dd/mm/yyyy

Chăn nuôi cần có lương tâm

Con giống tự sản xuất, thức ăn tự mua nguyên liệu thô về pha chế, không sử dụng chất kích thích, chất cấm nên chất lượng thịt lợn, gà rất cao. Họ là những người kịch liệt phản đối việc một số chủ trang trại dùng chất cấm, bởi không chỉ người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả, mà họ cũng bị “vạ” lây.

Áp dụng mô hình khép kín

Thời gian qua, phong trào tẩy chay chất cấm, thực phẩm bẩn khá nóng ở hầu hết các bộ, ngành và trong giới truyền thông báo chí - điều mà đáng lẽ chúng ta đã phải làm cách đây từ rất lâu để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người chăn nuôi và chính ngành chăn nuôi. Nhưng dù sao, muộn vẫn còn hơn không. Trong 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi thì Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là 3 chất đứng đầu trong danh mục về độ nguy hiểm, độc hại.

Chúng tôi về thăm một số trang trại chăn nuôi ở Vĩnh Phúc, Hà Nam và các huyện ngoại thành Hà Nội. Khi đề cập đến vấn đề chất cấm, hầu hết các trang trại đều tỏ ra rất bất bình và đề nghị Nhà nước cần có biện pháp mạnh, thậm chí xử lý hình sự những đối tượng buôn bán và sử dụng các loại chất cấm độc hại này. Bà con cho rằng, việc sử dụng chất cấm chỉ có lợi cho một số người, còn hậu quả gây ra cho người tiêu dùng, người chăn nuôi chân chính, ngành chăn nuôi và nền kinh tế là rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Cao Minh (Thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: "Người chăn nuôi sạch sẽ có chỗ đứng, nếu tẩy chay được chất cấm".

Ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Cao Quang, xã Cao Minh (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) là chủ một trang trại đang nuôi tới 500 lợn nái và 1.300 lợn thịt/lứa, với mô hình “tự cung, tự cấp”. Có nghĩa anh tự sản xuất con giống để nuôi, bởi theo anh Tuấn thì đây là cách tốt nhất để hạn chế dịch bệnh. Tương tự, đã nhiều năm nay, anh tự thu mua nguyên liệu thô như lúa, ngô, sắn, cá, khô dầu… rồi tự xay nghiền pha chế theo tỷ lệ, công thức của riêng mình. Theo anh Tuấn, với cách làm này anh tiết kiệm được khoảng 10 – 15% chi phí thức ăn so với mua cám trên thị trường, ngoài ra anh còn kiểm soát được chất lượng của thức ăn, đảm bảo 100% không có chất cấm.

“Tôi tự sản xuất con giống, thức ăn và tự bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Tôi nghĩ làm cái gì cũng cần có lương tâm, chăn nuôi cũng thế. Chính vì vậy tôi đã kiên trì với mô hình “tự cung, tự cấp” của mình hơn chục năm nay và đang phát huy hiệu quả. Trong thời kỳ “thật giả lẫn lộn” này, người tiêu dùng như đang lạc vào mê cung, họ không biết đâu là sản phẩm sạch, đâu là sản phẩm “bẩn”. Mình tự sản xuất, tự tiêu thụ, thì dù sao cũng có nguồn gốc để họ truy xuất. Chính vì thế mà sản phẩm của tôi hiện chưa đủ cung cấp cho thị trường”, ông Tuấn cho hay.

Một trong những người cũng khá thành công với mô hình “khép kín – tự cung, tự cấp”, đó là “vua” lợn sạch, lợn “không tắm” Nguyễn Đại Thắng ở xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội). Tương tự ông Tuấn, ông Thắng cũng tự sản xuất lợn giống, thức ăn để có thể kiểm soát chất cấm. “Bây giờ tiêu chí của người dân không còn là “ăn no, mặc ấm” nữa, mà đã chuyển sang “ăn ngon, sạch và an toàn”. Chính vì vậy, chăn nuôi bẩn chắc chắn sẽ bị tẩy chay, nhường chỗ cho chăn nuôi sạch. Nói về chiến lược kinh doanh thì những người chăn nuôi bẩn, dùng chất cấm đang tự “giết” mình, đang đi vào ngõ cụt. Còn về lương tâm, đạo đức thì họ đang làm những việc thất đức và luật nhân quả họ sẽ phải gánh chịu. Còn tôi sẽ không bao giờ dám làm điều đó”, ông Thắng nói.

Chất cấm sẽ “giết chết” ngành chăn nuôi

Ông Đào Xuân Hải, xã Kim Long (Tam Dương, Vĩnh Phúc) cho rằng, chất cấm đã tác động không nhỏ đến ngành chăn nuôi Việt Nam.

Hầu hết các chủ trang trại chúng tôi gặp, họ đều khẳng định chất cấm là một trong những nguyên nhân đang hủy hoại ngành chăn nuôi và nếu vấn đề này không được xử lý triệt để, sớm muộn nó sẽ “giết chết” ngành chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Ba, ở xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) hiện đang nuôi hơn 100 con lợn thịt cho rằng, người vận chuyển và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phải bị xử lý hình sự, thậm chí khung hình phạt cần áp dụng tương tự khung hình phạt đối với ma túy. Bởi chất cấm sẽ mang lại lợi ích siêu lợi nhuận cho người sử dụng và hậu quả nó gây ra cũng không kém gì ma túy.

“Chất ma túy gây hủy hoại sức khỏe, nòi giống, nhân phẩm con người, thiệt hại tiền của và nguy hiểm cho xã hội. Và chất cấm cũng tương tự như vậy, nó sẽ gây bệnh tật cho người sử dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe, nòi giống, hao tổn tiền bạc của gia đình, xã hội để chữa bệnh. Hơn nữa, việc sử dụng chất cấm sẽ tạo thành hiệu ứng “vết dầu loang”, người dân tẩy chay thực phẩm và đương nhiên những người chăn nuôi chân chính như chúng tôi sẽ bị chết oan”, ông Ba chia sẻ.

Đồng quan điểm với ông Ba, ông Đào Xuân Hải, xã Kim Long (Tam Dương, Vĩnh Phúc) hiện đang nuôi tới gần 120.000 con gà đẻ trứng và gần 10.000 con gà thịt các loại cho rằng, hiệu ứng của chất cấm tác động đến ngành chăn nuôi là rất lớn. “Người tiêu dùng sợ chất cấm, sẽ quay lưng lại với các sản phẩm thông thường như thịt lợn, gà, trứng và đương nhiên, việc tiêu thụ kém sẽ khiến giá bán giảm và người chăn nuôi chân chính phải gánh chịu thua lỗ”, ông Hải cho hay.

Về vấn đề này, ông Tuấn cho rằng cần phải có sự vào cuộc của cả xã hội trong việc tẩy chay, chống lại chất cấm. Và một trong các biện pháp hiệu quả là đưa ra chế tài mạnh để phạt những người vận chuyển, sử dụng các loại chất cấm. Đồng thời có hình thức khen thưởng thỏa đáng cho những người phát hiện, báo với cơ quan nhà nước để xử lý. “Báo chí là một kênh hữu hiệu để lên án, “chỉ mặt đặt tên” những kẻ tiêu thụ, sử dụng các loại chất cấm. Và một giải thưởng lớn cho chương trình này cũng là giải pháp rất hữu hiệu trong tuyên truyền”, ông Tuấn bày tỏ.

Nam Tùng Sơn