dd/mm/yyyy

Những nông dân “cổ cồn” bỏ tiền tỉ trồng rau, nuôi bò

Sài Gòn đất chật người đông, làm nông không áp dụng khoa học kỹ thuật thì chỉ có uổng phí đất đai, công sức! Đó là chia sẻ của nhiều nông dân sản xuất kinh doanh ở TP.HCM, ngẫm lại, tôi thấy đúng. Vì ngay giữa vùng kinh tế đô thị phát triển bậc nhất cả nước này, có được mảnh đất làm vốn chính là “của để đời”.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017 Huỳnh Đoàn Thông

Cái giá của sự dấn thân

Nghe có vẻ phi lý, nhưng đó là thực tế đang diễn ra ở nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại TP.HCM: Làm nông thắng lớn nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật. Có rất nhiều tấm gương tiêu biểu cho mô hình này, chị “Huyền lan” là một trong số đó.

Chị “Huyền lan”, tên thật Đặng Lê Thị Thanh Huyền (ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) là cái tên mà giới trồng lan ở TP.HCM “không ai không biết”. Cách đây gần chục năm, chị Huyền bắt tay khởi nghiệp với nông nghiệp khi đang có cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng vừa nhàn nhã lại ổn định, nhiều người tỏ vẻ ái ngại cho chị.

Đến nay, chị Huyền có vườn lan rộng đến 8ha, khoảng 200.000 gốc mokara với đủ các loại màu sắc mà giới trồng lan ai cũng phải trầm trồ: Đỏ renred, đỏ redsun, đỏ lá quặt, đỏ mô đăng, vàng lê na, vàng chanh, vàng mai, vàng chao sunset, vàng nến, vàng đồng, tím kenyku, bò cạp vàng, bò cạp đỏ, bò cạp phượng vĩ... Chưa kể, chị Huyền còn “sở hữu” hơn 10.000 gốc lan Denrobium, trong đó có denro tím, denro trắng, denro nắng các loại…

Chị Huyền có vườn lan rộng đến 8ha, khoảng 200.000 gốc mokara với đủ các loại màu sắc 

Để có được “gia tài” quý giá này, cách đây vài năm, chị bắt đầu bằng việc quyết định chuyển đổi mảnh đất rộng 4ha đang trồng cao su thành trang trại hoa lan. Đồng thời, chị đầu tư làm hệ thống tưới tiêu nước, thuốc và phân bón tự động; xây dựng nhà lưới cho hơn 100.000 gốc lan mokara. Theo tiết lộ của chị Huyền “lan”, riêng số tiền đầu tư cho vườn lan này đã lên đến cả chục tỉ đồng.

Nhìn cơ ngơi đồ sộ, mấy ai kể hết được những đêm chị trăn trở vì hoa nhiễm bệnh thối rễ, thối đọt và đốm lá trên hoa lan ở những ngày đầu bước vào nghề trồng lan, hay những ngày chạy ngược chạy xuôi học kỹ thuật mới. “Chăm hoa như chăm con mọn”, chị Huyền từng thốt lên như thế.

Không dừng lại ở những thành quả hiện có, chị Huyền lan đang đầu tư hệ thống cấy mô để sản xuất giống, giảm chi phí giá thành và tự chủ được khâu chất lượng từ đầu vào cho vườn lan.

Đã có không ít các đoàn cán bộ nông nghiệp, nông dân, cả những người có thâm niên trong nghề trồng lan ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đến tham quan, học hỏi mô hình của chị Huyền trong những năm qua.

“Mình là hộ sản xuất nên khả năng về vốn, kinh nghiệm hay về công nghệ… chắc chắn không bằng các doanh nghiệp lớn. Thế nên khi đầu tư sản xuất, kinh doanh phải tìm thị trường ngách và phải đứng đầu trong thị trường ngách đó. Để làm được điều này, phải mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật!”
Ông Huỳnh Đoàn Thông.

Ông Trần Trường Sơn – Phó chủ tịch Hội nông dân TP.HCM nhận xét, chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền là một nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất lan. Cách làm của chị Huyền hiện nay ở trang trại lan Huyền Thoại là hướng đi đúng với nền nông nghiệp đô thị, là mô hình nông nghiệp tiêu biểu, quảng bá hình ảnh đẹp cho nông nghiệp đô thị của TP.HCM.

