dd/mm/yyyy

Mường La phát triển tốt thương hiệu sản phẩm địa phương

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện Mường La (tỉnh Sơn La) thời gian qua đã có nhiều sản phẩm đặc trưng địa phương trở thành hàng hóa vươn ra thị trường. Tiêu biểu như sản phẩm tinh dầu sả Java của của Hợp tác xã (HTX) tinh dầu dược liệu Mường La tại xã Pi Toong.

Hưởng ứng Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" nhiều xã tại huyện Mường La đã tận dụng ưu thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là mô hình trồng và chế suất tinh dầu sả Java của HTX tinh dầu dược liệu Mường La tại xã Pi Toong, một mô hình sản xuất hiệu quả đang góp phần tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

HTX tinh dầu dược liệu Mường La phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương - Ảnh 1.

Sản phẩm tinh dầu sả Java của HTX tinh dầu dược liệu Mường La tại xã Pi Toong.

Được biết, sả Java hay còn gọi là sả cỏ, thường dùng làm nguyên liệu chiết suất tinh dầu, dùng làm dược phẩm. Tinh dầu Sả Java có công dụng dùng để xông hơi, khử mùi, thanh lọc không khí, diệt khuẩn, diệt côn trùng, đuổi muỗi, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý về rối loạn thần kinh và giảm đau…

Trao đổi với phóng viên Trang trại việt, chị Lò Thị Kim Thương, Giám đốc HTX Tinh dầu dược liệu Mường La, cho biết: HTX được thành lập năm 2018, hiện nay HTX có 15 thành viên. Mới đầu, HTX vận động một số hộ dân trong xã trồng thử nghiệm hơn 20 ha sả Java làm nguyên liệu cung cấp cho HTX sản xuất, chiết xuất tinh dầu. Sau thời gian chăm sóc và thu hoạch, nhận thấy cây sả có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, lượng tinh dầu tương đối cao, đáp ứng đủ các chỉ tiêu để làm nguyên liệu chiết xuất tinh dầu. Từ những diện tích trồng thí điểm ban đầu, đến nay diện tích trồng sả đã tăng lên hơn 80 ha, tập trung chủ yếu ở xã Pi Toong (45 ha đang cho thu hoạch).

HTX tinh dầu dược liệu Mường La phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương - Ảnh 2.

Sản phẩm tinh dầu sả có nhiều công dụng trong chữa bệnh.

Do trồng sả Java có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số loại cây trồng truyền thống như: Cây ngô, cây lúa và sắn. Hơn nữa, giống sả này lại phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Pi Toong nên phát triển tốt, hiệu quả. Do đó, HTX tinh dầu dược liệu Mường La đang hỗ trợ, hưỡng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật và mở rộng sản xuất, trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình.

Chị Thương chia sẻ: Cây sả Java có ưu điểm phát triển tốt trên đất dốc, dễ chăm sóc, hạn chế phân bón, sau 3 tháng trồng là đã có thể thu lượt lá đầu tiên. Đặc biệt, sả Java trồng 1 lần nhưng có thể cho thu hoạch từ 4 - 6 năm, chi phí sản xuất không quá lớn, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp để bà con phát triển và nhân rộng. Để đáp ứng nhu cầu thu mua sản phẩm phẩm cho người dân trồng sả, HTX đã đầu tư trang thiết bị, xây lò chiết xuất tinh dầu và tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, cơ sở chiết xuất tinh dầu Sả Java đang hoạt động ổn định và đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Trung bình 1 tấn lá sả chiết xuất được 8 kg tinh dầu, giá thị trường khoảng 400.000 đồng/kg tinh dầu. Mỗi năm thu khoảng 5 - 6 lượt lá, năng suất trung bình trên 17 tấn lá/ha/năm.

HTX tinh dầu dược liệu Mường La phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương - Ảnh 3.

Sản phẩm tinh dầu sả Java của HTX tinh dầu dược liệu Mường La đã được chọn là sản phẩm OCOP điểm của tỉnh Sơn La năm 2019.

Hiện sản phẩm được đóng thành lọ và dãn nhãn mác thương hiệu, giá bán 150.000 đồng/lọ nhỏ và 250.000 đồng/lọ to. Hiện sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường, đầu ra ổn định, giá thành cao, cung cấp cho một số thị trường trong và ngoài tỉnh, như: Hà Nội, Hải Phòng, Lai Châu, Tuyên Quang... và đang tiếp tục mở rộng thị trường để xuất khẩu ra nước ngoài. Tính từ đầu năm đến nay, tổng doanh thu của HTX đạt trên 1 tỷ đồng, thu nhập bình quân của mỗi thành viên HTX  từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. 

HTX tinh dầu dược liệu Mường La phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương - Ảnh 4.

Chị Lò Thị Kim Thương, Giám đốc HTX Tinh dầu dược liệu Mường La.

Để nhân rộng diện tích trồng sả Java, huyện Mường La đã và đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng sả. Đồng thời, hỗ trợ người dân theo chương trình dự án giảm nghèo bền vững 135, hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật sản xuất cho người dân trên địa bàn. Vì vậy diện tích trồng sả đang dự kiến sẽ mở rộng ra các xã Pi Toong, Tạ Bú, Mường Chùm, Chiềng Hoa, Chiềng San, Mường Trai, Hua Trai và thị trấn Ít Ong

Quốc Định