dd/mm/yyyy

Thiếu liên kết cánh đồng mẫu lớn khó thành

Cánh đồng mẫu lớn hay mô hình liên kết sản xuất… được xem là xu thế tất yếu để có được nền nông nghiệp phát triển bền vững. Dẫu vậy, sau 5 năm triển khai, những cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.

Xây dựng cánh đồng mẫu lớn và Đưa máy gặt đập liên hợp trong khâu thu hoạch lúa tại xã Lê Hồ (huyện Kim Bảng, Hà Nam)

“Dạy” nông dân làm… nông nghiệp

Đầu tháng 3.2017, Tập đoàn Lộc Trời cùng với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế (SRP) khởi động chương trình “Sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam”.

 Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, nếu vụ Hè thu 2011, ĐBSCL chỉ có 2 tỉnh là An Giang và Bến Tre thực hiện cánh đồng lớn với khoảng 8.000ha và có 6.400 hộ nông dân tham gia thì sang vụ Đông xuân 2012, có 12/13 tỉnh, thành trong vùng tham gia phát triển mô hình với diện tích 19.720 ha. Đến vụ Đông xuân 2016, diện tích “cánh đồng lớn” đạt hơn 130.330 ha, tăng trên 16.000ha so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, gói hỗ trợ kỹ thuật từ IFC sẽ giúp Lộc Trời Group hoàn thành thử nghiệm SRP ở ĐBSCL trong 3 vụ liên tiếp với 150 nông dân, hướng dẫn 400 cán bộ “Ba cùng” của Lộc Trời Group và các nhân viên quản lý kho bãi để giám sát một cách hiệu quả quá trình áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP. Các bên đặt mục tiêu sẽ có khoảng 4.000 nông dân được tập huấn thay đổi tập quán canh tác, áp dụng sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

Ông Huỳnh Văn Thòn – Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, thông qua chương trình này nông dân trồng lúa tại ĐBSCL sẽ được hỗ trợ thay đổi quy trình canh tác, tiến tới trồng lúa đạt chất lượng cao và bền vững...

Dự án SRP tại Việt Nam nhằm đem lại lợi ích cho các nhóm nông dân ở khắp Việt Nam, đặc biệt là những nông dân trồng lúa diện tích nhỏ, chỉ dưới 5ha, với nguồn thu nhập hạn chế. Ngoài ra, mục đích của IFC là tăng cường sự thâm nhập thị trường của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với thị trường xuất khẩu quốc tế đòi hỏi gạo chất lượng cao.

Trước đó, Tập đoàn Lộc Trời cũng đã xây dựng mô hình chuỗi lúa gạo khép kín từ cung cấp vật tư đến hỗ trợ kỹ thuật canh tác, kho bảo quản sau thu hoạch, bao tiêu thu mua sản phẩm… với khoảng 25.000 nông hộ tham gia trong chuỗi.

Không chỉ Lộc Trời, từ nhiều năm qua, mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa gạo được nhiều tỉnh vùng BĐSCL triển khai, áp dụng. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, nếu vụ Hè thu 2011, ĐBSCL chỉ có 2 tỉnh là An Giang và Bến Tre thực hiện cánh đồng mẫu lớn với khoảng 8.000ha và có 6.400 hộ nông dân tham gia thì sang vụ Đông xuân 2012, có 12/13 tỉnh, thành trong vùng tham gia phát triển mô hình với diện tích 19.720ha. Đến vụ Đông xuân 2016, diện tích cánh đồng lớn đạt hơn 130.330ha, tăng trên 16.000ha so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, nông dân trồng lúa ở Thoại Sơn (An Giang) cho rằng, từ ngày tham gia cánh đồng lớn, ông được cán bộ nông nghiệp của địa phương cũng như phía doanh nghiệp hướng dẫn tận tình các kỹ thuật canh tác mới. Nếu như trước đây, việc gieo sạ, theo dõi đồng ruộng, bón phân, thu hoạch… đều do một tay gia đình ông quyết định và chỉ dựa trên kinh nghiệm bản thân thì nay, khi ruộng lúa bị sâu bệnh, ông Mạnh được cán bộ kỹ thuật giải thích nguyên nhân, hướng dẫn cách phòng trừ, diệt sâu bệnh… một cách khoa học, có lợi cho đồng lúa và người tiêu dùng.

“Tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tôi cũng có cơ hội nghe ngóng thêm giá thu mua từ phía doanh nghiệp, giá thị trường thế giới… từ đó, định hướng sản xuất tốt hơn”, ông Mạnh nói thêm.

Khó vận hành do mắt xích còn yếu

Dù được khuyến khích phát triển và nhận sự quan tâm hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, nhưng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL vẫn còn khá lỏng lẻo, nhiều “mắt xích” yếu khiến chuỗi chưa đạt được những kết quả như mong đợi.

Tại hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại An Giang mới đây, các đại biểu cùng nhận định rằng, ngành lúa gạo Việt Nam còn nhiều hạn chế, thiếu tính bền vững. Ở ĐBSCL, bình quân mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa một năm chỉ đạt lợi nhuận 35 - 40 triệu đồng/ha, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan, 1,5 lần so với Indonesia và Philippines…

Nông dân và doanh nghiệp phải làm chủ thể để tạo liên kết bền vững. (Trong ảnh: Người dân thu hoạch lúa tại cánh đồng lớn ở An Giang.)

Ông Trịnh Hoài Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho rằng, xu thế hiện nay sản xuất lúa phải theo chuỗi liên kết, phải có sự hợp sức giữa nhà nông, doanh nghiệp và các nhà khác có liên quan. Từ đó mới có thể xây dựng được ngành lúa gạo bền vững và đủ năng lực cạnh tranh trên các thương trường.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thanh, để làm được điều này, trong thời gian tới cũng cần tổ chức lại sản xuất, đưa mô hình hợp tác xã kiểu mới vào trong sản xuất, quy hoạch lại vùng nguyên liệu và xây dựng cơ sở hạ tầng thuỷ lợi phục vụ tốt lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

 Dù nhiều người biết xây dựng cánh đồng lớn mang lại nhiều lợi ích và là xu thế không thể chối bỏ của nền nông nghiệp thị trường hàng hoá. Tuy nhiên đến nay, chương trình này triển khai không như mong muốn và gần như chững lại.
Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền

Còn theo ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, cho rằng, các nhà quản lý và hoạch định chính sách phải định hướng được tương lai, vị thế của lúa gạo Việt Nam ở đâu trên thị trường thế giới trong những năm tới? Việt Nam sẽ ra sao nếu sản xuất nông nghiệp cứ tiếp tục nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp, chất lượng chưa cao, rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và rủi ro về thị trường còn rất lớn? Và điều gì đã làm cho nông dân và các doanh nghiệp không hào hứng tham gia xây dựng cánh đồng lớn?

Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, khi xây dựng một chuỗi liên kết, cá tra hay bất kỳ sản phẩm nông nghiệp nào khác cũng vậy, phải có đủ các thành phần từ người sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và ngân hàng. Trong đó, hiện tại doanh nghiệp được xem là nhân tố nòng cốt, là “chủ xị” của chuỗi liên kết. Doanh nghiệp có xuất khẩu, tiêu thụ được sản phẩm thì chuỗi liên kết mới mong tồn tại và phát triển. Còn về phần ngân hàng, thành viên này cũng chỉ mới tham gia cho vay vốn cho doanh nghiệp và hỗ trợ nông dân mua thức ăn, giống, vật tư nông nghiệp.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn phát triển cánh đồng lớn một cách bền vững, trước hết phải giải quyết hài hoà lợi ích của các bên tham gia, trong đó có quy chế quy định trách nhiệm rõ ràng của các thành phần. Đặc biệt, trong 4 nhà góp mặt trong chuỗi liên kết thì doanh nghiệp và nông dân là 2 chủ thể quan trọng, gắn kết với nhau bằng các thỏa thuận của hợp đồng, để hợp đồng có hiệu lực.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp không thể ký kết với từng cá thể nông dân riêng biệt, do đó nông dân phải liên kết với nhau bằng mô hình HTX, Tổ hợp tác… hoặc thành lập các công ty cổ phần, trong đó nông dân vừa là chủ vừa là người lao động làm ra sản phẩm. Từ đó, các “doanh nghiệp nông dân” này tạo ra tính pháp lý để việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn.

Khải Huyền