dd/mm/yyyy

Vùng nuôi thủy sản Khánh Hòa tan nát sau bão, thiệt hại nghìn tỷ

Khánh Hòa là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão số 12. Những vùng nuôi thủy sản tan hoang sau bão, nhiều hộ dân trắng tay, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Vùng nuôi thủy sản tại Khánh Hòa bị thiệt hại nặng nề sau bão

Huyện Vạn Ninh là địa phương có diện tích nuôi thủy, hải sản lớn của tỉnh Khánh Hòa. Theo UBND huyện Vạn Ninh, tính đến nay, bão số 12 đã khiến gần 12.400 lồng bè thủy sản của địa phương này bị thiệt hại hoàn toàn.

Tại xã Vạn Thắng (Vạn Ninh) có hàng chục hộ nuôi tôm hùm với hàng trăm lồng bè bị bão nhấn chìm hoàn toàn. Không giấu được nỗi buồn, anh anh Lê Thanh Bình (trú thôn Quảng Hội 2, Vạn Thắng, Vạn Ninh) cho biết: “Vụ tôm hùm vừa qua tôi thả nuôi 1000 con tôm hùm giống. Tôm nuôi được 7 tháng rồi. Cơn bão ập đến đã cuốn đi tất cả. Tính cả tiền giống, tiền chi phí thức ăn, làm lồng bè thì nhà tôi đã mất khoảng 1 tỷ đồng”.

Người nuôi thủy sản xót xa nhìn cảnh tan hoang

Tương tự như gia đình anh Bình, năm nay, chị Trần Thị Hoài (thôn Quảng Hội 2, Vạn Thắng) cũng bị bão cuối trôi, phá hủy lồng bè nuôi 5000 con tôm hùm lớn nhỏ, thiệt hại lên đến gần 3 tỷ đồng.

Ở khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh) cũng có hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Trong đó phần lớn là nuôi tôm hùm và cá chim, cá bớp.

Chi sẻ với PV, một người dân thôn Đầm Môn cho biết, gia đình chị vay mượn ngân hàng hơn 300 triệu đồng để nuôi tôm hùm, đến nay cũng được hơn 5 tháng tuổi. Bão đến bất ngờ quá, cuốn hết tất cả. Bây giờ cả gia đình chị không biết trông phải trông cậy vào đâu.

Một số hộ gia đình "may mắn" còn lại xác lồng

Nói trong cay đắng, ông Tư Bụi (Đầm Môn, Vạn Thạnh) cho biết: “Ngay khi có thông tin bão đổ bộ, cán bộ xã và xóm ngay lập tức đã thông báo với bà con để đưa thuyền vào nơi tránh trú. Tuy nhiên toàn bộ tài sản với gần 80 lồng bè nuôi tôm hùm của tôi bão đập nát, ước tính thiệt hại gần 2 tỷ đồng”.

Theo BCH PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa, theo thống kê sơ bộ tính đến 16 giờ ngày 05.11, bão số 12 đã làm 27 người chết, 5 người mất tích, 89 người bị thương; trên 100.000 căn nhà bị sập và hư hỏng; 3.826 ha lúa bị ngập và 6.258 ha hoa màu bị ngập và hư hại; 22.700 lồng bè bị trôi hoàn toàn. Nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, sản xuất và cơ sở hạ tầng kỹ thuật bị hư hỏng nặng nề... Tổng thiệt hại ước tính trên 7.000 tỷ đồng.

Riêng nuôi trồng thủy sản, ngoài huyện Vạn Ninh toàn tỉnh còn có nhiều địa phương nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng như Nha Trang, Ninh Hòa, Cam Ranh... với 22.700 lồng bè nuôi tôm cá bị trôi hoàn toàn và chưa thể thống kê được mức thiệt hại cụ thể.

Để kịp thời khắc phục hậu quả, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo chính quyền các địa phương và các Sở, ban, ngành khẩn trương khắc phục hậu quả.

Đồng thời UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 25.000 tấn gạo; 200.000 viên sát khuẩn Aquatabs và 5.000 kg Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nước; 30.000 lít chất sát trùng Hanlodine 10% để khử trùng diệt độc ở môi trường chăn nuôi...

Kim Sơ