dd/mm/yyyy

Sông Mã xây dựng nhiều mô hình giúp người dân nâng cao thu nhập

Trong những năm qua, huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) đã thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình trong phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Xác định thu nhập là tiêu chí then chốt tạo nền tảng thực hiện các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, huyện Sông Mã đã triển khai đồng bộ các giải pháp giúp bà con nâng cao thu nhập.

Bên cạnh việc quan tâm thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, huyện Sông Mã đã tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ sản xuất cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. 

 Những năm qua, để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Sông Mã đã tích cực đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật tới người dân

Một trong những giải pháp được Sông Mã ưu tiên hàng đầu là tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; phổ biến các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến nông để nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Sông Mã: Năm 2018, đã tổ chức được 193 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp với 7.923 hộ nông dân tham gia trên địa bàn các xã, thị trấn.

Tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật được 1.026 cuộc với 9.512 lượt người dân tham gia như: Kỹ thuật phòng chống đói rét cho cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn, xoài; chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả; canh tác ngô bền vững trên đất dốc; kỹ thuật thâm canh lúa theo phương pháp SRI; phòng trừ sâu bệnh hại lúa, ngô; vận động nhân dân xây lắp bể biogas; trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc; phòng chống dịch hại cho đàn gia súc, gia cầm, bảo quản nông sản sau thu hoạch tại các xã trên địa bàn trong huyện. 

 Nhiều giống lúa mới có năng suất cao được đưa vào trồng thay thế các giống lúa cũ.

Theo đó, tổng diện tích cây lương thực có hạt như ngô, lúa giảm 32,1% so với cùng kỳ năm trước (giảm 8.835 ha so với năm 2017). Thay vào đó là diện tích cây ăn quả tăng 22%; trồng cỏ chăn nuôi tăng 62,1%; cây thực phẩm, hoa, rau, đậu tăng 14,9%; cây công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Đàn gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định và tăng đàn so với năm 2017.

Diện tích nuôi thủy sản 418,5 ha, đạt 99,9% so với kế hoạch. Sản lượng thủy sản đạt 886 tấn, đạt 100 % so với kế hoạch, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2017. Diện tích nuôi Ba ba được duy trì và phát triển ổn định, tổng diện tích trên toàn huyện là 11,7 ha, sản lượng trên 60 tấn ba ba thương phẩm.

Nhiều mô hình kinh tế được được triển khai từ nhiều năm trước tiếp tục được nhân rộng và phát triển như: Năm 2015, triển khai mô hình bưởi da xanh 1 ha, chanh không hạt 1 ha, na không hạt 1 ha với 5 hộ tham gia tại bản Công, xã Chiềng Sơ; bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu; bản Hoàng Mã, xã Chiềng Khoong. 

 
 Tại một số xã vùng 3, bà con còn tích cực trồng cỏ để vỗ béo đàn gia súc.

Kết quả: Mô hình bưởi da xanh sau 3 năm trồng đã cho thu hoạch lứa đầu tiên được 500kg, giá bán trung bình 40.000 đ/kg, thu nhập 20 triệu đồng/1ha. Mô hình này đã được nhiều hộ dân đến học tập và nhân ra diện rộng (năm 2018 đã có 28 ha trồng mới trên địa bàn huyện). Mô hình Na không hạt năm thứ 3 đã cho thu hoạch hoạch lứa đầu tiên được 300kg/ha, giá bán trung bình 40.000đ/kg, thu nhập 12 triệu đồng/1ha.

Năm 2016, triển khai mô hình thâm canh nhãn theo hướng VietGAP quy mô 4 ha tại bản Tiên Sơn, xã Chiềng Khương. Kết quả: Mô hình đạt năng suất 13 tấn quả tươi, lợi nhuận 240 triệu đồng/ha.

Mô hình trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc với quy mô 2 ha, cho 5 hộ tham gia tại bản Pá Lâu, bản Mạ Mẩu, bản Pú Bẩu, xã Pú Bẩu. Kết quả là mô hình đã giúp các hộ dân chủ động được nguồn thức ăn về mùa đông, giảm nhân công lao động chăn dắt. Hiện nay, người dân xã Pú Bẩu đã nhân rộng ra 26,4 ha. 

 Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào ghép mắt cây nhãn, nhiều hộ dân đã có thu nhập từ hàng trăm đến cả tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội. Việc tuyển sinh đảm bảo đúng đối tượng, đúng nghề đăng ký. Trong năm 2018, mở 10 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với với 250 học viên tham gia.

Để hỗ trợ vốn cho người dân có điều kiện sản xuất, vươn lên làm giàu, trong quý I năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện Sông Mã đã tạo điều kiện cho 476 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với tổng số tiền cho vay 20.265 triệu đồng.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Sông Mã liên tục tăng qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm... Phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân Sông Mã tiếp tục đoàn kết, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức để tiếp tục đổi mới, xây dựng quê hương Sông Mã ngày càng giàu mạnh, văn minh.

 

PV Tây Bắc