dd/mm/yyyy

Nuôi vịt thả suối, ăn rêu đá, một nông dân ở Nậm Pồ thoải mái thu tiền

Mô hình nuôi vịt đẻ siêu trứng của chị Lò Thị Kiên, bản Pa Tần, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) là một trong những điển hình tiêu biểu cho nông dân xóa nghèo thành công ở Nậm Pồ. Chị Kiên đã vươn lên để phát triển kinh tế, không còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.

Về vùng cao Nậm Pồ xem bà con dân tộc thiểu số xóa nghèo

 Bản Pa Tần, xã Pa Tần có 100% dân tộc Thái, ngành Thái trắng định cư lâu đời bên dòng suối Nậm Chà. Đồng bào dân tộc Thái nơi đây có truyền thống đoàn kết, cần cù, chịu khó, hăng say lao động sản xuất; đời sống của bà con dân tộc Thái nơi đây ngày một đổi thay.

Nếu như trước đây, người dân trong bản chỉ quẩn quanh trên nương, dưới ruộng, không ra khỏi địa bàn lao động sản xuất thì giờ đây, người dân đã biết tìm tòi, học hỏi những mô hình, kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất hiệu quả để áp dụng vào thực tế lao động cho nhiều kết quả tích cực. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, chị Lò Thị Kiên là người tiên phong trong phát triển mô hình chăn nuôi vịt đẻ siêu trứng, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

Nuôi vịt thả suối, ăn rêu đá, một nông dân ở Nậm Pồ thoải mái thu tiền - Ảnh 1.

Chị Lò Thị Kiên, ở Pa Tần, Nậm Pồ tỉnh Điện Biên, một trong những nông dân điển hình vươn lên thoát nghèo từ chăn nuôi.

Dựa vào lợi thế phía sau nhà có dòng suối Nậm Chà chảy dài, thức ăn tự nhiên khá dồi dào, bãi chăn thả tự nhiên rộng lớn, có bóng cây thoáng mát, rất tiện để vịt trú vào ban ngày, nhận thấy đây là lợi thế rất thích hợp để phát triển chăn nuôi. Nghĩ là làm, năm 2019 chị Kiên tìm hiểu các mô hình chăn nuôi thành công ở một số nơi, nhận thấy mô hình nuôi vịt siêu trứng phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, chị mạnh dạn liên hệ mua giống và quyết định đầu tư nuôi 1.200 con vịt siêu đẻ.

Do chăn nuôi với số lượng lớn, lại là hộ đầu tiên nuôi vịt siêu đẻ trứng với số lượng lớn ở địa bàn vùng sâu, vùng xa nên khó khăn là điều khó tránh khỏi đối với người nông dân, bởi thiếu vốn và thiếu kỹ thuật. Khởi nghiệp với nhiều khó khăn, nhưng với bản tính cần cù, chịu khó của người nông dân, chị Kiên đã bỏ nhiều công sức để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi sản xuất. Được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên dần dần, đàn vịt siêu trứng của gia đình chị phát triển tốt.

Nuôi vịt thả suối, ăn rêu đá, một nông dân ở Nậm Pồ thoải mái thu tiền - Ảnh 2.

Với đàn vịt trên 1.200 con đã cho chị thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày từ việc bán trứng vịt.

Chia sẻ về bí quyết chăn nuôi của mình, chị Kiên cho biết: Tận dụng lợi thế nhà ở cạnh suối nên rất thuận lợi cho việc chăn thả đàn vịt với số lượng lớn, vừa có chỗ chăn thả rộng rãi mà nguồn thức ăn tự nhiên cũng khá dồi dào, cộng với việc chăm sóc, phòng dịch cẩn thận nên đàn vịt phát triển nhanh và cho nhiều trứng.

Nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Nậm Pồ lấy trang trại làm đòn bẩy thoát nghèo

Hiện nay, trang trại chăn nuôi của gia đình chị có hơn 1.200 con vịt, mỗi ngày thu về từ 300 đến 400 quả trứng, giá bán dao động từ 2.000 đồng đến 3.500 đồng/quả. Trừ hết chi phí, mỗi ngày gia đình thu trên 600 nghìn đồng. Chăn nuôi vịt thả suối không chỉ giúp cho gia đình giảm bớt một phần lượng thức ăn cho đàn vịt mà trứng vịt đẻ ra còn to hơn, lòng đỏ nhiều hơn, ăn có vị thơm, béo nên được người dân trong bản ủng hộ. Khách hàng mua trứng vịt chủ yếu là các hộ dân trong bản, xã và một số cửa hàng kinh doanh ở xã lân cận.

Chị Kiên cho biết thêm: Để nuôi được đàn vịt khỏe mạnh, quan trọng nhất là khâu chọn con giống tốt, chăm sóc tốt con giống. Để phòng ngừa dịch bệnh thì khâu vệ sinh chuồng trại phải thường xuyên, tiêm phòng theo quy định. Ngoài chăn nuôi vịt, gia đình chị còn nuôi thêm lợn, gà; trồng thêm nhiều rau xanh các loại để vừa phục vụ gia đình, vừa bán để tăng thêm thu nhập.

"Ở bản Pa Tần có nhiều hộ gia đình duy trì mô hình trang trại chăn nuôi mang lại thu nhập khá. Cho đến thời điểm này, có thể nói mô hình chăn nuôi vịt siêu trứng của hộ gia đình Lò Thị Kiên là một trong những mô hình chăn nuôi tiêu biểu của bản, của xã; nuôi vịt với số lượng lớn như vậy trước đây chưa hộ gia đình nào làm được như vậy. Đây là một mô hình tiêu biểu cần được nhân rộng hơn trên địa bàn" - Ông Poòng Văn Sơn - Trưởng bản Pa Tần cho biết.

Tin tưởng rằng, với sự cần cù, chủ động chịu khó tự nghiên cứu, học hỏi, đời sống của hộ gia đình chị Kiên sẽ đổi thay từ mô hình kinh tế mà chị là người đầu tiên của xã dám thử nghiệm.

Vinh Duy - Vàng Thiện