dd/mm/yyyy

Cổ phiếu nông nghiệp 'ăn chắc mặc bền'

Trong bối cảnh nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn, lĩnh vực công nghiệp suy giảm thấy rõ, ngành nông nghiệp được đánh giá là điểm sáng với mức tăng trưởng 3,14% trong nửa đầu năm.
Cổ phiếu nông nghiệp 'ăn chắc mặc bền' - Ảnh 1.

Nông nghiệp là lĩnh vực rộng, bao trùm nhiều chuyên ngành khác, nhưng trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến hai nhóm ngành đang được thị trường quan tâm là nhóm gạo và chăn nuôi.

Doanh nghiệp gạo với bài toán gia tăng giá trị

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 7 sản phẩm và nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Trong đó, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 4,27 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về sản lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá bán bình quân đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, do giá mua lúa nhập từ bà con nông dân tăng (khi giá phân bón tăng ảnh hưởng tới giá thành sản xuất) và chi phí lãi vay cao (khi lãi suất tăng mạnh từ cuối năm 2022) nên biên lợi nhuận các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị bào mòn. Đơn cử, trong quý đầu năm, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã PAN) báo lãi sau thuế hơn 40 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ; Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR) chỉ lãi 8,5 tỷ đồng, giảm tới 68% so với cùng kỳ; Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) thậm chí lỗ tới 81 tỷ đồng trong cùng thời gian.

Trong những tháng cuối năm 2023, gạo Việt Nam được nhìn nhận có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, do nhiều đối thủ cạnh tranh tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm sản lượng do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu cực đoan El Nino. Trong khi đó, nhu cầu dự trữ lương thực trên thế giới tăng do lo ngại về những bất ổn kinh tế, người dân chuyển từ tiêu thụ lúa mì sang gạo tăng lên.

Thêm một yếu tố tích cực với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam là giá phân bón giảm dần và lãi suất hạ nhiệt giúp doanh nghiệp giảm chi phí, cải thiện lợi nhuận.

Lâu nay, gạo Việt Nam chủ yếu xuất sang các nước như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, còn các thị trường được đánh giá khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ… chỉ chiếm phần nhỏ. Sản xuất gạo chất lượng cao và các sản phẩm chế biến sâu từ gạo đang là hướng đi được một số doanh nghiệp trong ngành hướng tới nhằm gia tăng giá trị cho hạt gạo cũng như hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Lộc Trời đang trong giai đoạn nghiên cứu, lấy ý kiến của các cơ quan trung ương và địa phương. Hiện Công ty đã có đủ nguồn giống để đảm bảo cho việc triển khai kế hoạch này, bao gồm giống gạo thơm OM18 và giống gạo trắng OM5451. Bên cạnh đó, Lộc Trời còn có các giống lúa xác nhận như Jasmine, 504; các bộ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm hữu cơ sinh học, triển khai dự án giảm phát thải ra môi trường.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lộc Trời, nếu xây dựng được hình ảnh rõ ràng về lúa gạo Việt Nam, về chất lượng lúa gạo Việt cũng như sự bền vững, ổn định của việc cung cấp ra thị trường thế giới thì đây là một cơ hội hiếm có để Việt Nam đánh dấu vị trí của mình trong phân khúc cao cấp của thị trường lúa gạo thế giới.

Trong khi đó, Trung An không chỉ xác định mục tiêu xuất khẩu gạo mà còn mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu từ gạo như mì, phở, bún… vào thị trường Mỹ và châu Âu. Phân khúc này có giá trị cao, có thể hướng đến những thị trường có sức chi trả cao hơn.

Ngành chăn nuôi “sáng cửa” cuối năm

Trong những tháng đầu năm 2023, giá heo hơi có thời điểm giảm xuống còn hơn 40.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 20% so với giá thành sản xuất khiến các hộ nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi thua lỗ nặng nề.

Nhu cầu dự trữ lương thực trên thế giới tăng do lo ngại về những bất ổn kinh tế, người dân chuyển từ lúa mì sang dùng gạo tăng lên.

Điều này đã phản ánh qua bức tranh kinh doanh u ám của các doanh nghiệp chăn nuôi trên sàn chứng khoán. Cụ thể, trong quý I, Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF) báo lãi sau thuế vẻn vẹn 3,9 tỷ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý BAF có lợi nhuận thấp nhất kể từ khi đưa cổ phiếu lên niêm yết (năm 2021).

Tại Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG), mảng chăn nuôi heo ghi nhận doanh thu quý I/2023 là 563 tỷ đồng, tăng tới 190% so với cùng kỳ, nhưng biên lợi nhuận gộp của mảng này gần như bằng 0 do giá vốn ở mức 561 tỷ đồng. Thậm chí, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (mã DBC) báo lỗ kỷ lục gần 321 tỷ đồng trong quý I/2023 (quý trước đó, Công ty cũng lỗ gần 80 tỷ đồng).

Tuy nhiên, bắt đầu từ quý II/2023, nhu cầu tiêu thụ cải thiện trong bối cảnh nguồn cung thịt heo sụt giảm do dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã giúp giá heo hơi phục hồi trở lại, hiện đã vượt ngưỡng 60.000 đồng/kg - mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây. So với mặt bằng chung của các nước trong khu vực, giá heo hơi của Việt Nam đang ở mức cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng, giá heo hơi trong nước đã thoát đáy trong quý I/2023 và tiếp tục xu hướng hồi phục trong giai đoạn nửa cuối năm 2023, dao động từ 65.000 - 68.000/kg, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước nhờ thịt heo được đưa ra khỏi diện các mặt hàng bình ổn và nguồn cung tiếp tục xu hướng sụt giảm từ đầu năm.

Theo tính toán của KBSV, giá heo hơi phải trên mức 55.000 – 56.000 đồng/kg mới đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi. Vùng giá hiện tại sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi heo và tạo lợi nhuận ròng tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, nguồn cung nguyên liệu đầu vào của thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương... dự báo sẽ được cải thiện rõ rệt trong niên vụ tới. Giá cũng có xu hướng giảm do El Nino quay trở lại, thời tiết tại khu vực Nam Mỹ thuận lợi hơn cho cây trồng phát triển, nguồn cung gia tăng giúp chi phí đầu vào của các doanh nghiệp chăn nuôi giảm theo xu hướng chung của thế giới.

Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), trong bối cảnh lạm phát dần được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ thịt heo của nước ta sẽ cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, kết hợp với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt so với năm ngoái, ngành chăn nuôi có thể ghi nhận sự hồi phục đáng kể trong nửa cuối năm nay.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco nhận định, hoạt động sản xuất – kinh doanh quý II của Công ty vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên sẽ từng bước phục hồi kể từ quý III/2023.

BAF cũng tự tin với kế hoạch lãi ròng đạt 301 tỷ đồng trong năm nay, nhất là khi diễn biến giá heo hơi đang hồi phục và có khả năng bù đắp tổn thất gây ra trong quý I vừa qua.

Nguồn cung thịt heo tiếp tục hạn chế trong thời gian tới do dịch bệnh bùng phát, cùng với sự hồi phục của tổng cầu được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác chính thúc đẩy giá heo hơi và tạo đà cho cổ phiếu chăn nuôi hồi phục mạnh hơn.


Kiều Kiều Trang/Theo Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2023