dd/mm/yyyy

Thượng thừa bắt bệnh “chiến kê”

Chơi gà chọi chỉ biết chọn gà hay, luyện gà tài, mà chưa biết chữa thương cho những “chiến kê” của mình thì chưa phải là tay chơi thứ thiệt. Chính vì vậy trong giới chơi gà, những bậc trưởng lão được dân chơi thừa nhận, đều là những tay trị thương cho gà thuộc hạng “thượng thừa”.

Kỳ dị chữa thương bằng… lưỡi

Ông Trần Văn Khi (61 tuổi, ở thôn Linh Quy Bắc, Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những người chơi gà có hạng. Dân chơi gà từ Bắc Giang, Gia Lâm đến Hưng Yên đều biết tiếng. Đời ông từ lúc sinh ra tới giờ đã bước sang tuổi lục tuần mà chỉ biết thú chơi duy nhất là gà. Vì mê gà nên cách trị thương cho gà của ông cũng nhuốm màu sắc “liêu trai”.

Ông Trần Văn Khi nâng niu “chiến kê” Ngũ Sắc nổi tiếng

Ông kể: Nghề chơi cũng lắm công phu bởi con gà chọi kỵ với đủ loại nắng, gió, nước. Ngoài chuyện thổi hơi, mớm nước… cho gà thì có lẽ chữa vết thương cho “chiến kê” sau mỗi trận “tỉ thí” là hãi nhất. Phải nhai hết một miếng trầu không nuốt nước, rồi lấy muối tinh đánh răng thật kĩ, 21 giờ đi ngủ, 24 giờ dậy không xúc miệng đánh răng mà ra liếm luôn lên vết thương cho gà đủ 7 lần.

Cái cảm giác lần đầu liếm vết thương gà, lưỡi mình như chạm vào miếng thịt sống, mùi gây gây, tanh tanh chỉ muốn nôn ngay ra. Nhưng vì “máu” chơi, phải nín một hơi mà liếm cho gà. Mà nghề này phải có duyên, có người cả đời luyện gà chả có con chọi nào “thành danh”. Thế mà ông Khi đã có tới 3 chú chọi lừng danh, ai nhắc đến cũng khiếp.

Điều lạ kì là 3 chú chọi của ông Khi thuộc hẳn 3 trường phái cơ bản: Thước thợ, nguyệt cung, chiều tà. “Thước thợ” thì vai cao, lối đánh từ trên đánh xuống. “Nguyệt cung” đánh tầm thấp chủ yếu phá đòn đối phương, đã ra đòn thì cực kì tàn độc. Loại “chiều tà” thì hiếm như lông phượng, nhiều thợ gà khẳng định nó chỉ trong truyền thuyết bởi tính chịu đòn cho đối thủ đánh thoải mái, nhưng bất thần đối phương bỗng bỏ chạy mà không ai hiểu được lý do…

Chọi gà ngày xuân là thú vui không thể thiếu của người dân nông thôn

Tay “thước thợ” của ông Khi mang tên Xám Đất phong lưu mã thượng, khí khái, mà kiêu kì như Cẩm Mã Siêu trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Mỗi lần giáp trận, lúc đối thủ bị dồn vào góc võ đài thì nó lại lùi lại dăm bước. Xám Đất đã đánh nhau thì chớ kể, ai xem cũng sướng, cười hỷ hả vì đòn thế quá đẹp. Có một năm vừa vô địch hội Sủi – Gia Lâm (3/3 Âm lịch), lại tiếp tục vô địch hội Phù Lưu - Đình Bảng sau đó chỉ 7 ngày.

Anh chàng Ngũ Sắc theo trường phái nguyệt cung thì khỏi nói, chui lủi đánh đòn thấp rồi bất chợt tót lên móc đủ hai mắt của đối phương mà nhai bỏm bẻm. Chính vì kiểu đánh ghê rợn này mà thường cứ 5 trận thì có đến 3 trận chủ gà đối phương xin thua trước, bởi chưa con chọi nào chịu được quá 2 hiệp với chàng Ngũ Sắc.

            Cái tên Ma Dở của con gà đánh theo kiểu “chiều tà” đủ cho thấy hình ảnh thảm hại của nó, như một nắm giẻ rách, nhiều nguời còn tưởng nó là gà mái, nhưng đánh trận nào thắng trận ấy. Những mùa chọi gà sau Tết, hàng chục thợ gà lũ lượt đi theo con Ma Dở khắp các sới gà chỉ với một mục đích xem nó ra đòn thế nào mà bỗng khiến đối phương chạy “mất dép” như thế.

Biệt tài kiếm “hùng kê”

Thường những con gà dính đòn “âm” là sau mỗi trận chiến, các cơ quan nội tạng bị tổn thương, da gà xuống nước tái đi, hơi thở khò khè, đi ngoài phân xanh hoặc trắng. Là người nổi tiếng biết nhìn gà, ông Nguyễn Văn Tiến (62 tuổi, ở bãi giữa sông Hồng) đã nhiều lần tìm được những con “hùng kê” mà người khác định bỏ đi.

Ông kể: Cách đây 12 năm, tôi đi xem chọi gà ở Hội làng Sủi (Gia Lâm), xem con Xám chân xanh 2,7kg đá với con Tía chân vàng 2,9kg; con Tía chấp con Xám 10 phút bọc mỏ bịt cựa. Đây là 2 con gà tài nhất nhì Lễ hội. Quần nhau đến hồi thứ 9 với nhiều cú đòn hiểm, đá móc, đá phủ, đánh ức, đề cánh thì con Xám không còn đủ sức đứng lên được nữa, hai cánh tả tơi. Con Tía cũng không hơn là mấy, nằm im chỉ còn ngóc được cái đầu. Kết quả xử hòa vì không con nào chạy hết, dân chọi gà được 1 trận mãn nhãn.

