dd/mm/yyyy

Bỏ lâm tặc đi trồng rừng gỗ quý làm của để dành

Vào thăm khu rừng gỗ quý rộng 3ha của ông Đinh Hữu Sinh (50 tuổi, ở thôn Tân Tiến, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), chúng tôi có cảm giác như mình đang lạc vào một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm loại cây rừng thẳng tắp cao hàng chục mét, xanh ngút tầm mắt…

Những cây gỗ huỵnh vừa được ông Sinh trồng chưa đầy 1 năm đã phát triển rất tốt

Lâm tặc trả nợ rừng

Sở hữu một khu rừng rừng trồng toàn giống cây gỗ rừng bản địa quý như lim, huỵnh, trầm gió… ông Đinh Hữu Sinh chỉ cần thu những sản phẩm phụ dưới tán rừng cũng đã có cuộc sống sung túc.

Ông Sinh kể: Trước đây cũng như bao người dân xã Cao Quảng khác, ông vốn là một “lâm tặc”. Thời đó, cuộc sống của gia đình dựa cả vào việc khai thác lâm sản trái phép của ông.

“Nhiều đêm đi rừng về rất mệt nhưng tôi vẫn không tài nào ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh những cây rừng bị đốn hạ, những khu rừng vốn ken dày gỗ bị tàn phá đến hoang tàn cứ hiện về làm tôi cứ dằn vặt mãi. Cuối cùng tôi quyết định từ giã nghề “lâm tặc”, ông Sinh tâm sự.

Ông Sinh trong khu rừng với nhiều loài cây gỗ quý của mình.

Theo lời ông Sinh: Năm 1992, Nhà nước kêu gọi người dân phủ xanh đất trống đồi trọc, ông được giao 3ha đất rừng. Nhưng khác với mọi người ở thời điểm đó đều trồng rừng bằng các giống keo, tràm, ông Sinh quyết định đi kiếm các giống cây rừng bản địa về trồng. Và để có khu rừng toàn cây gỗ bản địa như hôm nay, ông đã mất gần 20 năm trồng và chăm sóc. “Ngoài lợi ích kinh tế, tôi còn muốn giữ lại cho muôn đời sau một cánh rừng tự nhiên như vốn có, dù đó chỉ là một khu rừng rất nhỏ…”, ông Sinh chia sẻ.

 “Việc trồng và chăm sóc tốt những loại cây dược liệu, cây dứa dưới tán rừng đã tạo nguồn thu, giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống để theo đuổi việc trồng rừng cây gỗ bản địa. Bởi với việc trồng rừng cây gỗ bản địa phải mất nhiều thời gian, có khi cả đời người mới có thu hoạch, chứ không phải như trồng keo, tràm, chỉ 5 năm là có thu rồi…”, ông Sinh chia sẻ.

Hiện trong khu rừng của ông có nhiều cây gỗ như lim, huỵnh… mà nếu cưa lấy gỗ bán cũng đã thu được từ 30 đến 50 triệu đồng/cây. Nhiều người chơi cây cảnh cổ thụ muốn mua những cây lội, cây sưa với giá hàng chục triệu mỗi cây nhưng ông Sinh không bán. Bởi ông tâm niệm, “Đó là vốn liếng mà tui muốn để dành cho con cháu mai sau!”.

Sống khỏe nhờ thu sản phẩm phụ

Tuy không bán gỗ rừng, nhưng nhiều năm qua gia đình ông Sinh có cuộc sống sung túc từ việc thu sản phẩm phụ của khu rừng này. Dưới tán rừng, ông đưa giống cây dứa (thơm) vào trồng - loại cây mà theo ông Sinh trồng dưới tán rừng rất phù hợp, vừa giữ đất khỏi bị xói lở, tránh cây dại, bình quân đưa về cho gia đình ông nguồn thu hơn 10 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, để giữ đất và đỡ mất công phát cỏ, cây dại, ông Sinh còn vào rừng đào những cây dược liệu như: Giảo cổ lam, hà thủ ô, thổ phục linh, bổ cốt toái, cây lá vằng; các loại cây có thể sử dụng làm rau như: Lá trơng, lá bứa, rau tớn… về trồng và chăm sóc. Sản phẩm được các thương lái tìm vào đến nhà mua với số lượng không hạn chế.

Trồng dứa và dược liệu dưới tán rừng đã giúp ông Sinh có thêm nguồn thu nhập

Ngoài việc trồng rừng gỗ quý, tận dụng đất rừng, ông Sinh còn chăn nuôi thêm bò, gà thả vườn và trồng nhiều loại cây ăn quả như cam, mít… làm nấm lim, mật ong rừng, đặc biệt là hàng chục cây dẻ cổ thụ mỗi mùa cho thu hàng triệu đồng từ việc nhặt hạt...

Phan Phương