dd/mm/yyyy

Cà phê nguy cơ lao đốc, giá tiêu chới với theo đà giảm

Giá cà phê hôm nay không giữ nổi đà tăng trong phiên chốt tuần. Dù mức giảm nhẹ nhưng cũng khiến nông dân lo ngại bởi những áp lực nguồn cung khiến giá neo mức thấp.

Giá cà phê tuần này biến động mạnh và chủ yếu giảm. Ảnh: minh họa

Cà phê khó bởi cung tăng và bán khống

Giá cà phê trong nước khép lại phiên giao dịch tuần này bằng một đợt giảm nhẹ. Trước đó, phiên tăng mạnh đã đem lại kỳ vọng thì đợt giảm này khiến tâm lý bi quan bao phủ thị trường cà phê.

Khảo sát tại Lâm Đồng, giá cà phê duy trì ở mức 35.600 đến 36.000 đồng/kg, giảm 200 đến 300 đồng/kg.

Giá cà phê tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum đồng loạt giảm khoảng 200 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 36.200 đến 36.400 đồng/kg.

Giá cà phê R1 tại TP.HCM giao dịch ở mức 38.000 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.

Giá cà phê trong nước đồng loạt giảm trong phiên chốt tuần. Nguồn: tintaynguyen

Trên sàn kỳ hạn, chốt tuần với diễn biến trái ngược Robusta London giảm 12 đến 17 USD/tấn ở các kỳ hạn thì giá Arabica New York tăng nhẹ 0.45 đến 0.50 cts/lb.

hiều người đang ngại giá kỳ hạn sàn này có thể xuống sâu hơn mức hiện nay vì thực tế giá kỳ hạn đã đóng cửa dưới mức tâm lý quan trọng 1.700 đô la vào đầu tuần.

Một số chủ doanh nghiệp trong nước đã đưa ra nhận định bên lề Hội nghị Viễn Cảnh Cà phê 2017 được tổ chức tại TPHCM từ 5-7 tháng 12 năm 2017 rằng giá kỳ hạn robusta London khó xuống 1.700 USD/tấn và giá nội địa không dễ gì về 36 triệu đồng/tấn. Thay vào đó, họ kỳ vọng giá kỳ hạn có thể quay lên lại trên 1.800 USD. Thực tế cho thấy nhận định ấy đến nay quá lạc quan.

Diến biến giá cà phê trên 2 sàn kỳ hạn phiên chốt tuần. Nguồn: TTCP

Một chuyên gia ngành hàng cho rằng, cũng không nên quá lạc quan mà phải xem chừng vì có rất nhiều yếu tố chưa ủng hộ giá cà phê kỳ hạn và nội địa tăng lúc này.

Đó là sức mua yếu đến đáng ngại của các nhà nhập khẩu. Rất có thể tồn kho của họ mua từ cả năm nay chưa bán hết đang được tồn trữ trong các kho ở trong lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, lượng tồn kho tại các cảng đến ở các vùng tiêu thụ truyền thống như Bắc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản hiện còn 1,5 triệu tấn, tương đương với 16 tuần sản xuất.

Như vậy, hàng tồn kho lớn cộng với sức ép dồn hàng càng lúc càng lớn về cuối năm khi hàng vụ mới ít ai mua, các nhà nhập khẩu chắc chắn sẽ ưu tiên cho hàng trong kho của họ đi trước, trong khi thu hái cà phê nhiều nơi đang vào kỳ cao điểm. Áp lực đáo hạn các khoản vay ngân hàng của nông dân cũng gần đến lúc phải trả.

Trên sàn kỳ hạn, các quỹ đầu cơ tài chính chưa ngớt bán khống, đã ảnh hưởng rất lớn đến giá kỳ hạn trong nửa đầu tháng 12.2017. Thêm vào đó, tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất trong những ngày tới cũng đang tạo tâm lý bất an cho người có hàng trong tay.

Tóm lại, các yếu tố là nhà nhập khẩu chưa muốn mua, các nước xuất khẩu đang muốn bán, các quỹ đầu cơ cũng đang bán khống trên sàn “hàng giấy”…đó chính là những tác động tiềm năng chưa thể làm giá cà phê đi lên.

Hồ tiêu giảm liên tục

Giá hồ tiêu trong nước tuần qua không có nhiều biến động. Tuy nhiên trong những phiên cuối tuần, giá tiêu giao động theo hướng giảm nhẹ. Nhiều nơi tiêu đã giảm 2.000 đồng/kg trong 2 ngày.

Khảo sát tại Tây Nguyên, giá tiêu quanh mức 76.000 đến 77.000 đồng/kg. Giá tiêu tại các tỉnh phía Nam liên tục giảm. Trong đó, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu giao dịch ở mức 78.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại Bình Phước giao dịch ở mức 76.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá tiêu giảm chỉ còn 74.000 đồng/kg, mất 2.000 đồng/kg, trong 2 ngày cuối tuần.

Giá hồ tiêu trong nước đang trong xu hướng giảm. Nguồn: tintaynguyen

Như vậy, đợt giảm này đã kéo giá hồ tiêu xuống ngưỡng 74.000 đồng. Hiện giá tiêu hôm nay được giao dịch trong mức 74.000 - 78.000 đồng/kg.

Cả tuần vừa qua, duy trì xu hướng ảm đảm, tăng nhẹ tại một số tỉnh, rồi lại giảm lác đác kéo dài tại các địa phương.

Tại Ấn Độ, người mua đang tránh thị trường hồ tiêu đang tăng lên trong ngày hôm qua, trong khi người bán cho biết họ chưa sẵn sàng muốn bán sản phẩm của mình với mức giá hiện tại. Kết quả là, không có sự biến động về hoạt động mua - bán trên thị trường đầu mối.

Trong khi đó, nguồn tin từ thị trường cho biết hồ tiêu Việt Nam chuyển tới Nepal đã thông qua Gorakhpur tới một số thị trường tiêu thụ. Trên thị trường tiêu thụ, giá hồ tiêu nhập khẩu dược giao dịch ở 435 rupee/kg.

Ngoài ra, giá hồ tiêu Ấn Độ xuất khẩu sang châu Âu là 7.400 USD/tấn, sang Mỹ là 7.650 USD/tấn.

Bình Nguyên