dd/mm/yyyy

“Cỗ máy” trùn quế vận hành trang trại hữu cơ

Lấy trùn quế làm đối tượng trung tâm của quy trình nuôi trồng khép kín, anh Trương Hữu Thuận (quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) đã xây dựng một trang trại quy mô, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ của rất nhiều nông dân ở miền Tây.

Trang trại nuôi trùn quế của anh Thuận tại Cần Thơ.

Anh Thuận nuôi bò, rồi lấy phân bò tươi nuôi trùn quế; sau đó lấy trùn quế giống bán, còn trùn thịt làm thức ăn cho dê; sau khi bán dê thì mua lại mua bò nuôi; rồi lại tiếp tục lấy phân trùn quế bón cho cỏ trồng, cỏ này được dùng để nuôi bò, dê.

 Từ thực tế canh tác của nông dân cho thấy Chỉ cần 2kg trùn quế sinh khối sẽ giảm được 70% chi phí phân bón cho mỗi gốc cam sành. Còn thịt trùn quế là nguồn thức ăn giàu đạm, rất thích hợp để nuôi bò, dê và các loại gia súc gia cầm khác.

Cách làm khép kín này giúp anh tiết kiệm chi phí, cho lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt từ mô hình này, tất cả các sản phẩm, như cỏ, thịt gia súc, phân trùn quế đều là sản phẩm hữu cơ, đạt chất lượng.

Anh Thuận chia sẻ: Đến nay tôi có gần 2 năm kinh nghiệm trong việc nuôi trùn quế bằng cách tự học hỏi cách nuôi ở Củ Chi và một số tỉnh miền Tây. Thông qua thực tế sản xuất, tôi nhận ra rằng trùn quế mang lại nhiều lợi ích. Các sản phẩm từ trùn quế như: Thịt trùn quế đông lạnh, sinh khối trùn quế (làm giống trùn quế), phân trùn quế đang được thị trường rất ưa chuộng.

Theo anh Thuận, trong các loại phân hữu cơ thì phân trùn quế được nông dân trồng cây ưa chuộng bởi giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, không giống như phân chuồng, phân trùn được hấp thu ngay một cách dễ dàng và còn tăng khả năng giữ nước trong đất.

Sơ đồ trang trại hữu cơ khép kín của anh Thuận.

Từ trại trùn quế xây dựng ở TP.Cần Thơ với quy mô chỉ có 24m2, nay anh Thuận đã xây dựng được trang trại khép kín tại Vĩnh Long với diện tích 4ha, trong đó trại nuôi trùn quế với diện tích 500m2.

Để đáp ứng cho 500m2 nuôi trùn quế thì cần khoảng 20 con bò trưởng thành để cung cấp phân tươi.

Cụ thể, hiện trang trại có 80 con bò, 50 con dê, 3ha đất dùng để trồng cỏ mồm, VA06. Theo anh Thuận, đối với trang trại của anh khi đã có được lượng khách hàng ổn định, thì với 500m2 diện tích nuôi trùn quế, ban đầu anh chi phí đầu tư khoảng 150 triệu đồng, sau 3 tháng nuôi mỗi tháng anh thu được khoảng 40 triệu đồng từ các sản phẩm. Trong đó, chi phí nhân công và vận chuyển chưa đến 10 triệu đồng.

Sản phẩm thịt trùn quế rất được thị trường ưa chuộng.

Theo anh Thuận, tiềm năng về thị trường trùn quế rất lớn, tại sao bà con ở miền Tây không nuôi, trong khi lượng phân bò rất lớn. Thông thường bà con bán phân bò tươi cho các tỉnh miền Đông cũng rất ổn, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không bằng làm phân trùn quế. Hơn nữa, làm phân trùn quế lại nhàn hơn, không lo lắng vì phải canh thời tiết để phơi phân bò, lợi nhuận lại cao hơn rất nhiều.

 Nuôi trùn quế có lợi rất lớn cho nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững. Bản thân con trùn quế cực kỳ dễ nuôi, bà con chỉ cần có phân bò tươi là có thể nuôi được trùn quế với chi phí đầu tư cực thấp. Bên cạnh đó, công chăm sóc rất nhàn, quan trọng là nắm được kỹ thuật cơ bản để nuôi con trùn quế đạt chất lượng. Hiện nay xu hướng của thị trường nông nghiệp là xu hướng hữu cơ, nhu cầu các sản phẩm từ trùn quế rất lớn, có nhiều khách hàng đặt nhưng trang trại của tôi không đủ cung cấp.
Anh Trương Hữu Thuận.
Chúc Ly