dd/mm/yyyy

Người nuôi heo đang bị thiệt hại đủ đường vì lò mổ "chặt chém"

Từ khi lò mổ Xuyên Á bị đóng cửa hơn 1 tháng qua khiến thương lái phải đem heo ra các lò mổ gia công và bị "chém" với giá tăng vọt. Thương lái lại đẩy chi phí cho người nuôi bằng cách hạ giá mua heo.

Thương lái Đồng Nai trao đổi với ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai về những khó khăn khi lò giết mổ Xuyên Á bị đóng cửa.

Trước những khó khăn đó, ngày 08.11 vừa qua, hàng chục thương lái của Đồng Nai chuyên cung cấp thịt heo cho chợ đầu mối Tân Xuân (TP.Hồ Chí Minh) đã tập trung đến Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn phản ánh về những khó khăn do thiếu lò giết mổ từ sau khi lò mổ Xuyên Á bị đóng cửa.

Lò mổ gia công tha hồ "chặt chém"

Theo các thương lái, hơn 1 tháng lò mổ Xuyên Á bị đóng cửa là chừng ấy thời gian họ phải nháo nhào đi tìm lò giết mổ khác. Do ở thế bị động nên thương lái rơi vào cảnh bị các lò giết mổ tăng giá gia công, chi phí vận chuyển cao, rủi ro thua lỗ lớn... buộc họ phải ép giá heo hơi của người nuôi.

Bà Bùi Thị Thủy, thương lái ở xã Tân Hòa (TP.Biên Hòa) chuyên cung cấp heo vào chợ đầu mối Tân Xuân (TP. Hồ Chí Minh), than thở: “Khi lò mổ Xuyên Á chưa đóng cửa, phí giết mổ gia công chưa đến 100 ngàn đồng/con heo. Sau sự cố trên, chúng tôi vớ được lò nào thì đưa heo vào lò đó. Giá heo giết mổ gia công cũng “nhảy múa” theo, lò tính 140 ngàn đồng/con, lò đòi đến 160 ngàn đồng/con...”.

Các lò mổ gia công vừa không đảm bảo vệ sinh lại ép giá cao. Ảnh minh họa

Điều khó khăn không nhỏ khác là những lò giết mổ thay thế đều ở xa, mất cả tiếng đồng hồ vận chuyển, chi phí vận chuyển cũng tăng cao mà rủi ro trễ chợ, thịt ế xảy ra như cơm bữa.

Bà Kiều Thị Hoàng Mỹ, thương lái tại xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) rất bức xúc: “Giá vận chuyển mỗi chuyến xe tăng lên tiền triệu. Khó nhất là các lò giết mổ ở Đồng Nai, Long An, Tây Ninh... thường quá xa, heo chở lên bị trễ buổi chợ hoặc bị khách chê “thịt khô” là cầm chắc lỗ vốn vì giá rớt”.

Người chăn nuôi là nạn nhân

Thị trường thịt heo đang diễn ra một nghịch lý, giá heo hơi của người nuôi đang bị ép xuống thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao.

Bà Vũ Thị Mầu, thương lái tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), cho biết, việc trục trặc trong khâu giết mổ không chỉ gây khó cho thương lái mà còn gây hệ lụy không nhỏ đến người chăn nuôi. Giá heo hơi đang bị ép xuống ngày càng thấp, có thời điểm chỉ còn 24-25 ngàn đồng/kg.

Những chi phí giết mổ và vận chuyển đã đẩy giá heo xuống thấp, người nuôi chịu thiệt

"Điều chúng tôi lo lắng là sau đợt này, chi phí giết mổ gia công sẽ hình thành mặt bằng giá mới cao hơn. Cuối cùng vẫn là người chăn nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt vì chúng tôi buộc phải mua rẻ, bán đắt để bù vào chi phí” - bà Mầu chia sẻ.

Theo phản ánh của các tiểu thương, TP.Hồ Chí Minh có thông báo là sẽ cho lò giết mổ Xuyên Á hoạt động lại vào ngày 22.10, nhưng đến nay lò giết mổ này vẫn đóng cửa và phía chính quyền địa phương cũng không có phản hồi nào cho thương lái.

Phía thương lái mong ngành chức năng của Đồng Nai làm việc với TP.Hồ Chí Minh để có giải pháp gỡ khó cho cả thương lái và người chăn nuôi. Ngoài giải pháp cho lò mổ Xuyên Á hoạt động trở lại, các thương lái cho rằng TP.Hồ Chí Minh nên tạo điều kiện cho một số lò giết mổ lớn đã được đầu tư gần khu vực chợ đầu mối Tân Xuân sớm đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, sự cố lò mổ Xuyên Á còn là vấn đề về quản lý. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai sẽ sớm có văn bản kiến nghị lên Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Sở Công thương Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh để lò mổ Xuyên Á sớm hoạt động trở lại, hoặc có giải pháp hợp lý gỡ khó cho thương lái.
Bình Nguyên