dd/mm/yyyy

Tiêu điểm: Nuôi lợn thời rớt giá

Lợn xuất chuồng rớt giá đang trở thành nỗi ám ảnh của người chăn nuôi. Như một kịch bản được dựng sẵn, dịp giữa năm giá lợn tăng chóng mặt, trong nhà chỉ cần có đàn lợn độ mươi con là có trong tay vài chục triệu đồng, còn với những trang trại lớn đã nghĩ tới một năm bội thu trong niềm vui trọn vẹn.

Lợn rớt giá dịp trước và sau tết có những dấu hiệu bất thường. Ảnh TL

Nhưng rồi, càng gần về cuối năm, khi lợn đến lứa, giá lợn bỗng nhiên lao dốc. Nhiều người cho rằng đó chỉ là giảm giá nhất thời, nên cố nuôi thêm chờ giá lên. Nhưng qua Tết, lợn vẫn đà giảm giá. Thậm chí giá lợn hơi còn thấp hơn cả giá rau củ. Một quả bưởi có giá bằng 2- 3kg thịt - một nghịch lý chưa từng xảy ra ở thị trường. Lúc này con lợn đã trở thành mối lo, gánh nặng nợ nần chất lên vai người chăn nuôi.

Tại những vùng chăn nuôi lớn của cả nước như: Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nội, Vĩnh Phúc… không khí buồn nản bủa vây nhà nông. Người nuôi ít thì mất tết, trang trại lớn thì gánh nợ. Nhiều chủ trại lợn đã tính đến phương án bỏ chuồng hoặc chuyển sang nuôi gà, nuôi vịt… Ngành chăn nuôi đứng trước nguy cơ vỡ trận.

Thế nhưng câu chuyện lợn rớt giá không phải là điều hiếm gặp. Nó như điệp khúc “đến hẹn lại lên” và không chỉ riêng lợn mà cả gà, tôm, cá và rất nhiều nông sản khác cũng không ít lần rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Và như thường lệ, khi nông dân “được mùa rớt giá” lập tức các chuyên gia, nhà quản lý vào cuộc rốt ráo, chỉ ra đủ thứ nguyên nhân: Nào là do chăn nuôi, trồng trọt tràn lan, nào là thương lái “chơi xấu”… Tiếp đó là hàng loạt giải pháp được đưa ra, rất nhiều kinh nghiệm được đúc kết… Thế nhưng “kịch bản” rớt giá vẫn tái diễn, nông dân vẫn phấp phỏng lo âu không biết rủi ro sẽ ập đến bất cứ lúc nào…

Giá lợn không đủ bù đắp chi phí, khiến người chăn nuôi kiệt sức. Ảnh TL

Nông dân “một nắng, hai sương” làm ra củ khoai, hạt lúa, con lợn, con gà trong bối cảnh đất đai chật hẹp, vốn liếng ít ỏi… đã là một kỳ tích. Không thể bắt nông dân trở thành nhà quy hoạch để biết phải chọn lựa quy mô sản xuất thế nào cho phù hợp, hay trở thành nhà phân tích thị trường để chọn những cây con mà thị trường đang cần, hay trở thành nhà ngoại giao để kết nối từ trang trại đến bàn ăn… Đây là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương…

Trang Trại Việt kỳ này triển khai tiêu điểm: “Nuôi lợn thời rớt giá” phác họa lại bức tranh ngành chăn nuôi trong năm 2016, đầu năm 2017. Những khó khăn mà người chăn nuôi phải đối mặt. Cùng đó, Trang Trại Việt cũng đề cập sự vào cuộc với những kiến giải của chuyên gia, nhà quản lý và cả những xu hướng chuyển dịch trong nội tại ngành chăn nuôi.

Trọng Đạt