đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất hàu giống đại dương, nhân sinh khối làm thức ăn cho hàu giống. 

Cùng với đó, Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình đã làm việc với Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh để kết nối các đơn vị sản xuất hàu giống của Ninh Bình và các đơn vị sản xuất hàu thương phẩm của Quảng Ninh trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phạm Văn Hải - Trạm trưởng Trạm thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh khẳng định: Xét về điều kiện tự nhiên, hiện tại chưa có địa phương nào sánh được vùng ven biển Kim Sơn về hiệu quả, chất lượng sản xuất hàu giống. Nếu hàu giống Trung Quốc chỉ đạt tỷ lệ sống khoảng 60% thì giống hàu được sản xuất tại huyện Kim Sơn có thể đạt tỷ lệ sống lên tới 80 - 90%. 

Ngoài ra, theo ông Hải, hàu giống ở Kim Sơn còn có đặc điểm là thời gian sinh trưởng kéo dài hơn, sản lượng, năng suất cao hơn. Do đó, thời gian qua, rất nhiều đơn vị, cá nhân đã đầu tư xây dựng cơ sở để sản xuất giống loài nhuyễn thể này (khoảng 60 cơ sở, sản lượng trên dưới 2,3 tỷ con hàu giống/năm). 

Sản phẩm cung cấp cho các địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa… Với việc gắn tem truy xuất nguồn gốc, kỳ vọng hàu giống Ninh Bình sẽ ngày càng phát huy được thế mạnh trên thị trường.

Có tem "thông hành", nông dân miền biển Cố đô tự tin làm ra nhiều con giống "ông ăn bà khen" nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đến thăm mô hình nuôi hàu giống tại xã Kim Đông (Kim Sơn) ngày 29/8/2020).

Cần hỗ trợ đào tạo sản xuất giống cho người dân

Hiện, trên địa bàn vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ Kim Sơn hiện có 108 cơ sở sản xuất giống thủy sản nhuyễn thể, trong đó có 60 cơ sở sản xuất hàu giống, gần 40 cơ sở sản xuất ngao giống. Riêng trong 9 tháng đầu năm nay, toàn huyện đã sản xuất được 1.425 triệu con. Có thể khẳng định, nuôi hàu giống là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi tôm, cua biển, lại không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Điều đáng nói là giống hàu ở Kim Sơn chất lượng tốt hơn hẳn ở các địa phương khác cũng như giống hàu nhập ngoại, thời gian sinh trưởng kéo dài hơn, sản lượng, năng suất cao hơn..., do vậy hiện giống hàu Kim Sơn có giá cao hơn và được ưa chuộng ở hầu hết các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng...

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hải cũng đánh giá, hoạt động sinh sản nhân tạo giống ngao, hàu đang có chiều hướng mở rộng nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất giống như khó khăn về điều kiện môi trường, nguồn giống bố mẹ... dẫn đến tỷ lệ thành công chưa cao.

Cùng với đó, công tác quản lý sản xuất và dịch vụ giống còn nhiều hạn chế, các cơ sở dịch vụ giống thủy sản còn nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết, trách nhiệm với người nuôi. Việc đầu tư hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập.

Do vậy, để nghề nuôi hàu giống phát triển bền vững, ông Hải kiến nghị cần sự quan tâm của các ngành chức năng trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật sản xuất cho người dân. Sớm có quy hoạch vùng sản xuất thủy sản để người dân yên tâm đầu tư cơ sở vật chất, vay vốn mở rộng sản xuất.

 

Hải Đăng