dd/mm/yyyy

Những nỗ lực phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ tái trồng cây có chứa chất ma túy ở Tây Nguyên

Trong những năm gần đây, các cấp chính quyền và cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên đã có nhiều giải pháp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ việc trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy, đặc biệt là cây cần sa. Nhờ các biện pháp tổng hợp, số vụ việc vi phạm đang có chiều hướng giảm trong năm 2023.

Tăng cường phát hiện, xử lý tội phạm trồng trái phép cây cần sa

Thời gian qua, tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn ra khá phức tạp, nhất là từ năm 2022 trở về trước. Các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số bộ phận người dân để lôi kéo, cung cấp hạt giống cần sa cho người dân gieo trồng, thu hoạch và thu mua để tiêu thụ. Bên cạnh đó, lợi nhuận của cần sa rất cao nên dù biết vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng nhưng các đối tượng vẫn cố tình vi phạm.

Đại tá Nguyễn Quang Trung – Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết, chỉ tính riêng năm 2020, lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy toàn tỉnh phát hiện 21 vụ, 21 đối tượng và thu giữ 4.343 cây cần sa tươi. Đến năm 2021, lực lượng chức năng phát hiện 45 vụ, 53 đối tượng, thu 11.910 cây cần sa tươi và 120,9kg cần sa khô. Trong năm 2022, phát hiện 24 vụ 31 đối tượng, thu trên 8.238 cây cần sa tươi và trên 34 kg cần sa khô.

Những nỗ lực phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ tái trồng cây có chứa chất ma túy ở Tây Nguyên- Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Cảnh sát điều trai tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Đắk Lắk) thông tin về tình hình phát hiện, triệt phá các vụ việc trồng cây cần sa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Khương Lực


Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy đã được kéo giảm đáng kể. Trong 11 tháng  đầu năm 2023, toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ xảy ra 5 vụ, 5 đối tượng, thu giữ hơn 2.000 cây cần sa tươi, giảm 19 vụ, 26 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022. Các vụ việc trồng cây cần sa xảy ra tại các địa bàn: thành phố Buôn Mê Thuột, thị xã Buôn Hồ và huyện Cư Kuin. Kết quả đã khởi tố 3 đối tượng về các hành vi mua bán trái phép chất ma túy và trồng trái phép cây cần sa.

Tình trạng trồng cây có chất ma túy còn phát hiện được ở các tỉnh như: Gia Lai, Đắk Nông… Trung tá Phạm Hồng Anh, Phó phòng Cảnh sách điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết, từ ngày 15/1/2019 đến ngày 15/8/2023, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tỉnh Gia Lai rà soát phát hiện bắt giữ 16 vụ/19 đối tượng trồng cây có chứa chất ma túy (thành phố Pleiku 5 vụ/5 đối tượng; huyện Chư Sê 7 vụ/8 đối tượng; huyện Đăk Đoa 1 vụ/1 đối tượng; huyện Chư Prông 1 vụ/1 đối tượng; huyện Đức Cơ 1 vụ/1 đối tượng và huyện Ia Grai 1 vụ/1 đối tượng).

"Tang vật thu giữ 10.146 cây cần sa tươi và 73,1kg hoa, lá, gốc, rễ, thân, cành cần sa đã sây khô. Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã khởi tố 5 vụ/5 đối tượng; xử lý hành chính 11 vụ/11 đối tượng (phạt tiền: 43 triệu đồng); xử lý khác 2 vụ/2 đối tượng, giáo dục tại cộng đồng 1 đối tượng" – Trung tá Phạm Hồng Anh thông tin.

Tính đến nay, hầu hết các vụ việc được phát hiện đã được công an các tỉnh xử lý triệt để. Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng trồng trái phép cây cần sa lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, Công an huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện những nơi trồng cần sa để ngăn chặn, xử lý.

Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh

Theo Đại tá Nguyễn Quang Trung, phương thức thủ đoạn của các đối tượng trồng cần sa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ngày càng tinh vi, kín đáo và mang tính chuyên nghiệp hơn. "Ví dụ các đối tượng trồng cần sa xen lẫn các cây công nghiệp khác trong vườn rẫy nên chúng tôi rất khó phát hiện" – ông Trung nói và cho biết các đối tượng lợi dụng vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, cách xa khu dân cư để trồng cây cần sa, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện xử lý.

Những nỗ lực phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ tái trồng cây có chứa chất ma túy ở Tây Nguyên- Ảnh 3.

Cần sa được trồng trái phép tại vườn rẫy cà phê ở vùng sâu, xa xôi, hẻo lánh gây khó khăn cho lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong việc phát hiện và xử lý. Ảnh: Q.T

Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy tỉnh Đắk Lắk còn phát hiện một số trường hợp trồng cây cần sa có tính chất chuyên nghiệp, với khu vực vườn ươm cây giống được xây dựng trong nhà kín, có hệ thống đèn chiếu sáng, máy điều hòa, quạt gió… để trồng cây cần sa nhằm mục đích mua bán trái phép chất ma túy.

Trước thực trạng tình hình trồng cây cần sa trên địa bàn diễn biến phức tạp, Công an tỉnh tỉnh Đắk Lắk đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 21/5/2021 chỉ đạo các Sở, ban, ngành tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy; đồng thời xây dựng kế hoạch cũng như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, Công an huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện.

Các đơn vị, Công an huyện, thị xã, thành phố đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy với các hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, phù hợp thực tế, tập trung tuyên truyền về cách nhận biết cây cần sa và một số loại ma túy thường gặp, nhất là các quy định của pháp luật đối với hành vi trồng trái phép cây có chứa chất ma túy và chế tài xử lý đối với các hành vi liên quan, góp phần nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân.

Cùng với đó, các lực lượng chức năng vận động nhân dân không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời tích cực tham gia phát hiện, tố giác các vụ việc phạm tội, vi phạm pháp luật về ma túy nói chung, các vụ việc trồng cây có chứa chất ma túy nói riêng.

Mặt khác, các đơn vị tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện các vụ việc, đối tượng có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy để xử lý nghiêm theo quy định.

Với những nỗ lực phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ việc trồng cần sa trái phép, lực lượng chức năng đã tạo ra những chuyển biến tích cực, giúp các hộ dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác hại của cây cần sa cũng như những hình thức xử lý nghiêm minh của pháp luật, qua đó đã góp phần làm giảm số vụ việc trồng, tái trồng cây cần sa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đem lại bình yên cho các buôn làng.

Khương Lực