dd/mm/yyyy

An Giang phát triển những vùng cây ăn trái bền vững

So về giá trị sản xuất trên cùng diện tích, cây ăn trái cho hiệu quả vượt trội so những loại cây trồng khác. Vấn đề cần quan tâm là xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, được cấp mã số vùng trồng; liên kết với doanh nghiệp (DN) liên kết vùng nguyên liệu, thành lập hợp tác xã, hợp đồng tiêu thụ...
An Giang phát triển những vùng cây ăn trái bền vững - Ảnh 1.

An Giang phát triển những vùng cây ăn trái bền vững - Ảnh 2.

Chuyên nghiệp hóa vùng trồng

Theo Cục Thống kê An Giang, năm 2021, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt 18.800ha, gồm các cây trồng chủ lực: Xoài 12.433ha, chuối 787ha, nhãn 492ha, mít 1.663ha, cây có múi 1.529ha (bưởi 494ha, cam 287ha, quýt 170ha, chanh 559ha)…

Đối với cây xoài, có 9.947ha trong tổng diện tích 12.433ha đang cho trái. Trong đó, xoài tượng da xanh tại huyện Chợ Mới 5.370ha, ước sản lượng 48.330 tấn; xoài cát Hòa Lộc có 1.000/2.000ha cho trái, sản lượng 16.000 tấn (huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu); xoài keo có 450/900ha, sản lượng 7.200 tấn (huyện An Phú, TX. Tân Châu), còn lại rải rác các huyện Châu Phú, Châu Thành, TP. Châu Đốc…

Ngoài vụ thuận (từ tháng 1-4) và vụ nghịch (tháng 10-12), nông dân An Giang đã biết cách điều khiển cây xoài cho trái rải rác ở các tháng còn lại nhằm tiêu thụ sản phẩm có giá hơn, nhưng sản lượng không nhiều. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang cho biết, ước sản lượng xoài toàn tỉnh khoảng 180.000 tấn/năm (vụ thuận chiếm 70-80% sản lượng, vụ nghịch chiếm 20-30%).

Đối với cây chuối, có 686ha trong diện tích 787ha đang cho sản phẩm. Huyện Tri Tôn có diện tích trồng nhiều nhất với 509ha, bao gồm: 228ha chuối cấy mô ở xã Tân Tuyến (43ha của Xanh Việt), xã Vĩnh Phước (130ha của Vĩnh Phát), xã Vĩnh Gia (55ha của SD) đang cho thu hoạch rải rác quanh năm, ước sản lượng khoảng 19 tấn/ha/năm, riêng tháng 3-2022 sẽ cho thu hoạch khoảng 990 tấn. Diện tích chuối cấy mô có hợp đồng tiêu thụ với các DN xuất khẩu trái cây tại TP. Hồ Chí Minh.

Đối với cây nhãn, trong tổng diện tích 492ha toàn tỉnh, diện tích cho trái là 244ha, năng suất 8,5 tấn/ha, tập trung nhiều tại các huyện Châu Phú (174ha), Chợ Mới (56ha), Tịnh Biên (47ha), Thoại Sơn (25ha), cho thu hoạch rộ từ tháng 6-9 hàng năm. Nhãn là nhóm cây tiềm năng của tỉnh với diện tích tăng dần qua các năm.

Tại vùng chuyên canh nhãn huyện Châu Phú, nông dân và hợp tác xã được tập huấn, cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và tem truy xuất nguồn gốc, đang chuẩn bị các bước tiếp theo để cấp mã số vùng trồng, chuẩn bị nguyên liệu cho xuất khẩu.

An Giang phát triển những vùng cây ăn trái bền vững - Ảnh 3.

An Giang phát triển những vùng cây ăn trái bền vững - Ảnh 4.

Đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng

Chi cục TT&BVTV An Giang cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã cấp được hơn 200 mã số (code), trong đó 180 mã số vùng trồng trên cây trồng (139 mã số xoài, 7 mã số chuối, 4 mã số mít, 30 mã số lúa) và 21 mã số cho các cơ sở đóng gói.

Đối với xoài, diện tích được cấp mã số vùng trồng đạt hơn 6.734ha, chiếm 37% tổng diện tích cây ăn trái. Trong đó, mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường khó tính là 104 mã số, diện tích hơn 1.973ha (66 mã số do DN đứng đại diện; 38 mã số do hợp tác xã, tổ hợp tác đứng đại diện); 30 mã số vùng trồng đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, diện tích 4.558ha; 2 mã số vùng trồng đăng ký xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU), diện tích 21,8ha (Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit đăng ký trên xoài keo tại huyện An Phú) và 1 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Chi cục TT&BVTV An Giang đang tiếp tục hoàn thành hồ sơ tái chứng nhận 11 mã số vùng trồng xoài ở huyện Chợ Mới, An Phú và TP. Châu Đốc.

Cùng với cây xoài, đã có 7 mã số vùng trồng cho chuối với diện tích 446ha (chủ yếu huyện Tri Tôn), 4 mã số vùng trồng cho mít với diện tích 86ha (TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu và huyện Chợ Mới). Bên cạnh đó, diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hơn 793ha; bưởi da xanh 5ha; chuối già Nam Mỹ 40ha.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2022, sẽ có thêm 717ha xoài cho thu hoạch mới so với năm 2021, ước sản lượng tăng thêm 13.000 tấn; hơn 1.000ha cây ăn trái các loại khác cũng cho thu hoạch. Tổng sản lượng cây ăn trái các loại năm 2022 khoảng 230.845 tấn (xoài 178.000 tấn, chuối 14.000 tấn, mít  6.390 tấn, cam, quýt 5.920 tấn, bưởi 2.875 tấn…), trong đó tổng sản lượng liên kết, tiêu thụ ước khoảng 140.000 tấn (chiếm 78,65%). Có 25.500 tấn được gắn kết tiêu thụ với 14 công ty (Lefarm, Nafoods Group, Antesco, Chánh Thu, Hoàng Phát Fruit, Kim Nhung Đồng Tháp, Cát Tường, Hoàng Phan, Hùng Phát, Ánh Dương Sao, Navi Food, Lavifood, Phước Phúc Vinh, Vina T&T). Sản lượng còn lại (114.500 tấn) được tiêu thụ thông qua các vựa xoài, thương lái và siêu thị (Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Vinmart, Mega Market Long Xuyên…).

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt của tỉnh, giúp cho sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, thuận lợi trong việc liên kết tiêu thụ. Năm 2022, sẽ có 860 mã số được cấp cho các cây trồng chủ lực, như: Lúa, xoài, cây có múi, nhãn, mít, sầu riêng và rau màu các loại (lúa cấp 543 mã số, diện tích 38.010ha; rau màu cấp 185 mã số, diện tích 925ha; cây ăn trái cấp 131 mã số, diện tích 2.620ha).

Giai đoạn 2022-2025, tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch cấp 3.314 mã số vùng trồng (lúa 2.379 mã, rau màu 509 mã, cây ăn trái 426 mã); thực hiện việc khảo sát, đánh giá với diện tích trên lúa 166.502ha, rau màu 2.543ha, cây ăn trái 8.524ha.

Ngô Chuẩn