dd/mm/yyyy

Tôi chỉ “mê” gà quý hiếm

Với việc nghiên cứu và bảo tồn các giống gà đặc sản như gà ri, gà hồ, gà Đông Tảo, gà tè, gà Nòi..., ông Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Vật nuôi có Gen quý hiếm - Hatthocvang Vietnam đã và đang giúp hàng nghìn hộ nông dân có thu nhập cao.

Phóng viên Trang Trại Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Hòa xung quanh chuyện ông giúp bà con chăn nuôi các giống gà "đặc sản" này.


Ông Hòa giới thiệu một con gà 9 cựa có bộ lông mầu trắng.

Từ truyền thông chuyển sang nuôi gà
Thưa ông, ý tưởng nào đã dẫn tới việc ông quyết định lựa chọn tới việc “khai quật giống gà quý” hiếm?
Trước đây tôi cũng từng làm trong lĩnh vực truyền thông, nhưng trong một lần đi tìm kiếm nguồn cung thực phẩm sạch tại tỉnh Hòa Bình theo đơn đặt hàng của một đại gia Hà Nội để ăn vào dịp tết, tôi đã không thể gom đủ lượng hàng do số lượng các loại gà đặc sản hiện còn rất ít, thậm chí có nguy cơ mai một các nguồn gen quý hiếm này. Trong khi đó, nhu cầu của người dân ngày càng tăng bởi người dân bây giờ không ăn nhiều mà chỉ cần ăn lấy ngon, ăn để thưởng thức nên các loại gà đặc sản được “săn lùng” ráo riết.

Qua tìm hiểu xu thế của thị trường, tôi nhận thấy, ở nước ta có rất nhiều giống gà đặc sản quý hiếm, thịt thơm ngon, song do nuôi thả rông nên dần dần bị lai tạp và mất đi gen thuần chủng. Nếu không giữ lại các nguồn gen quý hiếm này thì chắc chắn sẽ bị mai một. Vì thế, tôi đã quyết định bắt tay vào tìm các giống gà đặc sản thuần chủng của Việt Nam, mở hướng sản xuất kinh doanh giống gà đặc sản.
Là người “ngoại đạo” quyết định chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu sâu về các loại gà nên để thực hiện ý tưởng của mình chắc chắn là rất khó khăn, ông có thể chia sẻ bằng cách nào đã tạo được ra hàng chục loại giống gà thuần Việt quý hiếm?
Đúng là lúc đầu khi mới bắt tay vào lĩnh vực này, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Các giống gà quý hiếm không chỉ còn rất ít ở các địa phương mà ngay cả khi tìm được rồi thì chủ nhân của các giống gà đó cũng chỉ muốn giữ cho riêng họ nên có khi nhiều tiền cũng không thể “sở hữu” được các con gà quý hiếm đó. Nhận thấy chỉ cá nhân mà muốn lưu giữ các giống quý hiếm là khổng đủ sức làm được nên tôi đã tìm đến gặp các chuyên gia thuộc Trung tâm Bảo tồn thực nghiệm vật nuôi, các chuyên gia của Viện Chăn nuôi Quốc Gia, và nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tạo giống và chăn nuôi để phối hợp thực hiện.
Ngoài ra, để thuyết phục người dân bán cho những con gà quý hiếm là rất khó nên tôi đã nghĩ ra phương án hợp tác cùng các nông hộ để cùng họ tuyển chọn những giống gà quý tại các địa phương theo chỉ dẫn địa lý. Tức là sử dụng phương pháp thực hiện theo các đề tài và tài liệu chỉ dẫn của các nhà khoa học, đồng thời áp dụng triển khai ngay tại địa phương nơi có giống gà quý để gây đàn và bảo tồn giúp kế thừa được giá trị truyền thống và yếu tố kinh nghiệm trong dân gian, kinh nghiệm tập quán làng nghề… phát huy được tối đa giá trị tri thức bản địa kết hợp cùng khoa học công nghệ hiện đại trong chăn nuôi thú y.
Nhờ vậy, chỉ trong vòng 3 năm, chúng tôi đã có trong tay hàng loạt các giống gà quý hiếm như gà Đông Tảo (gà Đông Cảo), gà Hồ Lạc Thổ, gà Hồ Chi Nhị, gà ri thuần chủng, gà chọi thuần, gà H’mông thuần, gà ác tần thuần (gà cốt kê), gà Tè (gà lùn), gà cựa (gà 9 cựa), gà Tò, gà Móng, gà Mía,… .

Công ty của ông Hòa thực hiện nhiều mô hình liên kết với nông dân nuôi các giống gà quý hiếm.

 Mỗi ngày ông Hòa cung ứng cho người dân hàng nghìn con gà con giống thuần chủng quý hiếm.

Như vậy, đến nay ông đã có trong tay hàng chục các giống gà quý hiếm của Việt Nam thuần chủng, ông có thể cho biết mỗi tháng đang cung ứng cho người dân bao nhiều con giống quý hiếm này?
Sau khi tìm kiếm các giống gà thuần chủng để nuôi, chúng tôi quyết định tập trung vào sản xuất giống và thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Vật nuôi có Gen quý hiếm - Hatthocvang Vietnam. Thực tế, bản thân tôi đã thành lập công ty nhưng chỉ một doanh nghiệp mà nuôi toàn các loại gà đặc sản theo hướng chăn thả như của người dân là rất khó và ngược lại nếu nuôi gà đặc sản mà nhốt như nuôi gà công nghiệp thì lại rất khó thành công và dù có thành công thì chất lượng thịt cũng không còn là đặc sản nữa. Do đó, công ty của chúng tôi đã “bắt tay” với người dân cùng triển khai từ sản xuất con giống cho đến nuôi thành phẩm.

