dd/mm/yyyy

Anh nông dân thuê 26ha ruộng trồng lúa, mỗi năm bỏ túi 1 tỉ đồng

Ở nhiều địa phương, nông dân trồng lúa để giữ ruộng, chẳng mấy ai tính được chuyện lời lãi. Nhưng với anh Cao Văn Lâm (40 tuổi) ở xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện (Hải Dương) lại tập nhìn ra cơ hội, anh thuê gần 26ha ruộng, đầu tư cơ giới hóa và thu lợi nhuận hàng tỉ đồng.


Vừa giao cây 26ha ruộng, anh Lâm còn nhận khoán của người dân gieo mạ khay và cấy máy thuê 250.000 đồng/sào

Tính đến năm nay, anh Lâm đã 5 năm gắn với nghiệp trồng lúa. Từ những thửa ruộng ban đầu, tới nay anh đã có trong tay gần 26ha ruộng.

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, anh Lâm vui vẻ nói: “Ai cũng bảo làm nông, nhất là trồng lúa thì chỉ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vất vả mà thu nhập lại thấp. Tôi thì lại suy nghĩ khác. Nếu biết sử dụng đất hợp lý, làm nông nghiệp cũng ra tiền đấy chứ”.


 Công nhân sẽ lót các tấm ván và dùng xe rùa vận chuyển các khay mạ lên trên bờ.

Năm 2013, thấy bà con bỏ ruộng nhiều, anh Lâm bèn thuê ruộng trồng lúa đến nay. Theo anh Lâm, người trồng lúa đang hòa hoặc lỗ vì phụ thuộc quá nhiều vào công lao động chân tay nên muốn hiệu quả nhất định phải áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.


 Khung xếp mạ khay khá gọn gàng, xếp được nhiều khay mạ mà đảm bảo không bị hỏng, hay đổ vỡ, dập, nát.

Đến nay, anh Lâm từng bước đầu tư 2 máy làm đất, 3 máy cấy, máy phun thuốc, 1 máy gặt đập liên hoàn. Vụ chiêm xuân này, anh Lâm cấy 60 mẫu giống lúa Bắc thơm số 7 và 10 mẫu lúa nếp. Đáng nói, nhờ có máy cấy, không chỉ chủ động cấy đúng thời vụ cho diện tích lúa của nhà, anh Lâm còn tranh thủ đi cấy thuê được cho bà con.


Sau khi vận chuyển mạ khay lên bờ, công nhân thoăn thoắt đặt mạ khay vào khung cố định.

Trước đây, riêng tiền công cấy thủ công 200.000 đồng/sào, bà con thuê người còn khó nhưng tôi cấy máy thuê chỉ lấy 120.000 đồng/sào và 130.000 đồng/sào tiền mạ khay mà đảm bảo cây mạ sinh trưởng tốt. Nhờ cấy thuê và gặt thuê, mỗi năm gia đình tôi có khoản lãi hơn 400 triệu đồng.
Anh Cao Văn Lâm.

Anh Lâm bảo: “Lúc đầu, tôi tiến hành cấy máy, cả dân làng đổ ra xem phần vì tò mò. Thấy cấy máy mật độ cây lúa rất thưa (hàng cách hàng 30 cm, cây cách cây 12 cm, trong khi đó bà con hay cấy dày hơn) đã có không ít lời bàn tán, chê bai. Vụ đó bà con cấy dày hỏng ăn, còn mình tôi cấy máy, cấy thưa thóc chất đầy kho”.

Trải nghiệm thực tế thấy cấy máy bằng mạ khay giúp cây lúa khỏe, cứng ít bị đổ, tiết kiệm được hạt giống nên đến những vụ sau bà con kéo đến nhà anh nườm nượp xin cấy máy.

Trao đổi về hiệu quả việc tích tụ ruộng đất, làm đại điền, anh Lâm cho biết: “Đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất sẽ tiết kiệm được 10% tiền thuê chi phí nhân công; diện tích ruộng rộng lớn, giá trị sản phẩm hàng hóa làm ra sẽ cao hơn 3% so với diện tích manh mún, nhỏ lẻ. Ngoài ra tùy theo khả năng tính toán của mỗi người sẽ cho thu lãi thêm từ 5 – 10% nữa”.


Sau khi xếp kín các khung mạ khay, anh Lâm dùng xe chuyên dụng chở thẳng ra ruộng cấy.

Tùy theo thời tiết, mỗi sào lúa BắcThơm cho năng suất từ 1,7 – 2 tạ/sào. Nói chung, mỗi sào lúa, trừ hết chi phí tôi cũng còn thu lãi được từ 500.000 – 1 triệu đồng/sào. Với việc cấy 70 mẫu lúa và đi cấy thuê, gặt thuê, trừ hết chi phí tôi thu lãi cả tỷ đồng/năm. Anh Cao Văn Lâm.

Theo anh Lâm, khác với giá lợn, giá gà, vịt liên tục biến động và lên xuống thất thường thì giá thóc những năm gần đây khá ổn định, thị trường tiêu thụ dễ dàng. Vào vụ thu hoạch, anh Lâm có 2 cách bán thóc là: Bán tươi tại ruộng hoặc phơi qua 1 nắng rồi bán. Tuy nhiên, anh Lâm cho biết, tập trung được diện tích trồng lúa lớn, nhưng anh vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, kênh tiêu thụ chính vẫn là các thương lái, giá trị hàng hóa vẫn còn thấp so với công sức bỏ ra.

“Tôi đang ấp ủ ý tưởng xây dựng thương hiệu lúa hữu cơ. Vụ chiêm này, tôi đã thử nghiệm 2 mẫu lúa Bắc thơm số 7 không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thấy kết quả khá khả quan. Tiến tới, vụ mùa tới đây tôi sẽ thử nghiệm tiếp 7 mẫu lúa không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cả phân bón hóa học, tiến tới trồng lúa hữu cơ. Sở dĩ, tôi quyết định trồng lúa hữu cơ là bởi, trong quá trình trồng lúa tôi thấy nếu áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và nắm chắc kỹ thuật canh tác thì đã có thể hạn chế sâu bệnh gây hại trên lúa đến trên 70%”, anh Lâm tự tin cho biết.

Đức Thịnh