dd/mm/yyyy

Trồng gấc dược liệu cho hiệu quả cao

Từ một người làm trong ngành bưu điện, nhưng với niềm đam mê nông nghiệp, anh Vũ Thọ Tuyến (thôn Tiền Anh, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) đã làm giàu nhờ trồng gấc dược liệu.

Vườn gấc của gia đình anh Tuyến cho trái tao và sai quả.

“Cơ duyên” đến với mô hình trồng cây dược liệu của anh Tuyến khá tình cờ. Năm 2013, trong lần xem truyền hình, khách mời của chương trình là một doanh nhân thành công từ trồng gấc, anh Tuyến nảy ý tưởng làm giàu từ giống cây này.

Qua tìm hiểu, anh biết được trái gấc không chỉ có công dụng tạo nên món xôi ngon, gấc còn có hàm lượng dinh dưỡng cao, có tác dụng tốt cho tim mạch, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt, trong trái gấc có chứa carotene – một loại chất có thể giải độc, chống ung thư được người nước ngoài như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… rất ưa chuộng.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ giống cây gấc lai Úc, anh quyết định cùng vợ lên Bắc Giang học hỏi mô hình trồng. Anh Tuyến cho biết: “Giống gấc lai Úc cho quả to, ruột màu đỏ tím và nhiều hạt, hàm lượng carotene cao khác hẳn với giống gấc truyền thống thường cho quả bé, cùi dày, thịt ít nên hiệu quả kinh tế thấp. Khi thu hoạch, một cây gấc lai cao sản của Úc sẽ cho khoảng 40 quả, khối lượng trung bình đạt từ 4-5kg/quả và cứ 2kg quả sẽ cho 1 kg hạt giống gấc”.

Trồng xen các loại cây khác trong vườn gấc giúp anh Tuyến tăng thu nhập.

Theo anh Tuyến, cây gấc dễ trồng, phù hợp với khí hậu bốn mùa tại miền Bắc. Gấc cũng có thể trồng ở miền Trung, miền Nam nhưng quả sẽ nhạt hơn, hàm lượng carotene cũng thấp hơn. Cây gấc cần đất đủ ẩm nhưng rất sợ úng, do đó phải tưới đủ nước, làm luống cao và thoát nước ở gốc cây thì cây mới phát triển được.
Khi đã tích lũy được kinh nghiệm, anh quyết định dựng khoảng 1.000 cột bê tông trên diện tích 3ha đất để làm giàn cho gấc. Thời gian đầu, anh Tuyến gặp không ít khó khăn, nhưng khó khăn nhất vẫn là chất đất chưa phù hợp giống gấc này.

Nhờ áp dụng kỹ thuật qua học hỏi kinh nghiệm, chăm sóc cẩn thận, sau hơn 6 tháng xuống giống, 2.000 gốc gấc của gia đình anh Tuyến cho thu hoạch cao, năng suất đạt khoảng hơn 20 tấn/ha, giá bán ra thị trường là 10.000 đồng/kg quả, 30.000 đồng/kg hạt.

Khu vườn của gia đình anh là đất mặn, thấp trũng nên thời gian đầu phải mất khá nhiều công cải tạo đất. Anh đào kênh để dễ thoát nước khi trời mưa lớn, đồng thời phun men sinh học dưới gốc và trên lá; chú ý chăm bón từng giai đoạn, đẩy nhanh quá trình bám giàn, tránh để gấc tốt dây, quả sẽ ít. Khi cây gấc đã sinh trưởng ổn định sẽ cho quả trong 15 năm và sau mỗi đợt thu hoạch chỉ cần cắt gốc và bón phân là đủ. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, chất lượng bảo đảm, năng suất tăng theo từng năm. Giống gấc cho thu hoạch tốt phải từ năm thứ hai trở đi, dự kiến thu nhập những năm tiếp theo sẽ tăng gấp 3- 4 lần năm thứ nhất.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây dược liệu, anh Tuyến phấn khởi nói: “Thông thường, một vụ gấc sẽ bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 10. Để đỡ lãng phí đất, tôi đã trồng thêm các loại cây dược liệu khác như đinh lăng, cà gai, chanh đào, sả… Việc trồng thêm các loại cây này cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của gấc, lại có thêm thu nhập. Như cây cà gai có giá bán ra thị trường dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/kg. Nếu trừ hết chi phí, dự kiến một năm gia đình tôi thu về hàng trăm triệu đồng; tạo công ăn việc làm cho 4 – 5 lao động địa phương”.

Mục tiêu lâu dài của gia đình anh Tuyến là phát triển vườn cây dược liệu theo hướng nguồn nguyên liệu sạch. Mô hình trồng cây dược liệu của gia đình anh Tuyến đã được đưa vào nghị quyết của xã Ngũ Đoan trong phát triển kinh tế của địa phương.

Ngân Phạm – Thu Thủy