dd/mm/yyyy

Ba điều ước của nông dân

Là người gắn bó với Báo Nông thôn ngày nay từ những ngày đầu Báo tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho nông dân, bên ấm trà trong những ngày cận Tết, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội đã trải lòng với phóng viên Trang trại Việt về những trăn trở trong chính sách hỗ trợ nông dân. Ông nói, để nông dân, chủ trang trại có thể vươn lên làm giàu, Nhà nước hãy cho họ 3 điều ước.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Ba điều ước đó là gì, thưa Luật sư?
Thứ nhất: Cởi trói chính sách tín dụng.
Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho nông dân trong việc đầu tư, phát triển sản xuất, ngày 09.6.2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, với những cơ chế cho vay khá thông thoáng, mức cho vay cũng tăng lên, lãi suất ưu đãi hơn… Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc khi thực hiện. Cụ thể:
Khoản 2, Điều 9 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP quy định: Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức được quy định tại các điểm a, b,c, d, đ, e, g, h (Khoản 2, điều này) như: tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh; tối đa 1 tỷ đồng đối với chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 2 tỷ đồng đối với các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản... Tuy nhiên Khoản 3, Điều này lại quy định: Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm theo quy định trên phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay Giấy CNQSDĐ hoặc giấy xác nhận chưa được cấp Giấy CNQSDĐ và đất không có tranh chấp do UBND cấp xã xác nhận.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (Ảnh TL)

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tương tự như thế: Dù quy định là được cho vay không có tài sản bảo đảm, nhưng tại điểm d, Khoản 2, Điều 6 Quyết định số 515/QĐ-HĐTV- HSX của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại quy định những đối tượng này phải “cam kết chuyển toàn bộ doanh thu từ dự án, phương án vào tài khoản mở tại Agribank nơi cho vay”.
Như vậy về bản chất, để được vay vốn theo quy định tại Nghị định này, nông dân, doanh nghiệp, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải có tài sản đảm bảo. Trong khi rất nhiều nông dân đi thuê đất để làm trang trại thì họ lấy đâu ra Giấy CNQSDĐ để nộp cho Ngân hàng? Vả lại ngoài nguồn vốn vay của Ngân hàng theo quy định tại Nghị định này thì nông dân, chủ trang trại còn phải dùng Giấy CNQSDĐ để thực hiện các giao dịch khác, nay Giấy CNQSDĐ đã nộp cho ngân hàng rồi thì coi như ngân hàng đã nắm đất đó. Đất không có Giấy CNQSDĐ thì làm sao có thể lấy mảnh đất đó làm tài sản bảo đảm để thực hiện các giao dịch khác? Rõ ràng đây là điều bất cập khiến nông dân, chủ trang trại khó tiếp cận nguồn vốn. Để giải quyết bài toán này, theo tôi nên thành lập các quỹ bảo lãnh trong nông nghiệp. Các quỹ này sẽ làm nhiệm vụ bảo lãnh cho các khoản vay của nông nghiệp, nông dân nói chung và chủ trang trại nói riêng.
Thứ hai: Sửa chính sách hạn điền
Nút thắt nằm ở hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật Đất đai. Theo quy định này thì hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân chỉ từ 2 – 3ha. Quy định như thế khiến nhiều chủ trang trại muốn sản xuất lớn phải bó tay. Một trang trại sản xuất cây ngắn ngày mà giới hạn chỉ được 2 đến 3ha đất thì làm sao có thể tạo ra sản phẩm hàng hóa? Làm sao có thể áp dụng được công nghệ cao vào sản xuất? Chính vì thế không ít người đã tích tụ ruộng đất để sản xuất nhưng phải lòng vòng nhờ người đứng tên.
Nhưng có ý kiến cho rằng nếu mở rộng mức hạn điền sẽ tạo nên một lớp “địa chủ mới”, nông dân mất đất thành người làm thuê. Ý kiến của Luật sư về vấn đề này thế nào?

