dd/mm/yyyy

Người bị rắn độc cắn phải làm ngay điều này để cứu mạng

Khi bị rắn độc cắn, sơ cứu vết thương là vô cùng quan trọng. Nhiều người bị rắn độc cắn do không biết cách sơ cứu và chữa trị kịp thời dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng.

Rắn cạp nong có đặc điểm các khoang vàng và đen đan xen là loài có nọc độc rất mạnh. Ảnh IT

Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, ở Việt Nam đã biết được khoảng 135 loài rắn, trong đó khoảng 31 loài rắn độc (gồm 18 loài trên cạn và 13 loài dưới biển).

Các loài rắn độc thường gặp là rắn lục điển hình, rắn lục chàm quạp, rắn lục mũi hếch, rắn lục tre, rắn lục xanh môi trắng, rắn lục cây đước, rắn lục xanh đuôi đỏ, rắn lục tím, rắn hổ mang, rắn hổ mang đất, rắn hổ mèo, rắn hổ chúa, rắn cạp nong, rắn cạp nia… Nhóm rắn biển nguy hiểm có loài rắn biển có đuôi hình mái chèo…

Là nơi thường xuyên điều trị những bệnh nhân bị rắn độc cắn, các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khuyến cáo: khi có người bị rắn độc cắn, điều đầu tiên cần nghĩ là làm sao cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, nhờ đó nạn nhân có đủ thời gian để kịp được vận chuyển đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc.

Rắn hổ mang chúa có nọc độc cực mạnh, đủ sức làm chết người. Ảnh IT

Khi phát hiện bị rắn độc cắn nận nhân không được di chuyển nhiều và áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường). Việc làm này để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

Tuy nhiên, không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm; cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề. Và sau đó, vận chuyển bệnh nhân nhanh nhất có thể đến cơ sở y tế. Nếu bệnh nhân khó thở, khẩn trương hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).

Hiện nay, người dân hay rỉ tai nhau cách sơ cứu khi bị rắn cắn là buộc garo phía trên vị trí bị thương. Tuy nhiên, việc làm này dễ dẫn đến phải cắt bỏ chi hoặc liệt.

Khi bị rắn độc cắn, theo các bác sỹ, không được sử dụng biện pháp garo chi (tay/chân) dễ làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch (mạch máu vận chuyển máu từ tim đi nuôi dưỡng các bộ phận của cơ thể). Nhiều trường hợp sau đó hoại tử phải cắt chi.

Tay bị hoại tử do sơ cứu không đúng cách khi bị rắn độc cắn. Ảnh IT

Việc trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn được các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy không có lợi ích mà còn gây hại thêm cho bệnh nhân (tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh... nhiễm trùng nặng); việc hút nọc độc cũng không đáng tin cậy khi các nhà sản xuất thiết bị hút đặc biệt ủng hộ việc dùng các sản phẩm của họ.

Thậm chí, các cách chữa trị kiểu truyền miệng “cho điện giật” cũng đã từng xuất hiện nhưng các bác sĩ BV Bạch Mai khẳng định chưa bao giờ có những chứng minh về lợi ích của nó mà còn gây hại thêm cho bệnh nhân.

Gây điện giật trong sơ cứu rắn cắn mặc dù được các nhà sản xuất thiết bị này ủng hộ nhưng sự thật cũng không đem lại lợi ích. Ngoài ra, bệnh nhân bị rắn cắn tuyệt đối không được đắp đá, chườm lạnh và tuyệt đối không bôi hóa chất, thuốc, lá cây… lên vết cắn.

Bình Châu