dd/mm/yyyy

Bắc Kạn: Trồng sả chỉ để lấy tinh dầu, cô gái Nùng giúp cả làng có thu nhập

Từng là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, thế nhưng cô gái trẻ người dân tộc Nùng Vi Thùy Dương - Giám đốc HTX Hương Ngàn (ở xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) luôn trăn trở về một hệ sinh thái xanh với ước mong đem lại giá trị cho cộng đồng.

HTX Hương Ngàn với các thành viên là chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số do Vi Thùy Dương làm Giám đốc hiện đang sản xuất, kinh doanh tinh dầu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Sản xuất khép kín, thân thiện môi trường

Tôi gặp chị Vi Thùy Dương tại lễ tôn vinh Nhà khoa học của nhà nông khi chị là 1 trong số 14 nhà khoa học không chuyên - những nông dân có sáng chế, sáng kiến được ghi nhận và được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. 

Chị kể: Là con nhà nòi theo ngành giáo dục, mẹ là hiệu trưởng của trường mầm non, còn bản thân Dương là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, thế nhưng Dương luôn trăn trở về một hệ sinh thái xanh, thôi thúc chị phải thay đổi.

Cô gái Nùng giúp cả làng có thu nhập - Ảnh 1.

Chị Vi Thùy Dương mang các sản phẩm tinh dầu đến giới thiệu tại các hội chợ ở Hà Nội. Ảnh: NVCC

Chị Dương phấn khởi cho biết: Để mở rộng sản xuất, mới đây HTX Hương Ngàn đã đầu tư hệ thống chưng cất tinh dầu quýt với công suất 2 tấn/ngày, đồng thời mở rộng thêm nhà xưởng để đảm bảo cho việc vận hành đạt hiệu quả. Với công suất như vậy, hiện tại HTX đã có đơn vị ký kết hợp đồng bao tiêu là Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Công ty TNHH Hữu Nghị Lạng Sơn, Công ty TNHH Thịnh Phát - Tam Đảo...

Trong một lần đi tham quan tại tỉnh Hòa Bình, Dương thấy cây sả được người dân chú trọng trồng và chế biến thành tinh dầu mang lại lợi nhuận cao. 

Nhận thấy quê hương Nguyên Phúc cũng có những điều kiện tự nhiên và nguồn lao động phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu sả, chị nuôi ý tưởng chế biến tinh dầu từ cây sả. Sau rất nhiều trăn trở, đắn đo, chị quyết định thôi nghề giáo để theo hướng này.

Năm 2018, chị Dương thành lập HTX Hương Ngàn với các thành viên là chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số để sản xuất và kinh doanh tinh dầu. Chị cùng các thành viên trồng sả và học chưng cất tinh dầu. Khi đã thành thục, chị cùng các thành viên HTX góp vốn đầu tư nhà xưởng, mua dây chuyền chưng cất, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chia sẻ về ý nghĩa cái tên HTX Hương Ngàn, chị Dương cho biết: "Hương Ngàn là hương của núi rừng. Khi mọi người đang lạm dụng các hương liệu công nghiệp, chế biến cho nhanh gọn, tiện lợi… thì chúng tôi lại quay về với núi rừng, với cả kho dược liệu quý giá, an lành. Bước chậm một chút, cảm nhận sâu một chút, yêu thương nhiều hơn, chúng tôi thấy như được cây cỏ, núi rừng ôm ấp, che chở. Chúng tôi muốn bảo tồn giá trị các tài sản thiên nhiên đó".

Chị Dương cho biết, ban đầu khi vận động bà con trồng sả, chẳng ai tin sẽ có lợi nhuận nên chị trồng trước tại vườn nhà mình vài trăm m2.

Cô gái Nùng giúp cả làng có thu nhập - Ảnh 3.

Chị Vi Thuỳ Dương vinh dự là 1 trong 68 “Nhà Khoa học của nông dân” được trao Bằng khen và Kỷ niệm chương của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Thu Hà

Sau 3 tháng đầu tiên thu lứa lá thứ nhất, 3 tháng tiếp theo thu lứa lá thứ 2 và sau đó 45 ngày thu một lần lá, một năm thu 7 lứa lá. Từ lá này đem chưng cất ra được tinh dầu. Sau khi đã nấu hết tinh dầu thì lá sả được đưa ra phân loại. Phần lá dài được chị Dương sấy khô, đan thành đồ thủ công mỹ nghệ; phần bã nát thì ủ làm phân. 

"Cả quá trình sản xuất khép kín, không đưa một chút rác thải nào ra môi trường. Tinh dầu sả là sản phẩm tự nhiên có lợi cho sức khỏe, tiện dụng cho người sử dụng, có thể dùng để xông mặt, nhỏ tinh dầu vào máy xông, dùng tắm, đuổi muỗi, khử mùi" - chị Dương tự tin nói.

Hiện nay, HTX Hương Ngàn có 10 thành viên. Diện tích sả của HTX trồng và liên kết với bà con lên đến gần 10ha.

Vinh danh Nhà khoa học của nhà nông

Ngoài 10ha sả, 2ha gừng, nghệ, 3ha quýt của các thành viên, HTX Hương Ngàn còn thu mua quả quýt bi (loại quýt nhỏ, khó bán) để làm tinh dầu.

Với đề tài chế biến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt bản địa với tinh dầu quýt là sản phẩm OCOP 3 sao, chị Vi Thùy Dương đã được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh "Nhà Khoa học của nhà nông" năm 2020. Chia sẻ về ý tưởng làm tinh dầu quýt, chị Dương bộc bạch: Do diện tích ngày càng tăng nên người trồng quýt ở địa phương thường hay rơi vào cảnh được mùa mất giá.

Đầu ra khó khăn lại có ít cơ sở sản xuất quýt là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân có sản phẩm nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương. Hơn nữa, tư thương cũng chỉ mua quýt đẹp, quả to, còn quýt bi, quýt bé nông dân không bán được hoặc có bán được thì rất rẻ. 

Từ những thực tế trên, HTX nghiên cứu thị trường, vùng nguyên liệu trước khi thành lập cơ sở chế biến. Với công nghệ chiết xuất hiện đại, HTX đang tập trung thu mua và chế biến tinh dầu quýt, giúp cho người trồng quýt có thêm thu nhập.

Giám đốc HTX Hương Ngàn cho biết: "Hiện bình quân mỗi ngày HTX thu mua gần 3 tấn quả quýt. Chúng tôi không quá khắt khe về tiêu chuẩn, chỉ cần quả không bị thối, hỏng là được thu mua theo giá thị trường, từ 3.000 - 5.000 đồng/kg". Chị Dương đã tìm hiểu, học hỏi cách để quả quýt không phải bỏ đi bất cứ thứ gì. Vỏ quýt chiết xuất thành tinh dầu, ruột quýt thì để làm rượu quýt, như vậy lợi nhuận từ quýt sẽ cao hơn.

Theo tính toán của chị Dương, 1 tấn quýt chiết được khoảng 5kg tinh dầu, thu về 10 triệu đồng, chưa kể các sản phẩm đi kèm như rượu quýt, quýt sấy. Trong khi đó, nếu bán tươi, quả quýt loại nhỏ này chỉ được khoảng 5 triệu đồng/tấn. Chưa kể lúc quýt nhiều, ít người mua, quýt hư thối là chuyện thường.

Nhằm mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, HTX Hương Ngàn thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ kết nối và các chương trình khởi nghiệp trên toàn quốc. Để thuận tiện cho người sử dụng, HTX đóng sản phẩm thành dạng lọ 10ml, 15ml, 50ml… và dạng treo xe ôtô. Sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, mã vạch công bố tiêu chuẩn và đã được tỉnh Bắc Kạn đánh giá đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP. 

Thu Hà