dd/mm/yyyy

Xuất khẩu gạo cửa càng ngày càng hẹp

Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, Philippines tuyên bố tạm dừng nhập khẩu gạo nhằm bảo hộ sản xuất trong nước… Và nhiều thông tin bất lợi khác khiến xuất khẩu gạo Việt Nam những tháng đầu năm 2017 gặp nhiều khó khăn.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt. Ảnh minh họa

Tình trạng này cũng đã kéo dài nhiều năm qua, khi trong năm 2016, Việt Nam chỉ xuất khẩu gạo ước đạt 4,88 triệu tấn và 2,2 tỉ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015.

Khi thị trường truyền thống quay lưng

Ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết: Trong những tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt được chủ yếu là nhờ các hợp đồng thương mại xuất sang Philippines, Trung Quốc và Châu Phi… Trong khi đó, tỉ lệ những hợp đồng tập trung của xuất khẩu gạo Việt Nam ngày càng ít.

Những ngày cuối tháng Tư, nông dân vùng ĐBSCL không khỏi thấp thỏm lo lắng cho phần lúa Đông xuân còn chưa tiêu thụ xong và vụ mùa Hè thu đang đến trước mặt. Nguyên nhân là nhiều thị trường nhập khẩu lúa gạo truyền thống của Việt Nam đã mạnh dạn tuyên bố sẽ hạn chế nhập khẩu gạo và tăng cường tự túc lương thực.

Giá trị hạt gạo xuất khẩu không cao khiến nông dân hưởng lợi nhuận thấp. Ảnh minh họa

Cụ thể, theo thông tin từ VFA, qua các phương tiện truyền thông chính thức của Philippines, Tổng thống nước này mới đây đã thông báo sẽ tạm dừng nhập khẩu gạo, do lo ngại gạo nhập khẩu sẽ cạnh tranh với sản lượng gạo của nông dân nước này đang vào vụ thu hoạch.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam không chỉ gặp khó ở thị trường Philippines, mà cả sang thị trường Trung Quốc hiện cũng đang trầm lắng. Nếu như trước đây, Trung Quốc được xem là thị trường dễ tính, thì nay, Trung Quốc cũng yêu cầu nhiều tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, khiến doanh nghiệp Việt “trở tay không kịp”.

Ngoài ra, theo ông Năng, không chỉ riêng Philippines, nhiều thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á đang dần thay đổi cơ chế điều hành nhập khẩu gạo, từ việc Chính phủ nhập khẩu chuyển dần sang giao cho doanh nghiệp tư nhân đấu thầu hạn ngạch hoặc tự do hóa hoàn toàn thương mại mặt hàng gạo. Đồng thời, Chính phủ các nước này có những chính sách quyết đoán về an ninh lương thực, từng bước tự cân đối lương thực trong nước, giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu.

Theo bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An: Từ cuối năm 2016 đến nay, do không nằm trong danh sách 22 doanh nghiệp được phép xuất sang Trung Quốc nên công ty này phải tìm kiếm và tập trung các thị trường nhập khẩu gạo khác ở khu vực Châu Phi, Đông Nam Á... Trong khi đó, các sản phẩm xuất vào Trung Quốc cũng phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng nhất định.

Chẳng hạn, để xuất khẩu nếp vào Trung Quốc, doanh nghiệp phải quy hoạch riêng vùng sản xuất. Sau khi đối tác kiểm tra hàng đã đảm bảo chất lượng, đủ tiêu chuẩn nhập kho của họ rồi họ mới trả tiền, nếu không, doanh nghiệp coi như sẽ “mất trắng”.

Không chỉ với nếp, Trung Quốc còn yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo trắng vào thị trường này cũng phải có vùng trồng, có sổ sách theo dõi mùa vụ, lịch phun thuốc, bón phân… Năm 2016, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt mức thấp, chỉ hơn 1,5 triệu tấn, giảm trên 35% về khối lượng so với năm trước đó.