Đến nay, chúng tôi đã xây dựng được một hệ thống trang trại vệ tinh rộng khắp trên toàn quốc và hoàn toàn có thể cung ứng cho khách hàng những đơn hàng lớn các loại gà đặc sản với chất lượng tốt nhất. Chỉ tính riêng nguồn gen quý gà bố mẹ, chúng tôi đã có hơn 3 vạn con và mỗi tuần bán ra 2 - 3 vạn con gà giống và gà đặc sản loại phổ thông, 1.000 - 2.000 con giống loại đặc sản cao cấp quý hiếm.
Vững vàng cạnh tranh
Mô hình liên kết với người dân để sản xuất giống của công ty ông sẽ giúp người nông dân như thế nào?
Để nuôi được các giống gà đặc sản đòi hỏi phải hội tụ nhiều yếu tố như có diện tích vườn, đồi lớn, có nhân công với kinh nghiệm và hiểu biết về đặc tính của từng loại gà…Nếu bản thân mỗi doanh nghiệp mà phải đầu tư cả đất đai, rồi đào tạo nhân công sẽ rất tốn kém tiền của, thời gian và công sức. Trong khi đó, việc “bắt tay” với nông dân giúp cho doanh nghiệp tận dụng hiệu quả diện tích vườn đồi của họ. Đặc biệt, những người nông dân ở mỗi vùng có gà đặc sản đều sẵn có những kinh nghiệm chăn nuôi gà thả vườn và ở các vùng này cũng có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp… nên chúng tôi đã quyết định lựa chọn phương án liên kết với nông dân. Còn đối với các hộ dân, khi tham gia liên kết với công ty sẽ được đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc một cách khoa học và đặc biệt là được công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định.

Đối với các hộ dân đã liên kết với chúng tôi, nếu thực hiện nuôi đúng quy trình sẽ được đảm bảo đầu ra và chắc chắn nông dân sẽ có thu nhập rất khá từ nuôi gà đặc sản. Tôi ví dụ, đối với giống gà ri, nếu nuôi tốt có thể lãi 60.000 - 80.000 đồng/con, gà Đông Tảo lãi 240.000 - 300.000 đồng/con.

Gà đen H’mông cũng được ông Hòa bảo tồn thành công.

Ngoài giúp người dân có đầu ra ổn định, nhiều người còn cho biết ông sẵn sàng giúp bà con đối phó với các đối thủ TPP, cụ thể việc này là như thế nào, thưa ông?
Khi tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng và đặc biệt là việc Việt Nam chính thức tham gia vào sân chơi chung TPP, trong đó có rất nhiều nước có ngành chăn nuôi phát triển và các chuyên gia đều cho rằng chăn nuôi của Việt Nam sẽ là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất.
Trong suốt 10 năm qua, các loại gà lai phát triển mạnh là quy luật tất yếu bởi người tiêu dùng Việt Nam đã không có sự lựa chọn khi phải ăn các loại gà công nghiệp (chủ yếu là giống của các tập đoạn nước ngoài như CP, Japfa ...). Ưu điểm của các loại gà này là giá rẻ, mới đây người ta còn nhập về đùi gà Mỹ chưa tới 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi đời sống của người dân càng cao thì họ càng có xu hướng tìm lại những hương vị thịt gà cổ truyền của các giống gà đặc sản được chăn thả tự nhiên.

“Hiện có rất nhiều giống gà quý được lưu giữ trong dân cần được bảo tồn và phát huy giá trị nên tôi mong muốn ở đâu có giống gà hay, gà quý, gà độc là giống gốc của người Việt xin hãy cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nuôi, kiến thức, kỹ thuật và đặc biệt có thể trao đổi giống cùng với chúng tôi và chung tay làm phong phú danh mục các giống gà quý của Việt Nam. Chi tiết cụ thể, người dân có thể liên hệ: 1900.54.54.83 hoặc gửi thông tin về Email: hatthovangvn@gmail.com”. Ông Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc nhãn hiệu Hatthocvang

Ở nước ta, các loài gà cũng rất phong phú và đa dạng với vài chục giống khác nhau. Nguồn gốc mỗi loại gà là một câu chuyện riêng, thậm chí còn có cả một huyền sử về chúng. Mỗi loại có giá trị riêng về đặc tính gen di truyền, về dinh dưỡng, hương vị, màu lông, vóc dáng hình thể, trọng lượng và có cả trị giá nghiên cứu khoa học, sinh sản..., do mỗi giống có khả năng thích nghi với các điều kiện khí hậu mỗi vùng miền. Chính những giá trị đó, cùng với quy trình chăn thả tự nhiên là điều khác biệt tạo lên hương vị cho thịt gà thơm ngon mà không bao giờ gà công nghiệp của các nước có thể so sánh được. Do đó, tôi cho rằng người dân nếu chuyển sang nuôi gà đặc sản thì chẳng “ngán” gì các đối thủ cạnh tranh nữa.
Xin cảm ơn ông!

Thanh Xuân