dd/mm/yyyy

Nhân giống hoa lan rừng Hoàng Liên quý hiếm giúp dân làm giàu

Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa - Lào Cai) đang chuyển giao giống hoa lan rừng Hoàng Liên được thực hiện bằng phương pháp cấy mô tế bào (bảo đảm chất lượng và đủ số lượng) cho đồng bào các dân tộc thiểu số, như Mông, Dao, Giáy… ở vùng đệm và vùng lõi của Vườn quốc gia Hoàng Liên, nhằm tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả.

Nuôi cấy mô giống hoa lan rừng Hoàng Liên quý hiếm (từ quả lan) ở Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Theo kế hoạch, Vườn quốc gia Hoàng Liên sẽ thực hiện nhân giống bằng phương pháp cấy mô tế bào và cung cấp khoảng một trăm nghìn cây giống hoa lan bản địa loại tốt của núi rừng Hoàng Liên, cho khoảng hơn 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, của 24 thôn, thuộc năm xã, thị trấn thuộc vùng đệm và vùng lõi của Vườn quốc gia Hoàng Liên để nuôi, chăm sóc tại gia đình, phát triển kinh tế hộ.

Để phù hợp với thị trường, Vườn quốc gia Hoàng Liên lựa chọn các loại hoa lan bản địa có chất lượng hoa tốt, màu sắc đẹp, thời gian nở hoa kéo dài tới 2 - 3 tháng, được thị trường ưa chuộng, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán để nhân giống đại trà, nhằm mục đích sản xuất hàng hóa, hướng tới đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa. Đó là các giống: Hoàng Thảo Kiều, Hoàng Thảo Tam Bảo, Trần Mộng Xuân.

Ươm giống hoa lan (loại 1 - 2 năm tuổi) để cung cấp cho đồng bào địa phương.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên cho biết: “Chúng tôi cung cấp cây giống hai năm tuổi, bảo đảm chất lượng về vệ sinh, an toàn thực vật, cấp không cho đồng bào trồng và hướng dẫn kỹ thuật miễn phí. Sau bốn năm trồng và chăm sóc, lan sẽ phát cành, nở từ 1 - 3 cành hoa. Nếu chăm sóc khoảng 5 - 7 năm, sẽ cho chậu hoa có từ 8 - 10 cành. Với giá thị trường, từ 400 nghìn - 600 nghìn đồng/cành hoa thì có thể thu hoạch từ 1,5 triệu - 5 triệu đồng/chậu hoa”. Đó là một nguồn thu đáng kể và bền vững đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương.

Chuyển giao giống và kỹ thuật chăm sóc hoa lan rừng cho đồng bào dân tộc huyện Sa Pa.

Điều quan trọng hơn, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã khẳng định việc làm chủ khoa học, công nghệ nuôi cấy mô tế bào đối với hoa lan bản địa quý hiếm của núi rừng Hoàng Liên, nơi có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 m, được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”. Từ kết quả đó, Vườn quốc gia Hoàng Liên có thể bảo đảm cung cấp nguồn giống thuần chủng, đủ số lượng để cung cấp cho hàng trăm hộ là đồng bào bản địa, hiện đang sinh sống ở vùng đệm và vùng lõi của Vườn quốc gia Hoàng Liên, tạo sinh kế lâu dài, ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, góp phần quan trọng bảo vệ và giữ gìn rừng quốc gia Hoàng Liên.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh cho biết, sau hội nghị chuyển giao, việc cấp cây giống và trồng lan bản địa cấy mô sẽ được thực hiện ngay trong giữa tháng 4- 2017, nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất và đời sống của đồng bào địa phương.

Theo Quốc Hồng