dd/mm/yyyy

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển theo chuỗi liên kết

Đó cũng là ý kiến của ông Nguyễn Đức Trọng – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhằm hỗ trợ ổn định giá cả, cung cầu cân đối, phát triển ngành chăn nuôi lợn bền vững.

Ông Nguyễn Đức Trọng – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)

Liên tiếp trong thời gian gần đây, một số mặt hàng nông sản ở địa phương đã bị ế hoặc giá thấp, điển hình là thịt lợn. Thực trạng này đã xảy ra nhiều năm và nay tiếp tục lặp lại. Ông lý giải chuyện này như thế nào?

Chúng tôi đã đi khảo sát thực tế giá cả thịt lợn dịp trước và sau tết để phân tích nắm tình hình. Giá bán thịt lợn hơi trong giai đoạn tết cuối năm 2016 và đầu năm 2017 biến động mạnh, thấp hơn giá sản xuất, khiến cho nông dân thua lỗ. Sau tết giá thịt lợn hơi đã bắt đầu tăng nhẹ (35-36 nghìn/kg) do nhu cầu sử dụng trước tết tăng nên giá cả tăng theo. Tuy nhiên với giá đó, nuôi công nghiệp thì chưa thể hòa vốn được chứ đừng nói đến lãi, còn nuôi nhỏ lẻ tận dụng thức ăn địa phương thì sẽ hòa vốn hoặc nếu có lãi thì không đáng kể.

Nguyên nhân do trong thời điểm đầu và giữa năm 2016, giá thành cao (56.000-58.000 đồng/kg), người chăn nuôi sản xuất hiệu quả và có lãi tương đối tốt. Lúc đó nhiều cơ sở và các hộ sản xuất tăng đàn lợn nuôi sinh sản, đàn lợn thịt cũng vào chuồng ồ ạt. Cách chăn nuôi của người dân là thấy giá cao là tăng đàn, giá giảm là giảm đàn, như thế chỉ tầm 4-6 tháng sau cung cầu sẽ mất cân đối, khiến giá cả không ổn định. Thời điểm đó, Cục Chăn nuôi và Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo đừng tăng đàn ồ ạt, nhưng người dân thấy giá cao nên cứ tăng đàn và bỏ qua khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Chăn nuôi cần phát triển theo các chuỗi liên kết, ở đó có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp. Ảnh IT

Nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn thất thường chính là do chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; người nuôi phải xoay theo thị trường này nên dẫn tới lúc thì không có lợn mà bán, lúc thì dư thừa không ai mua. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng như vậy, Bộ NN&PTNT đã có cảnh báo trước đó. Nhưng do sức hút từ thị trường Trung Quốc lớn quá, có những thời điểm giá lên tới 60.000 đồng/kg nên người dân ào ạt nuôi, đến lúc Trung Quốc họ không mua, hàng bị ứ đọng, giá giảm sâu. Trung Quốc là thị trường không thể dự đoán được vì họ không có cam kết thu mua gì, nên chúng ta không chủ động được. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần quan tâm tới thị trường trong nước để chủ động mức tăng trưởng ổn định, duy trì cân bằng cung cầu trong nước.

Kế hoạch sản xuất cần soi chiếu từ thị trường trong nước, có như thế mới phát triển ổn định, giá cả theo đó cũng sẽ ổn định. Hiện nay giá thịt lợn đã nhích lên nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Trong bối cảnh này nếu người dân không tiếp tục tái đàn, vào chuồng thì đến tháng 6.2017 sẽ diễn ra tình trạng khan hiếm hàng, cung lệch cầu, người nuôi sẽ luôn chịu thiệt.

Thị trường Trung Quốc có tác động đến tình hình sản xuất, giá cả mặt hàng thịt lợn, tuy nhiên đó không phải là tất cả. Có nhiều ý kiến cho rằng các địa phương chưa làm tốt vai trò quản lý kiểm soát, hướng dẫn, thông tin cho người chăn nuôi. Ông nghĩ sao về điều này?

Ngay từ năm 2014, Bộ NN&PTNT đã ban hành đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi. Nhưng các tỉnh không để ý, nếu quản lý giống tốt thì sẽ có hệ thống giống hoàn chỉnh, quản lý và kiểm soát được sản xuất chăn nuôi. Hiện nay các tỉnh đang cố gắng thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất mà quên mất tính toán đầu ra, cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ, không để ý đến chế biến, giết mỏ và các khâu khác trong chuỗi sản xuất. Chính vì vậy, tác động của địa phương đối với việc tái đàn, giảm đàn là chưa nhiều, người dân vẫn làm tự phát, cứ tiến hành phát triển không có tính toán nên dẫn đến tình trạng nuôi ồ ạt nhưng không biết bán cho ai, giá xuống thấp, lúc người dân bỏ chuồng, khan hàng, giá lại tăng đột biến.

Các địa phương cần chủ động rà soát, không nên mở rộng quá lớn đàn sinh sản và đàn thương phẩm. Ảnh IT

Có hai thành phố điển hình tiêu thụ thịt lợn lớn nhất cả nước, đó là Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên bản thân hai thành phố này cũng không sản xuất đủ nhu cầu và phải lấy ở các tỉnh lân cận và các tỉnh này cũng không có động thái cùng ngồi lại với nhau để lên kế hoạch sản xuất, tiêu thụ cụ thể. Các địa phương cần chủ động rà soát lại đàn giống tổng thể, không nên mở rộng quá lớn đàn sinh sản và đàn thương phẩm, phải có kế hoạch sản xuất ổn định, không để phát triển giống ồ ạt, tăng cường liên kết ngang, dọc trong sản xuất để cung cầu cân đối.

Để làm tốt vai trò của mình, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp vào đăng ký kinh doanh, có cơ chế thông thoáng, giới thiệu kết nối với vùng nguyên liệu, phối hợp với nông dân và cơ quan địa phương để sản xuất kinh doanh, tốt hơn nữa là đầu tư cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp vào đầu tư.

Vậy theo ông, bộ, ngành, địa phương cần phải làm gì để hỗ trợ ổn định phát triển ngành chăn nuôi lợn?

Hiện nay, giá thịt lợn đã nhích lên nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Trong bối cảnh này nếu người dân không tiếp tục tái đàn, vào chuồng thì đến tháng 6.2017 sẽ diễn ra tình trạng khan hiếm hàng.
Ông Nguyễn Đức Trọng – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Từ cuối tháng 12.2016 Bộ NN&PTNT đã có công văn số 11205 đề nghị các Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Việc mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, nhất là quy mô đàn lợn nái; khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm và tránh rủi ro.

Để chủ động sản xuất, tránh tình trạng cung cầu lệch pha, Bộ NN&PTNT khuyến khích đa dạng hóa phương thức chăn nuôi, không quá chú trọng phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp mà cần chú ý phát triển mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ - thế mạnh của loại hình chăn nuôi nông hộ nước ta. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, ở đó có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và tổ chức liên kết trong sản xuất, dịch vụ của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội, hiệp hội với các hộ chăn nuôi.

Sau đó ngày 16.2 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký văn bản 1426 gửi các tỉnh, thành phố về chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi công nghiệp, yêu cầu các tỉnh rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Hạn chế mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn, nhất là đàn lợn nái. Khuyến khích phát triển các giống cao sản, đặc sản, phục vụ các loại hình chăn nuôi lợn theo các phân khúc thị trường khác nhau.

Xin cảm ơn ông!

Đình Thắng