dd/mm/yyyy

Nhận biết nguy cơ tái trồng một số cây chứa chất ma túy ở Tây Nguyên

Tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy, đặc biệt là cây cần sa đã diễn ra ở các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm qua. Điều đáng nói là một số hộ dân bị kẻ xấu lợi dụng lại chưa hề nhận thức được việc trồng loài cây này là vi phạm pháp luật.

Cây cần sa hay còn gọi là gai dầu, tài mà, bồ đà, tên khoa học là Cannabis Sativa. Dù đây là loại cây có chứa chất ma túy, bị pháp luật nước ta tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Tuy nhiên, hạt giống cần sa hiện vẫn đang được rao bán công khai tràn lan trên mạng, kèm theo hướng dẫn cặn kẽ về cách ươm giống, gieo trồng cho hiệu quả. Thậm chí, trong thời gian qua, một số đối tượng còn lôi kéo, đưa hạt giống cho một số người dân trồng, thu hoạch và tiêu thụ cây cần sa để thu lợi bất chính.

Ngụy trang tinh vi vẫn bị phát hiện, bắt giữ

Thời gian vừa qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện nhiều đối tượng gieo trồng cây cần sa và cây có chứa chất gây nghiện. Qua một số vụ việc mà các cơ quan ban ngành phát hiện được đã khẳng định tình trạng trồng cây cần sa vẫn có nguy cơ nhen nhóm ở một số xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn hẻo lánh, ít người qua lại. Các đối tượng đã lợi dụng sự cả tin của người dân để thuê bà con trồng.

Nhận biết nguy cơ tái trồng một số cây chứa chất ma túy ở Tây Nguyên- Ảnh 1.

Với thủ đoạn trồng xen cần sa trong vườn cà phê để che mắt lực lượng chức năng và người dân phát hiện, nhưng bằng các nghiệp vụ điều tra, lực lượng công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện kịp thời và triệt phá toàn bộ diện tích trồng cần sa trái phép. Ảnh: N.G

Đắk Lắk với đặc thù là một tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, rộng lớn, điều kiện đi lại khó khăn, dân số đông, có nhiều dân di cư ở nơi khác đến sinh sống và làm ăn, trong đó có một bộ phận các dân tộc miền núi phía Bắc mang theo hạt giống cây cần sa cũng như phương thức canh tác của lại cây này đến tỉnh Đắk Lắk để trồng trọt với mục đích buôn bán, sử dụng hoặc làm dược liệu, chăn nuôi.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, tình trạng trồng cây có chất ma túy (cây cần sa) xảy ra chủ yếu tại các địa bàn huyện: Cư M'gar, Ea H'Leo, Cư Kuin, Krông Buk… Các đối tượng thường trồng xen cây có chứa chất ma túy (chủ yếu là cây cần sa) với các loại cây trồng khác trong khu vườn, rẫy của gia đình, những khu vực khó đi lại hoặc xa nơi đông dân cư nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng.

Theo các cơ quan công an ở các địa phương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tình trạng trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy (chủ yếu là cây cần sa) trên địa bàn Tây Nguyên còn nhiều là do đồng bào vùng cao phía Bắc di dân vào đã có tập quán trồng và sử dụng cần sa từ lâu. Đời sống bà con còn khó khăn, trong khi lợi nhuận mang lại từ việc trồng cây chứa chất ma túy cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Trong khi đó, việc trồng cây cần sa sản phẩm rất gọn nhẹ nên việc vận chuyển, tiêu thụ khá dễ dàng.

Trung tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng Công an huyện  Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk – địa phương phát hiện, thu giữ hơn 2.000 cây cần sa trong năm 2023 cho biết, tình hình tội phạm về ma túy, đặc biệt là trồng cây cần sa vẫn xảy ra ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, chủ yếu tập trung vào người dân tộc thiểu số ở địa bàn các xã: Cư Êwi, Ea Bhôk và Ea Ning.

"Một số trồng xen vào cây cà phê, rồi xung quanh được trồng cây chắn gió, che chắn rất kỹ và trồng rải rác nhiều khu vực. Khu vực đó chỉ có người anh em, bà con của họ sinh sống nên viêc người dân đi qua để tiếp cận, phát hiện rất khó khăn" – Trung tá Nguyễn Đình Hưng thông tin.