Nếu người nông dân được tích tụ ruộng đất quy mô lớn thì sẽ phát huy được hiệu quả sử dụng đất. (Trong ảnh: Sản xuất rau công nghệ cao ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp – Ảnh TL)

Thực tế hiện nay không ít nông dân bỏ ruộng. Trong khi đó, người có kinh nghiệm sản xuất, có vốn rất cần đất để sản xuất lại bị ràng buộc bởi chính sách hạn điền. Nếu họ được tích tụ ruộng đất quy mô lớn thì sẽ phát huy được hiệu quả sử dụng đất. Không sợ tích tụ nhiều ruộng đất sẽ hình thành “địa chủ”. Bởi Nhà nước có thể kiểm soát điều này bằng các công cụ pháp lý. Nông dân có thể góp cổ phần của mình bằng đất để hưởng lợi tức hoặc họ sẽ trở thành công nhân nông nghiệp, lúc đó thu nhập sẽ ổn định mà việc khai thác đất đai lại có hiệu quả hơn. Hơn nữa Luật Đất đai vẫn khẳng định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Vậy thì lo gì. Hai bên đều có lợi. Chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chia sẻ trên Quốc hội rằng, ở đâu mà nông dân tích tụ vài ba chục ha đất thì đều có thể sản xuất hàng hóa xuất khẩu được. Ở Hưng Yên có người tích tụ 120ha đất đã sản xuất lúa, xuất khẩu gạo sang Nhật Bản, áp dụng công nghệ cao từ gieo giống lúa, cấy, gặt… Một nông dân khác tích tụ 120ha đất đã sản xuất chuối bán sang Nhật.
Còn điều ước thứ ba?
Khai thông bế tắc cho nông sản sạch
Nhu cầu đối với thực phẩm sạch rất lớn, và việc sản xuất thực phẩm sạch được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng vì sao người sản xuất không mặn mà và người tiêu dùng mất lòng tin?
Việc sản xuất nông sản sạch hiện nay phổ biến thực hiện theo Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP do Bộ NN&PTNT triển khai. Tuy nhiên để thực hiện quy trình này, người sản xuất phải thực hiện quá nhiều tiêu chí, có những tiêu chí đòi hỏi phải có sự trợ giúp của chuyên gia; chi phí cho sản xuất khá tốn kém, trong khi đó sản phẩm làm ra thiếu kênh phân phối, giá cả có khi không chênh với sản phẩm thông thường; bên cạnh đó còn phải đối mặt với sự gian lận.
Đơn cử như để sản xuất rau quả an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGap thì người sản xuất phải thực hiện tới 93 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí mà nông dân rất khó thực hiện, ấy là chưa kể đến việc bố trí thiết bị nhà xưởng, vệ sinh phòng dịch, ghi chép lữu trữ hàng loạt hồ sơ sổ sách … Ví dụ, quy trình quy định: “Nếu phát hiện dư lượng hóa chất trong rau quả vượt quá mức tối đa cho phép phải dừng ngay việc thu hoạch, mua bán sản phẩm, xác định nguyên nhân ô nhiễm ….”. Để phát hiện được dư lượng hóa chất vượt ngưỡng tối đa cho phép và đó là hóa chất nào thì nông dân không thể tự mình làm được, mà chỉ có thể được thực hiện bởi chuyên gia tại phòng thí nghiệm. Vậy mà lại yêu cầu nông dân “phát hiện” đó là điều quá khó. Do đó theo tôi cần phải đơn giản hóa quy trình sản xuất; những vấn đề mang tính “hàn lâm” phải được giải mã dễ hiểu nhất thì nông dân mới có thể thực hiện được.

Hiện nay chúng ta chưa có hành lang pháp lý cho liên kết sản xuất theo chuỗi. Do đó cần xây dựng hành lang pháp lý và sử dụng công cụ pháp lý đó để làm phương tiện đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi, từ cung ứng nguyên liệu đầu vào - nuôi, trồng - tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước phải “cầm trịch” để kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Phải hoàn chỉnh hệ thống pháp lý từ việc giám sát quá trình sản xuất, cấp Giấy chứng nhận VietGap và tiêu thụ sản phẩm; có chế tài xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc cấp Giấy chứng nhận VietGAP, người gian lận thương mại đánh tráo sản phẩm sạch. Mọi hoạt động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cần được công khai, minh bạch, bên cạnh đó xây dựng hệ thống phân phối trên phạm vi rộng. Có như vậy người tiêu dùng mới có lòng tin; sản phẩm sạch mới rộng cửa vào thị trường, vươn ra xuất khẩu, giúp nông dân có thu nhập cao hơn.
Ba điều ước ấy của nông dân thành hiện thực hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết sách của Đảng, Nhà nước. Trước thềm năm mới, mong muốn lớn nhất của tôi là ba điều ước của nông dân trở thành hiện thực sinh động trên mỗi cánh đồng.
Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên