dd/mm/yyyy

Thái Bình: Cần tây cho không ai lấy, nông dân rơi nước mắt cắt làm phân bón

Rau vụ đông được mùa nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo giá bán xuống thấp khiến người trồng rau ở xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đang rơi vào tình cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội".

Rau rẻ như cho

Nhiều năm qua, xã Quỳnh Hải là vùng trồng và cung cấp các loại rau chủ lực như bắp cải, su hào, cải thảo, xà lách, cà chua, hành tây, khoai tây... cho toàn tỉnh Thái Bình và các địa phương lân cận khác như Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa…

Chia sẻ với PV Báo NTNN, bà Phạm Thị Duyên (thôn An Phú, xã Quỳnh Hải) cho biết, hiện gia đình trồng hơn 5 sào hoa màu. Tuy nhiên, do giá rau xuống thấp, bà Duyên buồn rầu, lo lắng về viễn cảnh của một vụ rau thua lỗ đang hiện ra trước mắt.

Rau rẻ như cho, nông dân cắt cho bò ăn - Ảnh 1.

Gom được hơn 20kg cần tây mang ra chợ bán, còn lại toàn bộ 1 sào cây bà Nguyễn Thị Lý phải nhổ làm thức ăn cho gia súc. Ảnh:nP.V

"Cần tây cho còn không ai lấy, do dịch Covid-19 nhà hàng, khách sạn ở thành phố hầu như không hoạt động nên nhu cầu tiêu thụ giảm, bán rẻ được 2.000 đồng/kg. Tôi đành nhổ hết mang về làm thức ăn cho bò".

Bà Nguyễn Thị Lý

"Đã hơn 10 năm trồng rau, tôi chưa thấy năm nào giá rau lại rẻ đến như vậy. Không chỉ thất thu mà còn lỗ vốn ấy chứ. Thời điểm tháng 9 năm ngoái, su hào được giá, thương lái thu mua tại ruộng là 80.000 - 100.000 đồng/túi, mỗi túi 20 củ. Hiện nay, chỉ còn 8.000 đồng/túi"- bà Duyên thở dài.

Tại vùng trồng rau của xã Quỳnh Hải, không chỉ su hào mà tất cả các loại rau khác cũng đồng loạt rơi vào tình trạng giá rớt thê thảm, giảm 5 - 6 lần, thậm chí 10 lần so với mọi năm.

Không khỏi ngao ngán từ đầu vụ thu hoạch, ông Phạm Văn Bền (thôn An Phú, xã Quỳnh Hải) chia sẻ: "Năm nay, mất giá quá, giá hành lá thời điểm trước thương lái thu mua 10.000 đồng/kg, cứ 1 sào cho sản lượng 8 tạ thì chúng tôi có công, chứ như bây giờ còn có 3.000 đồng/kg thì lãi ở đâu nữa? Lấy công làm lãi, thậm chí không được".

Vụ đông thất bát

Không chỉ người trồng rau gặp khó khăn, mà những thương lái thu mua trên địa bàn xã Quỳnh Hải cũng cùng tâm trạng.

Anh Phạm Ngọc Thương - thương lái thu mua rau cho biết, vì giá rẻ, sức mua kém nên sản lượng thu mua về cũng giảm đáng kể so với mọi năm. Năm 2019, anh thu mua rau và xuất bán đi các tỉnh lân cận từ 10 - 15 tấn/ngày, nhưng bây giờ chỉ còn 3 - 5 tấn/ngày.

Là thương lái thu mua nông sản trên địa bàn xã Quỳnh Hải, ông Phạm Thanh Toán cho biết, mỗi ngày ông thu mua khoảng 3 tấn rau các loại mang đi bán tại các tỉnh lân cận. Không chỉ giá su hào mà các loại rau đều giảm giá từ 50 - 70% sau khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương.

Bà Nguyễn Thị Lý (thôn An Phú, xã Quỳnh Hải) hiện còn nguyên 1 sào cần tây đã quá lứa, nhưng không có thương lái nào hỏi mua buộc bà phải cắt làm thức ăn cho gia súc.

"Cần tây cho còn không ai lấy, do dịch Covid-19 nhà hàng, khách sạn ở thành phố hầu như không hoạt động nên nhu cầu tiêu thụ giảm, bán rẻ được 2.000 đồng/kg. Tôi đành nhổ hết mang về làm thức ăn cho bò"- bà Lý ngậm ngùi.

Nhìn củ su hào có trọng lượng hơn 1kg, chạnh lòng tiếc công trồng ra mà không bán được, bà Lý gom lại để làm phân hữu cơ cho vụ sau để tiết kiệm chi phí phân do.

Ông Phạm Văn Liễn - Giám đốc HTX nông nghiệp Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ cho biết, HTX hiện có 170ha rau màu. Trong vài năm trở lại đây trồng rau màu đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho nhiều hộ dân.

Những ruộng trồng rau an toàn như su hào, cần tây, hành, mướp đắng... đều đang cho thu nhập từ trên 10 triệu đồng đến trên dưới 20 triệu đồng/sào.

Do trồng các loại rau ngắn ngày nên tính ra, mỗi năm bà con trồng được 5 - 6 vụ, thu nhập khoảng 700 - 800 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Liễn, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến thị trường tiêu thụ rau rất chậm, giá lại quá rẻ nên nhiều hộ trồng rau ở Quỳnh Hải chán nản. 


Minh Ngọc