Trung tá Nguyễn Đình Hưng còn cho biết thêm, do hoa cần sa có mùi thơm nên để che dấu các đối tượng đã trồng thêm một số cây ăn trái, rồi ngụy trang bằng cách phun thuốc trừ sâu để át đi mùi thơm của hoa cần sa. "Việc phun thuốc trừ sâu liên tục như thế, bà con nhân dân cũng không đi qua khu vực này, rồi trâu bò chăn thả ở khu vực đó rất hạn chế. Việc ngụy trang này rất tinh vi" – ông Hưng nhận định.

Nhận biết nguy cơ tái trồng một số cây chứa chất ma túy ở Tây Nguyên- Ảnh 3.

Lục lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk triệt phá diện tích trồng cây cần sa được người dân trồng tại các vườn, rẫy của nhà mình. Ảnh: N.G

Đáng chú ý, trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện một số trường hợp trồng cây cần sa với số lượng lớn có tính chất chuyên nghiệp, hình thành đường dây khép kín, với khu vực vườn ươm cây giống được xây dựng trong nhà kín, có hệ thống đèn chiếu sáng, máy điều hòa, quạt gió… nhằm mục đích mua bán trái phép chất ma túy.

Mặc dù các đối tượng trồng cây có chất gây nghiện có nhiều hình thức đối phó với cơ quan chức năng, nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền nên đã kịp thời phát hiện và triệt phá toàn bộ diện tích tái trồng trên địa bàn. Để hạn chế trình trạng tái trồng, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk… đã tập trung xác định đối tượng trồng, tái trồng cây cần sa để có biện pháp tuyên truyền, vận động và xử lý một cách phù hợp.

Những tác hại khôn lường

Trồng cây cần sa không phải là một vấn đề mới, nhưng việc nhận biết và quản lý nguy cơ trồng, tái trồng cây cần sa là một yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bằng cách nắm vững thông tin, tuân thủ quy định pháp luật, nhận diện và giám sát, giáo dục và tạo ý thức, cùng với việc cung cấp hỗ trợ và điều trị, chúng ta có thể từng bước xóa bỏ, triệt phá tình trạng trồng cây cần sa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Ở Việt Nam, cần sa là cây có chứa chất ma tuý được quy định tại số thứ tự 45, ID thuộc Danh mục I (các chất ma tuý tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền) Ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Nhắc tới vụ việc phát hiện và thu giữ hơn 2.000 cây cần sa, Trung tá Nguyễn Đình Hưng thông tin khi vụ việc bị phát hiện và lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng thì có một người dân là anh em bà con với các đối tượng bị bắt đã âm thầm ra vườn nhà mình nhổ bỏ cần sa cho bò ăn, khiến bò bị say gần chết. Đối tượng sợ quá, không dám cho bò ăn nhiều. Khi lực lượng chức năng phát hiện thì số cần sa này đã khô héo, nhưng đối tượng không dám đem đi tiêu thụ.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cần sa là một trong những chất được lứa tuổi vị thành niên sử dụng phổ biến nhất. Trong giới trẻ thường gọi bằng nhiều cái tên khác nhau cho cùng một loại cần sa xuất phát từ cây Cannabis Sativa như "bồ đà", "bu", "cỏ", "tài mà", "pin" được sử dụng dưới dạng hút, vape (kiểu hút của thuốc lá điện tử), hít, uống hoặc ăn nhằm mục đích thỏa mãn cá nhân và giải trí.

Tuy nhiên, việc sử dụng cần sa có thể gây ra hàng loạt các thay đổi về tâm lý ở người sử dụng, thường tạo ra khoái cảm, hưng phấn, nói nhiều. Ngoài ra, các cơ quan cảm giác như thị giác, thính giác, vị giác và xúc giác cũng bị kích thích mạnh dẫn đến ảo giác; tri thức, trí nhớ lẫn lộn, không phân biệt được quá khứ, hiện tại, tương lai, tư tưởng bất an, cảm xúc thất thường, đôi khi rất hung dữ, không quan tâm tới bất kì công việc gì, không có mục đích rõ ràng…

Khương Lực