Năm nay, chị Huyền được bình chọn là một trong 24 gương mặt nông dân tiêu biểu, tham dự Lễ tuyên dương Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017 và kỷ niệm 5 năm Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam”, 30 năm đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chạm tay vào công nghệ

Không chỉ trồng lan, nuôi cá cảnh… là những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cần đầu tư nhiều khoa học kỹ thuật, việc nuôi bò sữa ở TP.HCM cũng qua rồi cái thời “sáng lùa ra đồng thả, tối lùa về”. Những trại bò sữa có hệ thống làm mát, có máy trộn thức ăn, máy vắt sữa sạch bóng… là hình ảnh mới của nghề nuôi bò sữa.

Với gần 1.000m2 đất vườn trồng cỏ, ông Lê Văn Phi (ngụ tại tấp lô 6, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) nuôi 65 con bò sữa, thu lợi nhuận từ 600 – 700 triệu đồng mỗi năm. Mô hình nuôi bò sữa của ông Phi là kết quả của việc gia đình ông hưởng ứng Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của ngành nông nghiệp TP.HCM. Năm 2003, ông Phi “dứt tình” với cây lúa để chuyển sang nuôi bò sữa.

“Ban đầu mới nuôi bò sữa, bên ngành nông nghiệp mở lớp tập huấn nào tôi cũng tham gia, học được mô hình nào hay, kỹ thuật nào mới tôi đều về áp dụng thử. Thấy hiệu quả thì vay thêm vốn mở rộng quy mô chăn nuôi”, ông Phi chia sẻ.

Ngoài áp dụng mô hình chuồng trại có hệ thống mái che 2 lớp, có phun sương… nhằm làm mát cho bò, ông Phi còn sử dụng thức ăn TMR (có máy trộn), hệ thống xử lý phân (hầm Biogas) và máy vắt sữa. Nhờ đó, chất lượng sữa bò của gia đình ông luôn đảm bảo, bán được giá cao.

Ông Phi tính, năng suất bò sữa của nhà ông đạt khoảng 25 – 30 kg/con/ngày. Do áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên sản phẩm làm ra bán được giá hơn, lợi nhuận ước đạt 35 – 40%, khoảng 6 triệu đồng/tháng cho mỗi con bò. Mỗi tuần thu về 27 – 28 triệu từ tiền bán sữa, cùng với việc bán bò con, gia đình ông Phi thu lợi nhuận 600 – 700 triệu đồng/năm.

“Ngày trước nghe nói khoa học công nghệ hay kỹ thuật… thì tôi tưởng như chuyện xa xôi lắm, vì mình hơn nửa đời chỉ biết lấy sức người trồng lúa, trồng khoai. Ai ngờ tiến bộ kỹ thuật cũng không phải quá khó, tỉ mỉ học tập, áp dụng dần thì quen thôi”, ông Phi chia sẻ.

Giờ, trại bò của ông Phi luôn sạch sẽ, mát mẻ, những con bò cái sau giờ ăn được tắm thư giãn, còn được nằm nghe nhạc nhẹ nhàng… để cho năng suất sữa cao. Còn về phần cỏ, nếu như trước đây cỏ thô phải chặt, băm bằng tay thì với máy trộn thức ăn TMR, ông Phi vừa tận dụng nguồn cỏ tới tận gốc, tăng hiệu suất sử dụng thức ăn, vừa giúp bò dễ tiêu hóa…

Cơ sở của ông Thông áp dụng các kỹ thuật “khó nhằn” trong lai tạo giống, rồi sản xuất, thu hoạch, xử lý hạt giống…

Hay như Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017 Huỳnh Đoàn Thông – Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Chánh Phong (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM), là nông dân “hàng hiệu” khi ông Phong mặc sơmi trắng đi ô tô thăm vườn. “Làm nông bây giờ không còn phải chân lấm tay bùn, chỉ làm những việc đơn giản, phần còn lại, máy móc lo hết!”, ông Thông chia sẻ.

Ở cơ sở của ông Thông, các kỹ thuật “khó nhằn” trong lai tạo giống, rồi sản xuất, thu hoạch, xử lý hạt giống… đều được ông áp dụng thông thạo. Giống nông nghiệp hạt méo hạt tròn được ông “nắn” theo ý muốn, để thuận tiện nhất cho bà con khi gieo hạt.

Còn ở ngoài vườn trồng, hệ thống cung cấp dinh dưỡng cho các vườn nghiên cứu, sản xuất của Chánh Phong được lập trình với độ chính xác tuyệt đối đến từng loại cây trồng khác nhau. Khi vận hành, hệ thống chỉ cung cấp vừa đủ nước, phân bón và các chất dinh dưỡng cho cây chứ không để bị dư thừa như khi canh tác bằng phương pháp truyền thống.

Khải Huyền