dd/mm/yyyy

Năm Dậu, bàn vị thế mới cho gà Việt

Giá lợn khi trầm khi bổng, nhất là cuối năm 2016 giá lợn hơi giảm sâu khiến bức tranh ngành chăn nuôi năm qua ít nhiều mang nét trầm buồn. Song đâu đó vẫn có những mảng màu tươi sáng, ổn định, đó chính là con gà thả vườn.

Giá lợn khi trầm khi bổng, nhất là cuối năm 2016 giá lợn hơi giảm sâu khiến bức tranh ngành chăn nuôi năm qua ít nhiều mang nét trầm buồn. Song đâu đó vẫn có những mảng màu tươi sáng, ổn định, đó chính là con gà thả vườn.

Gà 9 cựa của Dabaco

Hiện mỗi năm Việt Nam sản xuất ra 150 triệu con gà lông màu các loại, trong đó doanh nghiệp, cơ sở ấp nở gia cầm trong nước chiếm trên 90% thị phần. Sản xuất, chăn nuôi, phân phối gà lông màu hiện là lĩnh vực hiếm hoi mà ở đó vai trò của các doanh nghiệp nước ngoài vô cùng mờ nhạt. Tháng 6/2016, nhà sáng lập Microsoft, tỉ phú đô la Mỹ Bill Gates bất ngờ chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm với những người nghèo nếu muốn làm giàu hãy chăn gà, bởi đây là vật nuôi phù hợp nhất.

Quả thực, với nông dân Việt Nam, cho đến thời điểm này nuôi gà vẫn là nghề dễ chuyển đổi hơn cả nếu vì lí do nào đó họ thôi trồng lúa. Thực tế, trong khi các giống vật nuôi khác như bò, lợn, gà lông trắng, tôm… đều phải sử dụng các giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ có nguồn gốc nhập nội và đi đâu cũng thấy bóng dáng của doanh nghiệp FDI thì con gà lông màu nội địa lại giành chiến thắng một cách áp đảo, từ con giống đến chăn nuôi.

Theo một số chuyên gia trong ngành chăn nuôi, nhờ thế mạnh văn hóa và sự nhạy bén của một số doanh nghiệp nội thức thời sớm nhìn thấy tương lai của thị trường nên con gà lông màu đã có được chỗ đứng vững chắc như ngày hôm nay. Đúng là điểm mạnh văn hóa đồng thời là hạn chế của dân Việt ta hiện nay là thói quen ăn gà lông. Quay trở lại cơ cấu vật nuôi và cơ cấu thịt trong bữa ăn của người Việt, hiện giữa các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi giữa việc nên ăn nhiều thịt lợn, thịt bò hay thịt gà. Nhưng về căn bản, ăn quá nhiều cái gì cũng không tốt và xu hướng dinh dưỡng của thế giới bắt đầu khuyên người dân nên ăn đồng đều, cân bằng các loại thực phẩm, bởi mỗi loại thực phẩm đều có mặt tích cực và hạn chế với cơ thể con người. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử cho đến tận bây giờ, người Việt vẫn ăn và cúng gà lông. Vì vậy, ngoài yêu cầu chất lượng thịt, hương vị thì người tiêu dùng còn đòi hỏi rất cao ở hình thức con gà thông qua mẫu mã, màu lông, da, chân, mào… Mà nói đến gà lông màu bản địa, đa phần doanh nghiệp nước ngoài sẽ chào thua.

Gà thuần 9 cựa của Dabaco

Có thể khẳng định, nghề sản xuất, kinh doanh gà lông màu mà dân gian vẫn hay gọi là gà thả vườn đang ở đỉnh cao của sự phát triển và thành công. Song chúng ta không nên ngủ quên trên chiến thắng, bởi còn rất nhiều việc phải làm và thị trường có thể đem đến những điều mà không ai có thể nghĩ tới. Như cách đây 10 năm, ít ai đủ lạc quan có thể hình dung một doanh nghiệp trong nước lại có thể sản xuất ra 30 triệu con gà giống lông màu mỗi năm theo quy mô công nghiệp, tự động hay những mô hình, trang trại nuôi gà thả vườn kiểu mới với cả chục nghìn con bằng công nghệ nuôi chuồng kín. Cũng không ai có thể nghĩ rằng con gà lông màu giờ còn đi cả máy bay và thụ tinh nhân tạo…

Năm 2017 được các chuyên gia kinh tế coi là năm bản lề vô cùng quan trọng cho các doanh nghiệp nông nghiệp và người chăn nuôi trong nước, bởi sang năm 2018, rất nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm có mức thuế suất nhập khẩu bằng 0%. Vì vậy, ngay lúc này ngành chăn nuôi cần có đánh giá, xác định lại vai trò, vị thế của các giống gia cầm có thế mạnh bản địa, bởi chiến thắng ở phân khúc gà lông màu chứng minh doanh nghiệp trong nước không quá yếu như nhiều người nghĩ.

Theo đó, những giống gà Việt Nam nào có chất lượng tốt, có triển vọng để lai tạo phát triển thành sản phẩm hàng hóa thì nên có chủ trương hỗ trợ nghiên cứu cải tạo, chuyên sâu như gà Mía, gà Nòi, gà Ri, gà Hồ, gà Đông Tảo… Sản phẩm nào có nguồn gen quý hiếm, cần bảo tồn nên khuyến khích định hướng phát triển thành vật nuôi đặc sản, từ đó tạo ra sự khác biệt, phát triển bền vững và giữ lợi thế cạnh tranh vững chắc khi hội nhập. Dù đã gặt hái thành công to lớn ở khâu sản xuất con giống và chăn nuôi, song con gà lông màu bản địa của Việt Nam vẫn còn một khâu quan trọng nữa cần hoàn thiện trong tương lai, đó là khâu giết mổ, chế biến. Để làm được việc này, cần phải có sự chung tay vào cuộc của cả doanh nghiệp, nhà nước, người chăn nuôi và người tiêu dùng....

ĐĂNG QUÂN