dd/mm/yyyy

Xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên tại tỉnh Điện Biên

Sáng nay (22/5), tại địa bàn bản Pá Sáng, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên long trọng tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su Điện Biên.

Dự, chứng kiến lễ khởi công xây dựng nhà máy, có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủ y ban nhân dân tỉnh Điện Biên; đồng chí Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cùng đông đảo nhân dân các xã: Hua Thanh, Mường Pồn, Thanh Nưa (huyện Điện Biên).

Xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên tại tỉnh Điện Biên

- Ảnh 1.

Nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên được xây dựng tại tỉnh Điện Biên có tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, công suất thiết kế 5.000 tấn/năm. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Nguyễn Công Tám, Bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cao su Điện Biên, cho biết: Nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên được xây dựng tại tỉnh Điện Biên Nhà máy có tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, công suất thiết kế 5.000 tấn/năm (lò sấy 2 tấn/giờ). 100% vốn xây dựng nhà máy là nguồn vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ đảm bảo chế biến hết sản lượng mủ khai thác từ vườn cây của hai công ty gồm: Công ty cổ phần cao su Điện Biên, Công ty cổ phần cao su Mường Nhé - Điện Biên và mủ cao su của các hộ tiểu điền trong tỉnh. Sử dụng kĩ thuật chế biến tiên tiến - tiết kiệm - hiệu quả, nhà máy sẽ cho ra sản phẩm phù hợp với định hướng của ngành cao su và của thị trường; tạo ra sản phẩm sơ chế có giá trị kinh tế cao đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, đóng góp cho ngân sách địa phương thông qua việc nộp thuế, phí hàng năm.

Xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên tại tỉnh Điện Biên

- Ảnh 2.

Lãnh đạo Tỉnh ủy -HĐND - UBND tỉnh tặng quà cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên. Ảnh: Thanh Tùng

Đặc biệt, với việc xây dựng, đưa nhà máy vào hoạt động còn góp phần tăng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty; tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương, từ đó, góp phần ổn định chính trị xã hội trên địa bàn.

"Nhà đầu tư dự kiến trong quá trình đầu tư và khai thác vận hành dự án, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế (GRDP) hàng năm bình quân với giá trị đóng góp ước tính khoảng 20 tỷ 625 triệu đồng; Dự án đóng góp cho ngân sách địa phương trong suốt chu kỳ của dự án 19 năm là 31 tỷ 741 triệu đồng đồng (bình quân 1 tỷ 671 triệu đồng/năm từ các nguồn thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp); giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 80 đến 100 lao động" - ông Nguyễn Công Tám cho biết chi tiết.

Xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên tại tỉnh Điện Biên

- Ảnh 3.

Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ đảm bảo chế biến hết sản lượng mủ khai thác từ vườn cây của hai công ty gồm: Công ty cổ phần cao su Điện Biên, Công ty cổ phần cao su Mường Nhé. Ảnh: Thanh Tùng

Biểu dương nỗ lực của cán bộ, lãnh đạo Công ty Cổ phần cao su Điện Biên đã nỗ lực hoàn thiện các thủ tục, điều kiện cần thiết để xây dựng nhà máy, phát biểu tại lễ khởi công, ông Trương Minh Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, cũng gửi lời cảm ơn Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các sở, ngành tỉnh Điện Biên đã luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ Công ty Cổ phần cao su Điện Biên thời gian qua. Để nhà máy được xây dựng đúng tiến độ, kĩ thật, đảm bảo đi vào hoạt động từ đầu năm 2025, ông Trương Minh Trung đề nghị Công ty Cổ phần cao su Điện Biên tập trung đôn đốc, giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình thi công xây dựng; đồng thời đảm an toàn, kĩ, mĩ thuật và hạn chế tối đa ảnh hưởng khu vực xung quanh.

Ghi nhận thành tích, đóng góp của công nhân Công ty cổ phần cao su Điện Biên trong thời gian qua, nhân dịp này, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã tặng quà 20 công nhân tiêu biểu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số có thành tích lao động, sản xuất tốt.

Thanh Tùng