dd/mm/yyyy

Phương án tối ưu hồi sinh sông Tô Lịch

Thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã triển khai thí điểm hàng loạt biện pháp nhằm cải thiện môi trường hệ thống sông, hồ trên địa bàn nói chung và sông Tô Lịch nói riêng. Theo nhiều chuyên gia, xét một cách tổng thể, những biện pháp đã thực hiện chưa đủ sức “hồi sinh” dòng sông này.
Phương án tối ưu hồi sinh sông Tô Lịch - Ảnh 1.

Mới xử lý phần ngọn

Như đã nói, với nỗ lực “hồi sinh” sông Tô Lịch, hàng loạt biện pháp như chế phẩm Redoxy 3C, công nghệ Nano Bioreactor, dẫn nước sông Hồng bổ cập cho Hồ Tây, từ đó cải thiện môi trường nước sông Tô Lịch đã được các lực lượng chức năng TP nghiên cứu, triển khai thí điểm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, những biện pháp trên mới chỉ đáp ứng được 1, 2 điều kiện tối thiểu trong hàng loạt các điều kiện cần và đủ để hồi sinh sông Tô Lịch.

Phương án tối ưu hồi sinh sông Tô Lịch - Ảnh 2.

Sông Tô Lịch. Ảnh: Công Hùng

Muốn cải tạo sông Tô Lịch, các đơn vị có liên quan buộc phải trả lời, đáp ứng được những điều kiện như sau: Thứ nhất, ngăn được nguồn nước thải không đổ trực tiếp vào sông; thứ hai, phải đảm bảo mực nước tối thiểu để duy trì hệ sinh thái trong sông nhằm tạo cảnh quan cũng như nhu cầu tự làm sạch; thứ ba, phải tạo ra được dòng chảy cho sông Tô Lịch, bởi đã là sông phải có dòng chảy... Đó là chưa kể đến việc phải tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường sông Tô Lịch. Nếu đối chiếu theo những yêu cầu bắt buộc thì rõ ràng không có một biện pháp nào đã được thực hiện thí điểm đủ sức để “hồi sinh” sông Tô Lịch, mà phải cùng thực hiện đồng bộ.

Theo các chuyên gia, biện pháp cải thiện môi trường bằng chế phẩm hay công nghệ (Redoxy 3C, Nano – Bioreactor) suy cho cùng chỉ là những biện pháp cắt ngọn. Bởi, để thực hiện biện pháp này, các chuyên gia sẽ đưa một lượng chế phẩm, máy móc xuống lòng sông để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, do sông Tô Lịch thường xuyên có lượng nước bổ cập nên biện pháp này không phù hợp, việc bổ sung chế phẩm, máy móc, vừa tốn kinh phí nhưng hiệu quả chẳng khác gì chuyện “Dã Tràng xe cát biển Đông”.

Tương tự, đối với đề xuất dẫn nước sông Hồng bổ cập nước Hồ Tây từ đó cải thiện nước sông Tô Lịch. Biện pháp này đã giải được một số bài toán “hồi sinh” sông Tô Lịch như tạo được dòng chảy, pha loãng được mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên, do chưa tách, ngăn chặn được nước thải chưa qua xử lý chảy xuống sông nên cũng chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch.

Thời cơ và thách thức

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù vẫn còn những thiếu sót, bất cập, nhưng biện pháp dẫn nước sông Hồng bổ cập nước Hồ Tây từ đó cải thiện nước sông Tô Lịch là giải pháp hợp lý nhất tại thời điểm này, đặc biệt là trong tương lai khi dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành và đi vào hoạt động.

Ông Lê Minh Châu - nguyên Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng, không chỉ môi trường Hồ Tây, sông Tô Lịch được cải thiện, nếu được triển khai thực tế, nó còn góp phần quan trọng khơi dậy những hình ảnh, giá trị trong lịch sử. Cụ thể, sau khi cải tạo được Hồ Tây, sông Tô Lịch, chúng ta có thể xem xét kết nối với hồ Thủ Lệ, hồ Yên Duyên, Yên Sở. Thậm chí, nếu kè thẳng bờ, đáy sông Tô Lịch, mở rộng mặt cắt sông, cải tạo các cầu trên sông thành cầu vòng… sẽ tạo thành một tuyến giao thông đường thủy xuyên qua TP.

Nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội Phạm Văn Cương thông tin thêm, TP dự kiến xây dựng đài phun nước cao 200m, xây dựng các công trình văn hóa khu vực Quảng An, trồng thêm cây xanh, trang trí ánh sáng quanh Hồ Tây… để tạo không gian vui chơi cho người dân Thủ đô.

Song, những dự án trên sẽ không thể phát huy được hiệu quả khi mực nước Hồ Tây xuống thấp vào mùa khô. Do đó, đề xuất dẫn nước từ sông Hồng vào bổ cập cho Hồ Tây, từ đó nâng cao chất lượng nước sông Tô Lịch cần được nghiên cứu và thực hiện càng sớm càng tốt để Thủ đô ngày càng xanh tươi, sạch và đẹp hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, GS. TS Dương Thanh Lượng - trường Đại học Thủy lợi, trong những năm gần đây, lượng phù sa ở sông Hồng ngày càng suy giảm. Điều này gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng nó thuận lợi cho việc bổ cập nước vào hồ Tây, làm sạch sông Tô Lịch khi quy trình xử lý bùn lấy nước đỡ phức tạp, tốn kém.

Nhiều chuyên gia khẳng định, trong bối cảnh hiện nay sẽ không có biện pháp nào đủ mạnh để xử lý được tình trạng ô nhiễm tại sông Tô Lịch. Theo lý giải của các chuyên gia, hiện nay, biện pháp được chờ đợi nhất là Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và xây dựng đường cống tách, ngăn nước thải chảy thẳng xuống sông Tô Lịch.

Theo PGS. TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam), môi trường cảnh quan sông Tô Lịch cần thiết phải cải tạo bằng các giải pháp thu gom toàn bộ nước thải để xử lý (tập trung hoặc phi tập trung) với tổng lưu lượng 300.000 – 350.000m3/ngày, đảm bảo quy chuẩn môi trường trước khi xả trở lại sông. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng cũng cần phải chú ý tạo dòng chảy và tăng cường quá trình tự làm sạch trong sông về mùa khô bằng giải pháp bổ sung nước sạch, đặc biệt là mùa khô.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nêu vấn đề, mặc dù ngành thoát nước đã xây dựng các phương án để lắng đọng, nạo vét phù sa trong Hồ Tây. Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức quan trọng đối với môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái của Hồ Tây. Bởi, nếu làm không khéo, nguy cơ hồ biến thành bể sẽ hiện hữu.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Trần Đức Hạ phân tích: Biện pháp dẫn nước sông Hồng để bổ cập nước cho Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch sẽ là giải pháp hợp lý kết hợp với việc thu gom toàn bộ nước thải để xử lý mà TP Hà Nội đang triển khai. Đã là sông phải có dòng chảy và biện pháp dẫn nước sông Hồng vào bổ cập cho Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước cho sông Tô Lịch là một trong những việc làm cần thiết.

"Với công nghệ hiện nay, máy bơm có thể cao vài chục mét và có thể bơm liên tục được, nhưng vấn đề là nguồn nước có ổn định hay không. Để có nguồn nước ổn định, người ta phải xây dựng các công trình nắn dòng. Nhưng cho đến nay, các chuyên gia về thủy lợi ở Việt Nam chưa thực hiện công trình tương tự." - GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT


"Hiện tại, lượng phù sa ở sông Hồng chỉ còn bằng 1/7 so với cách đây khoảng chục năm, và theo tính toán, mức độ bồi lắng ở Hồ Tây sẽ không đáng kể, khoảng 0,5mm/năm và có lẽ phải 100 năm (khoảng 5cm) chúng ta mới cần nạo nét một lần. Thậm chí, nếu cần, chúng ta có thể khoanh vùng nhỏ trong hồ để thực hiện nạo vét định kỳ để tránh ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong hồ." - GS.TS Dương Thanh Lượng - trường Đại học Thủy Lợi


"Trên thế giới đã có nhiều nước sai lầm khi cống hóa các dòng chảy. Sau đó, họ phải lấy lại các dòng chảy bằng mọi cách khi nhận thấy, lợi ích mà các dòng chảy mang lại trong các khu đô thị. Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ, nếu các dòng chảy trong Hà Nội không tạo nên lợi thế về giao thông thủy thì cũng giúp cân bằng môi trường sống. Do đó, việc tạo dòng chảy kết hợp chặt chẽ với việc ngăn chặn nguồn thải chảy xuống sông sẽ là giải pháp quan trọng để “hồi sinh” sông Tô Lịch." - GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Viện Kỹ thuật nước và Bảo bệ môi trường


Vân Nhi