Chủ gà Xám là một tay chơi mới nổi, nhìn con gà như mớ rẻ rách, nó bị thương nhiều quá, bong hết da đầu, vai và ức, nên định quẳng đi cho khuất mắt. Ông Tiến xem con gà biết lối đánh của nó từ đầu, nhưng do chủ gà non tay, lúc đánh trận không mớm nước đủ, nên gà mất nước cả bên trong lẫn bên ngoài, bị xuống sức. Ông Tiến đã mua nó đem về để chữa trị.

Lúc về, con gà Xám bị lên đờm khò khè, đi ngoài phân xanh, phân trắng. Ông dùng nước ấm đập gừng tươi vào lau cho gà, rồi lấy thuốc bóp liền da và chống mốc các vết thương, tối ngủ đưa gà vào chỗ ấm áp, thêm ngọn đèn sưởi để giữ ấm không khí, gà hít thở không bị khò khè nữa. Nhưng quan trọng nhất là thức ăn cho gà. Vì con gà bị tổn thương nội tạng nên ông Tiến phải nấu cháo cho gà ăn, sau khoảng 10 ngày thì cho gà rỉa nõn chuối non, để gà không bị đi ngoài phân sống.

Khi gà dần hồi phục thể lực, lúc đó mới đưa cho gà ăn mồi, gồm rắn mối, cóc, gân bò. Đợi tiếp thấy da gà bắt đầu hồng lên, chuyển qua mầu đỏ rực, thì đem gà đi cắt lông và kiếm gà phu để vần lại; đầu tiên phải vần từng hồ một “ mỗi hồ 15 phút”.

Công phu luyện gà chọi (Ảnh TL)

Chính cách chữa kiên trì của ông Tiến đã làm sống lại con gà Xám. Chỉ mùa hội sau nó đã vô địch Hội Sủi, thắng luôn cả Hội Chùa Keo. Sau này con gà Xám được 1 đại gia chơi gà ở Bình Định ra hỏi mua với giá 60 triệu.

Cũng nhờ con mắt tinh tường về gà mà ông Tiến vớ được 1 “linh kê” khác, đó là con gà Mơ chân vàng. Lần đó ông được anh em mời sang xới gà Thành Công xem vần gà. Ở đó có 1 con Mơ chân vàng từ Đông Anh sang để vần thử. Đây là một con gà mộc, chưa thay lông, nặng 2,6 kg, cao như con gà tây, mắt vàng nhìn khá dị tướng. Khi vào sới vần, con Mơ chân vàng bị con gà phu đá cho như đập đất, nó cứ lạng choạng rồi lại đứng lên, thỉnh thoảng bật cao tung những cước phủ bàn lên đầu con gà phu. Sau 3 hồ vần, con Mơ chân vàng nằm bẹp, cổ vươn ra thở dốc. Chủ gà ôm con Mơ về định thịt, ông Tiến đã nhanh tay mua lại. Vì ông đoán, con gà này được nuôi trong nhà, chủ cho ngủ trên cành nên móng chân gà dài như móng chim ưng, lồng nhốt gà để sàn đất chứ không phải là sàn cuội hay cát vàng nên cớm nắng và yếu gân.

Con Mơ chân vàng được ông Tiến đưa về bãi sông, nhốt vào lồng rải toàn đá cuội, thức ăn tăng cường rắn, cóc, thóc, rau trộn lòng trắng trứng gà; đến kỳ thay lông ông cắt lông và cắt tai luôn thể. Cuối mùa vần tháng 4 âm lịch, ông đưa con Mơ đánh những trận nhỏ quanh vùng. Như có một nguồn “năng lượng nguyên tử” trong người, con Mơ đã tả xung hữu đột, đánh những đòn tầm cao giáng tới tấp vào đầu đối thủ, không đối thủ nào chịu được tới 3 hồ.

Nghe tin con Mơ chân vàng trở lại xới thành công, người chủ cũ bên Đông Anh tiếc quá, muốn xin chuộc lại. Ông Tiến chỉ lấy có 2 triệu tiền mua thức ăn rồi trả lại con “linh kê” cho chủ cũ.

Đến cuối mùa chọi gà, người chủ cũ tìm đến nhà ông Tiến, gập đầu xin ông nhận 50 triệu. Thì ra con Mơ Chân vàng thắng một mạch 17 trận, mà hầu như nó không rớt một cọng lông. Tiếng con Mơ lẫy lừng trong làng chọi gà khiến một đại gia người Đình Bảng (Bắc Ninh) đã mang 100 triệu ra Đông Anh vật nài chủ gà mua lại. Biết mình được ăn lộc, ông ta đã chia 50 triệu cho ông Tiến để cảm ơn.

Công viên luôn là sân tập ư thích của tay chơi gà chọi thành phố (Ảnh: TL)

Ông Tiến còn có nhiều biệt tài khác nữa trong làng chơi gà chọi, như nối gân chân, chỉnh sai khớp cổ, lệch cánh cho gà. Đó là những bí mật của ông mà giới chọi gà chưa bao giờ hiểu được hết. Nhiều con gà đợi vào nồi rồi, qua tay ông lại trở thành gà cự phách. Ông được mệnh danh là “phù thủy” trị gà trong giới gà chọi.

Khánh Gia - Tuấn Lệ