Cuối năm 2016, Trung Quốc cũng đã cử đoàn cán bộ sang kiểm tra, kiểm định chất lượng các cơ sở chế biến, xuất khẩu gạo của Việt Nam… đánh giá thực tế 31 doanh nghiệp sản xuất chế biến gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Kết quả, cơ quan này chỉ công nhận 22 doanh nghiệp đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với Nghị định thư về kiểm dịch đối với gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc và các yêu cầu khác về quản lý chất lượng đối với gạo nhập khẩu.

Theo đó, từ đầu năm 2017, chỉ các doanh nghiệp có tên trong danh sách 22 doanh nghiệp nói trên được phép xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc, mốc thời gian được tính từ ngày hàng rời cảng Việt Nam.

Chật vật vì những nghịch lý

Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cho hay, suốt năm 2016, doanh nghiệp này gần như không bán nổi một hạt gạo nào trực tiếp sang các thị trường nước ngoài. Theo ông Tuấn, ngoài khó khăn về thị trường, nghịch lý giá gạo trong nước ở mức cao, giá xuất khẩu lại thấp khiến doanh nghiệp không bán được hàng.

Các thị trường xuất khẩu gạo đang tạo ưu thế cạnh tranh so với gạo của Việt Nam. Ảnh minh họa

Trong khi đó, nguồn cung gạo thế giới đã vượt cầu, các đối thủ đều có những ưu thế vượt mặt gạo Việt như Myanmar, Pakistan thì giá rẻ, Thái Lan và Campuchia lại có gạo thơm chất lượng hơn.

Ai cũng nói nâng cao chất lượng gạo nhưng thực tế thì không ai làm. Đã đến lúc các doanh nghiệp phải thay đổi cách làm để bảo đảm gạo của mình sạch, an toàn. Chất lượng cao không phải là ngon thơm như gạo Thái Lan, Campuchia mà hạt gạo phải đều, trắng trong, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Có như thế thì mới an tâm đầu ra cho hạt gạo Việt.
GS.TS Võ Tòng Xuân

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu cả năm ước đạt 4,88 triệu tấn và giá trị 2,2 tỉ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015.

Đây là mức thấp nhất từ năm 2009 đến nay và hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều không hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Trước đó, VFA cũng đã phải nhiều lần điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuất khẩu để có thể “dễ thở” hơn cho doanh nghiệp.

Sang năm 2017, tiêu thụ lúa gạo tiếp tục khó khăn do nhu cầu gạo của thế giới vẫn còn trong giai đoạn suy yếu, còn nguồn cung lại khá dồi dào. Nhiều doanh nghiệp lo lắng, việc tìm đầu ra cho các vụ lúa còn lại của năm 2017 cũng sẽ không đơn giản.

Ông Nguyễn Thanh Long - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt (TP.HCM) cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam trong những tháng đầu năm đã trải qua một giai đoạn khá đặc biệt. Trong khi giá gạo thế giới tụt giảm mạnh, nhu cầu yếu thì giá trong nước lại có thời điểm tăng cao khiến doanh nghiệp không thể ký được hợp đồng mới. “Cứ đà này, lúa gạo Việt Nam sẽ còn chật vật trong thời gian dài nữa”, ông Long thở dài.

Còn theo GS.TS Võ Tòng Xuân, sản xuất lúa gạo Việt Nam nhiều năm qua đã rơi vào vòng xoáy nguy hiểm. Do đó, ông Xuân cho rằng, ngành lúa gạo phải đầu tư vào chiều sâu, quan tâm đến chất lượng chứ không nên chạy theo diện tích và số vụ như hiện nay.

Cần nhanh chóng “định dạng” lại ngành lúa gạo
Theo ông Huỳnh Thế Năng – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thay vì phải chạy đôn chạy đáo tìm đường xuất khẩu, bất chấp giá cả, chất lượng… như hiện nay, Việt Nam cần định dạng lại sản lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu. Với định hướng trong ngắn hạn đến năm 2020, chỉ nên xuất khẩu ở mức 2 – 3 triệu tấn/năm thay vì 7 – 8 triệu tấn/năm như hiện nay.
Khải Huyền